10/01/2025

​Doanh nghiệp sẽ bị khống chế chi phí lãi vay

Không phải toàn bộ chi phí lãi vay của doanh nghiệp (DN) đều được khấu trừ mà tới đây sẽ bị khống chế theo một tỉ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu trước khi tính thuế thu nhập DN.

 

​Doanh nghiệp sẽ bị khống chế chi phí lãi vay

 

Không phải toàn bộ chi phí lãi vay của doanh nghiệp (DN) đều được khấu trừ mà tới đây sẽ bị khống chế theo một tỉ lệ nhất định so với vốn chủ sở hữu trước khi tính thuế thu nhập DN. 




Theo Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ sẽ hạn chế các doanh nghiệp vay quá nhiều vốn nhưng hoạt động không hiệu quả. Trong ảnh: Một dự án căn hộ tại quận 2, TP.HCM bị bỏ dở dang từ nhiều năm nay - Ảnh: Hữu Khoa
Theo Bộ Tài chính, việc khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ sẽ hạn chế các doanh nghiệp vay quá nhiều vốn nhưng hoạt động không hiệu quả. Trong ảnh: Một dự án căn hộ tại quận 2, TP.HCM bị bỏ dở dang từ nhiều năm nay – Ảnh: Hữu Khoa

Đây là một trong những nội dung vừa được Bộ Tài chính đề xuất đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2016.

Cụ thể, từ ngày luật có hiệu lực đến hết năm 2018, tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với lĩnh vực sản xuất là 5 lần (5:1) và các lĩnh vực còn lại là 4 lần. Từ ngày 1-1-2019, tỉ lệ này được giảm đối với lĩnh vực sản xuất còn 4 lần và các lĩnh vực còn lại là 3 lần. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Thi – vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính – cho biết nếu đề xuất này được chấp thuận và áp dụng vào thực tế, chi phí lãi vay mà DN được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập DN chỉ nằm trong tỉ lệ này, còn khoản chi lãi vay vượt trên tỉ lệ này sẽ không được khấu trừ.

Ông Phạm Đình Thi - Ảnh: L.Thanh
Ông Phạm Đình Thi – Ảnh: L.Thanh

* DN vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, vì sao chi phí lãi vay bị khống chế, thưa ông?

– Nhiều DN có vốn chủ sở hữu rất ít nhưng vay vốn quá nhiều, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án có quy mô hoành tráng, trong đó có những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng – chủ yếu từ vốn vay – nhưng không có lãi, thậm chí lỗ triền miên.

Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất an toàn tài chính của DN, gây rủi ro rất lớn cho khách hàng cũng như nền kinh tế.

Tuy nhiên, do Luật thuế thu nhập DN hiện hành cho phép toàn bộ chi phí lãi vay được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ và được khấu trừ nên cơ quan quản lý thiếu công cụ để hạn chế chuyện DN vay vốn quá nhiều.

Do đó, việc khống chế khoản chi phí lãi vay được khấu trừ căn cứ theo tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho DN nói riêng mà cả nền kinh tế nói chung.

* Các DN thuộc lĩnh vực nào hoạt động chủ yếu vào vốn đi vay và có nguy cơ rủi ro cao?

– Phần lớn DN ngành xây dựng, bất động sản có số vốn đi vay lớn gấp nhiều lần vốn chủ. Ngay cả các DN nhà nước cũng có tình trạng này.

Qua số liệu thống kê sơ bộ 57/85 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước tính đến hết năm 2014, có hai DN (một DN kinh doanh xăng dầu và một DN xây dựng) có tỉ lệ dư nợ vay trên vốn chủ sở hữu lớn hơn năm lần.

Tức là vốn chủ sở hữu chỉ có 1 đồng mà đi vay những hơn 5 đồng để sản xuất kinh doanh. Có 6 DN ngành xây dựng có tỉ lệ này từ 3-5 lần, số còn lại có tỉ lệ dưới 3 lần. Ngoài ra, các dự án BOT nhiệt điện có vốn FDI, tỉ lệ này là 4 lần.

Đặc biệt, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thương mại, dịch vụ thường xuyên báo lỗ dù không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và doanh thu luôn tăng trưởng từng năm.

Qua xem xét báo cáo tài chính của DN, chúng tôi thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ của các DN một phần là do chi phí tài chính quá lớn. Đó là chi phí trả tiền lãi vay cho công ty mẹ ở nước ngoài. Có nhiều DN chi phí trả tiền lãi vay vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng/năm.

* Với các DN trong nước có quy mô nhỏ nhưng vừa sản xuất vừa kinh doanh thương mại – dịch vụ sẽ áp dụng tỉ lệ nào cho phù hợp?

– Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và DN. Trong các ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định một tỉ lệ chung mà không chia theo lĩnh vực để dễ thực hiện và công bằng giữa các ngành.

Cũng có nhiều ý kiến đề nghị lùi thời điểm áp dụng quy định này đến năm 2018 hoặc 2019 thay vì từ đầu năm 2016 để tránh xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, nhiều DN cũng đề nghị chỉ nên giới hạn đối với các khoản vay dài hạn theo hợp đồng vay… Trên cơ sở đóng góp của các ý kiến, Bộ Tài chính sẽ lựa chọn phương án phù hợp nhất để trình Chính phủ.

* Quy định này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các DN, thưa ông?

– Tôi khẳng định rằng quy định hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế nhiều nước cũng có quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ căn cứ vào vốn chủ sở hữu trước khi tính thuế thu nhập DN.

Chẳng hạn, tại các nước như Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan… tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần (3:1), còn tại các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Canada… tỉ lệ này từ 1,5-2 lần…

Đặc biệt, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng khuyến nghị áp dụng tỉ lệ này nên được khống chế ở mức 3 lần.

Tuy nhiên, do đây là quy định mới nên khi áp dụng vào thực tiễn chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Do đó trong dự thảo luật, Bộ Tài chính cũng đề xuất luật bổ sung điều khoản cho phép Chính phủ được quy định riêng tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu đối với những trường hợp đặc biệt. 

* Bà Đặng Thị Bình An (chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tư vấn thuế C&A):

Nên có lộ trình thích hợp

Nếu quy định này được áp dụng sẽ tác động rất lớn đến DN. Do đó cần có lộ trình thích hợp hơn là thực hiện từ năm 2016 để DN có thời gian chuẩn bị.

Mặt khác, tôi cho rằng không nên phân chia theo ngành kinh doanh mà nên đưa ra mức chung cho tất cả các ngành.

Bởi đa số DN của VN có quy mô vừa và nhỏ và kinh doanh đa ngành nghề. Vậy lấy tiêu thức nào để chia DN sản xuất hay DN hoạt động các ngành nghề khác?

* Bà Đặng Thị Phương Dung (phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN):

DN ngành dệt may gặp khó

Các DN dệt may chủ yếu làm hàng gia công nên vốn chủ sở hữu cũng không cần nhiều, mà phần lớn sử dụng vốn vay cho hoạt động.

Qua khảo sát các DN lĩnh vực này cho thấy tỉ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu bình quân khoảng 6-8/1, thậm chí 10/1. Do đó việc khống chế chi phí trả tiền lãi vay theo tỉ lệ vốn vay với vốn chủ sở hữu sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN dệt may.

Chúng tôi rất mong ban soạn thảo cân nhắc việc áp dụng cho các DN gia công, trong đó có dệt may.

* Ông Nguyễn Văn Tiu (tổng giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực I):

Cần có tỉ lệ đặc thù cho DN xăng dầu

Để đảm bảo nguồn hàng, theo quy định, các DN ngành xăng dầu phải có dự trữ bắt buộc lượng xăng dầu tương đương với lượng bán của 15 ngày, tối thiểu là 2.000 khối với trị giá khoảng 30 tỉ đồng.

Nếu giá xăng dầu lên cao, trị giá lượng xăng dầu dự trữ lên tới 40 tỉ đồng. Như vậy chỉ riêng khâu dự trữ, DN kinh doanh xăng dầu đã bị đọng một lượng vốn lớn, trong đó chủ yếu là vốn vay.

Từ trước đến nay toàn bộ tiền trả lãi vay đều được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ và được trừ trước khi tính thuế thu nhập DN. Nếu tới đây chi phí lãi vay bị khống chế, chỉ được trừ theo tỉ lệ thấp, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, tôi đề nghị cần có quy định riêng mức khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ cho lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

LÊ THANH thực hiện ([email protected])