09/01/2025

Tham nhũng quỹ nhân đạo

Tham nhũng, gian lận… trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) từ lâu đã là một vấn nạn khi các tổ chức này nắm trong tay hàng tỉ USD.

 

Tham nhũng quỹ nhân đạo

 

Tham nhũng, gian lận… trong các tổ chức phi chính phủ (NGO) từ lâu đã là một vấn nạn khi các tổ chức này nắm trong tay hàng tỉ USD.



Các nhân viên người Palestine của một NGO Ý đi giúp vui cho các bệnh nhi ung thư tại bệnh viện ở Gaza ngày 31-8. Họ làm việc cần mẫn vì lòng nhân đạo trong khi có những lãnh đạo biến chất chuyên moi móc tiền - Ảnh: Reuters
Các nhân viên người Palestine của một NGO Ý đi giúp vui cho các bệnh nhi ung thư tại bệnh viện ở Gaza ngày 31-8. Họ làm việc cần mẫn vì lòng nhân đạo trong khi có những lãnh đạo biến chất chuyên moi móc tiền – Ảnh: Reuters

Áp lực minh bạch trong chi tiêu tài chính đang buộc nhiều NGO phải chi bộn cho các chuyên gia điều tra hình sự.

“Trào lưu” tuyển dụng chuyên viên chống tham nhũng ngày càng nở rộ là hệ quả của việc khối các tổ chức phi chính phủ đã mở rộng gấp đôi về kích thước trong một thập kỷ qua, điều dẫn đến tình trạng khó kiểm soát về chi tiêu tài chính.

Một khảo sát của Thomson Reuters Foundation cho thấy 50 tổ chức NGO lớn nhất thế giới đã chi 18 tỉ USD trong hai năm 2013 và 2014.

Có một thực tế là dù được thành lập với mục đích nhân đạo, tiền của các NGO đang chảy vào túi riêng của không ít người.

Plan International, Oxfam Anh, Americares… là những NGO đi đầu trong việc bổ nhiệm chuyên gia chống gian lận. Một số khác như Thầy thuốc không biên giới, Handicap International và Action Against Hunger thì chọn cách thuê chuyên viên giám sát hoặc kiểm toán để đối phó với tình trạng rút ruột ngân quỹ.

Việc kiểm tra chi tiêu tài chính thường bị bỏ lơ vì nhiều quỹ nhân đạo được hình thành trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau

Ông 
MATTHIAS KIENER (chuyên viên pháp lý ở Thuỵ Sĩ)

Áp lực minh bạch

Báo cáo thường niên 2015 về mức độ tín nhiệm của công chúng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi của Hãng Edelman Trust Barometer cho thấy các NGO vẫn đang dẫn đầu so với ba khối chính phủ, truyền thông và doanh nghiệp, nhưng uy tín nhóm này đang bắt đầu tụt giảm (từ 66% xuống 63%).

NGO bị cho là đang quá chú trọng vào tiền bạc thay vì mục đích nhân đạo của mình.

Những “chiêu trò” mà các quản lý dự án NGO thường sử dụng để bòn rút tiền tài trợ có thể kể đến tuyển dụng “nhân viên ma”, làm chứng từ khống, dàn xếp “lại quả” hoa hồng từ dự án và hút tiền từ nhiều nguồn khác nhau cho cùng một dự án.

Thực trạng thiếu các nhà điều tra có kinh nghiệm lâu nay là một rào cản trong việc minh bạch hóa chi tiêu của các NGO.

“Những người được thuê từ bên ngoài để giám sát không phải lúc nào cũng tìm ra các khoản chi tiêu không hợp lý hay chứng từ khống. Đôi khi người ta bỏ qua vì nhiều quỹ nhân đạo được hình thành trên nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau. Một NGO có thể ngại thẩm vấn những nhân viên mà họ tuyển dụng” – chuyên viên pháp lý Matthias Kiener ở Thuỵ Sĩ giải thích.

Theo kết quả khảo sát của Thomson Reuters Foundation tháng 7 vừa qua, 1/3 các tổ chức nhân đạo phi chính phủ có ngân sách lớn hơn 150 triệu USD “ngại” công bố số liệu thường niên về gian lận của mình.

Một số tổ chức như BRAC, Direct Relief, Americares, Oxfam Mỹ… đồng tuyên bố họ chưa bị bòn rút khoản nào lớn hơn 10.000 USD trong năm năm trở lại đây.

Tuy nhiên, dư luận chỉ trích lý lẽ “không dám công khai” này là vô trách nhiệm, đó chỉ có thể là dấu hiệu cho thấy các NGO thiếu hiệu quả trong quản lý dòng tiền tài trợ.

Biết có tham nhũng, nhưng…

Ông Oliver May từng là điều tra viên chuyên nghiệp về tội phạm có tổ chức của Anh. Sau khi ra khỏi ngành, ông trở thành người đứng đầu bộ phận chống gian lận của tổ chức Oxfam Anh.

Bình luận về vấn đề khối NGO ngại chia sẻ thông tin tham nhũng trong nội bộ, ông cho rằng một phần lý do là họ sợ không còn ai dám bỏ tiền ra tài trợ các dự án nữa. Oxfam Anh cho biết họ bị thâm hụt 0,16% tiền tài trợ vì gian lận và tham nhũng trong giai đoạn 2014 – 2015.

Còn theo ông Gary Mitchell, một giám đốc của tổ chức Plan International chuyên giúp đỡ trẻ em, điều quan trọng là phải chấp nhận thực tế tham nhũng đang hiện diện ở mọi ngóc ngách trên thế giới, không loại trừ cả các tổ chức nhân đạo.

Plan International mỗi năm phải chi 300.000 USD chỉ để thuê nhân viên điều tra tham nhũng trong nội bộ.

“Tại nhiều nơi ở châu Phi, chúng tôi biết làm việc theo dòng họ, phả hệ… là cách người dân ở đó sống. Chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người quản lý dự án thuê một nhân viên là người bà con xa lắc nào đó. Đây là thực tế chúng tôi phải đối mặt trong cuộc chiến chống gian lận. Xã hội các nước khác nhau ở chỗ người ta hiểu thế nào là “suy hoá” – ông Mitchell bày tỏ.

Nhưng không phải NGO nào cũng chia sẻ cùng quan điểm với Plan International hay Oxfam Anh. Tổ chức Direct Relief có trụ sở tại Mỹ tự tin họ chưa từng có trường hợp nào bị gian lận số tiền quá 10.000 USD.

“Chúng tôi từng thuê kiểm toán từ bên ngoài và mọi kết quả đều tốt đẹp” – Ernie Getto, chủ tịch ủy ban kiểm toán của Direct Belief, khẳng định.

Ông Getto tin rằng báo cáo minh bạch của Direct Belief có được là nhờ quy mô của tổ chức tương đối nhỏ. Dù đã chi đến 550 triệu USD trong giai đoạn 2013 – 2014 cho các hoạt động nhân đạo, NGO này chỉ có vỏn vẹn 65 nhân viên.

 

MINH TRUNG