Nơi chữa lành những trái tim
Có những em bé vừa chào đời trái tim đã mang dị tật. Có những trái tim theo thời gian và bệnh tật đã không còn đập nhịp bình thường…
Nơi chữa lành những trái tim
Có những em bé vừa chào đời trái tim đã mang dị tật. Có những trái tim theo thời gian và bệnh tật đã không còn đập nhịp bình thường…
Các bác sĩ của Viện Tim TP thực hiện can thiệp tim mạch cho một bệnh nhân tại khu kỹ thuật mới sáng 31-8 – Ảnh: L.TH.H. |
Những trái tim bệnh tật ấy dù ở hoàn cảnh nào vẫn được các y bác sĩ Viện Tim TP.HCM hết lòng cứu chữa.
Cách đây hơn 23 năm, ca mổ tim hở đầu tiên được Viện Tim TP.HCM (Viện Tim) thực hiện thành công đã mang đến niềm vui cho biết bao bệnh nhân bị bệnh tim hiểm nghèo.
Mổ tim miễn phí
Sau một ngày vất vả quét rác trên một số con đường ở P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, tối 31-8 chị Nguyễn Thị Khôi tất tả chạy vào Viện Tim chăm sóc con trai Vũ Hoài Nam (10 tuổi).
Nhìn con trai gần như khỏe mạnh hoàn toàn sau ca mổ tim ngày 27-8, chị Khôi cảm thấy bao mệt mỏi tan biến hết.
Từ khi bé Nam chào đời, chị Khôi không biết con bị bệnh tim bẩm sinh. Chỉ đến khi bé Nam về quê ngoại chơi, đột nhiên ôm ngực kêu đau khi cầm tay bừa kéo chơi. Chị Khôi đưa con đến Viện Tim khám bệnh mới biết bé Nam bị bệnh lỗ thông liên nhĩ lớn bẩm sinh, cần phải mổ sớm.
Nghe bác sĩ báo tiền mổ tim hết 76 triệu đồng, chị Khôi thẫn thờ lo lắng vì số tiền quá lớn so với thu nhập của một công nhân vệ sinh như chị. Vay mượn khắp nơi chỉ được 26 triệu đồng, ruột gan chị rối bời vì không biết làm sao có tiền để mổ cho con.
Biết chị một mình nuôi con, hoàn cảnh khó khăn, các bác sĩ đã báo ban giám đốc miễn phí số tiền còn lại và bé Nam đã được phẫu thuật ngay để sửa lại dị tật tim bẩm sinh này.
“Không có tiền thuê nhà ở Sài Gòn, mẹ con tôi lên Bình Dương ở nhờ nhà người chị. Ngày nào 4g sáng tôi cũng chạy xe từ Bình Dương về Sài Gòn để kịp ca làm lúc 5g sáng. Tôi rất biết ơn các y bác sĩ Viện Tim. Nếu không có các bác sĩ giúp đỡ, tôi không biết con mình sẽ ra sao” – chị Khôi xúc động kể lại.
Thân nhân bệnh nhi được giúp mổ tim miễn phí thường xuyên viết thư bày tỏ tình cảm với các y bác sĩ đã giúp đỡ con em mình qua khỏi bệnh tật.
Thư của chị Trương Thị Thục Loan ở Quảng Nam viết ngày 14-10-2014 kể con chị là bé Lê Thục Kha (sinh 2013) bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng nhưng gia đình chị quá khó khăn, không có tiền mổ cho con.
“Trong lúc bế tắc về tiền bạc để lo cho cháu thì may mắn được Hiệp hội Alain Carpentier, Viện Tim TP.HCM trợ giúp chi phí mổ… Con tôi đã được các bác sĩ Viện Tim mổ ngày 19-9-2014 và sức khoẻ của cháu dần ổn định.
Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ trong ca mổ. Cảm ơn các bác sĩ và các cô điều dưỡng ở khoa đã nhiệt tình chăm sóc cháu không kể ngày đêm trong thời gian khá dài. Tôi vô cùng cảm kích trước đôi bàn tay kỳ diệu của bác sĩ” – chị Loan bày tỏ.
Bé Nam, bé Kha là hai bệnh nhi trong số 6.700 bệnh nhân nghèo được mổ tim miễn phí với tổng số tiền 230 tỉ đồng trong hơn 20 năm qua tại Viện Tim TP.
Không chỉ mổ tim cho người nghèo tại bệnh viện, các bác sĩ Viện Tim TP còn nhiều lần đi khám bệnh từ thiện cho hơn 12.000 bệnh nhân ở nhiều tỉnh, thành phố và đưa những bệnh nhân nghèo bị bệnh tim nặng về mổ miễn phí.
Mổ với kỹ thuật thế giới
10g sáng 31-8, khi chúng tôi vừa bước vào khu kỹ thuật mới được khánh thành với những phòng mổ, phòng thông tim can thiệp được trang bị và xây dựng rất hiện đại cũng là lúc cửa một phòng mổ bật ra và PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan – trưởng khu phẫu thuật hồi sức Viện Tim – bước nhanh qua phòng mổ số 3.
Nằm trên bàn mổ là bệnh nhân Nguyễn Văn Duyện (38 tuổi, Kon Tum) bị bệnh hở van hai lá, hở van ba lá, loạn nhịp tim, tăng áp động mạch phổi. PGS Phan nói ông sẽ sửa van tim và phẫu thuật chuyển nhịp cho bệnh nhân này trong một lần mổ và ca mổ kéo dài khoảng bốn giờ.
“Đây là hai loại phẫu thuật được làm chung một lần. Kỹ thuật này còn khá mới ở Việt Nam. Sau khi mổ, chất lượng sống của bệnh nhân tốt hơn nhiều, những tai biến do loạn nhịp tim và biến chứng tai biến mạch máu não sẽ giảm” – PGS Phan vừa chia sẻ vừa tháo đôi găng tay dính đầy máu, rửa tay và thay áo mổ mới.
Nói ngắn gọn mấy câu xong, ông vào mổ ngay cho bệnh nhân Duyện. Cả phòng mổ gần mười bác sĩ, điều dưỡng… tập trung hết vào bệnh nhân.
Theo TS.BS Đỗ Quang Huân – giám đốc Viện Tim TP.HCM, cách đây 24 năm khi Viện Tim TP chưa thành lập, ở Việt Nam chưa có bệnh viện nào mổ được tim hở nên bệnh nhân bị tử vong vì bệnh tim nặng xảy ra khá nhiều.
Cuối những năm 1980, cố giáo sư – viện sĩ Dương Quang Trung, nguyên giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã qua Pháp gặp giáo sư Alain Carpentier (chủ tịch Hiệp hội Alain Carpentier, Cộng hòa Pháp) nhờ giúp Việt Nam có một cơ sở mổ tim hở, đó là Viện Tim bây giờ.
Đầu năm 1992, ca mổ tim hở đầu tiên được Viện Tim TP thực hiện thành công trong niềm vui, tự hào của mọi người. Sau 23 năm, số bệnh nhân tim được phẫu thuật tại đây đã lên đến hơn 25.000 người.
Không chỉ mổ tim, thông tim can thiệp cũng được Viện Tim TP nhanh chóng tiếp cận và sau 15 năm thực hiện kỹ thuật này đã can thiệp tim mạch thành công cho 21.000 bệnh nhân bị bệnh mạch vành, lỗ thông liên thất, lỗ thông liên nhĩ, còn ống động mạch…
Lĩnh vực tim sơ sinh cũng lập được nhiều kỳ tích trong mười năm qua. Nhiều trẻ sơ sinh bị tim bẩm sinh đã được mổ tim hoặc can thiệp tim mạch khi mới chào đời có 7 ngày tuổi.
“Viện Tim TP đã phẫu thuật được gần như tất cả bệnh lý tim phức tạp như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm cả về ba lĩnh vực: bệnh tim sơ sinh, bệnh van tim và bệnh lý mạch vành.
Lĩnh vực tim mạch can thiệp cũng đã điều trị nong mạch vành và các bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp, giúp bệnh nhân không phải đi nước ngoài điều trị. Giúp bệnh nhân được mổ tại Việt Nam với kỹ thuật tiên tiến của thế giới” – TS Đỗ Quang Huân chia sẻ.
Nhân rộng cơ sở mổ tim Khi Viện Tim TP bắt đầu phát triển mạnh, bệnh nhân ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bắt đầu đổ về với hàng chục ngàn bệnh nhân chờ mổ tim mỗi năm. Để cứu giúp được nhiều bệnh nhân và giảm quá tải cho Viện Tim TP, giáo sư Alain Carpentier và BS Dương Quang Trung giao Viện Tim TP nhiệm vụ mới: chuyển giao kỹ thuật mổ tim cho các bệnh viện. Cả tập thể y bác sĩ của Viện Tim TP vừa “chạy marathon” để chuyển giao kỹ thuật, vừa gồng sức với công việc hằng ngày. Đến nay, số bệnh viện mổ được tim hở và can thiệp tim mạch đã được nhân rộng khắp cả nước. Về kỹ thuật mổ tim đã chuyển giao cho hơn mười bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y dược TP, Bệnh viện Thống Nhất… TS.BS Đỗ Quang Huân hạnh phúc kể: “Ngoài 25.000 bệnh nhân tim được cứu sống tại Viện Tim TP, số bệnh nhân được cứu sống trên cả nước đã tăng gấp nhiều lần nhờ có nhiều bệnh viện mổ được tim hở. Chỉ riêng Viện Tim Hà Nội mỗi năm mổ được 1.500 – 1.600 bệnh nhân. Các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 mổ tim bẩm sinh cho trẻ em cũng rất tốt. Mười năm đầu sau khi thành lập Viện Tim TP, số bệnh nhân chờ mổ tim lên đến 10.000 người/năm nhưng hiện nay số chờ mổ chỉ còn 800 người/năm”. Về tim mạch can thiệp, Viện Tim TP đã chuyển giao kỹ thuật cho hơn 15 bệnh viện từ miền Trung trở vào. Nhờ đó rất nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim đã thoát khỏi tử vong vì được điều trị đúng “thời gian vàng” (12 tiếng đầu kể từ lúc bị nhồi máu cơ tim) ngay tại các bệnh viện gần nhất mà không cần phải chuyển đến Viện Tim TP điều trị. Đặc biệt, với khu kỹ thuật mới hiện đại gồm 4 phòng mổ, 1 phòng hồi sức, 2 phòng thông tim, 25 giường hồi sức và 10 giường lưu sau thông tim, Viện Tim TP đã có điều kiện thực hiện kỹ thuật Hybrid (vừa mổ vừa kết hợp thông tim) với một phòng mổ chuyên biệt mà không phải bệnh viện nào cũng làm được, ngay cả trên thế giới. Với kỹ thuật Hybrid, thời gian phẫu thuật và can thiệp tim mạch (cho những bệnh nhân vừa hở van hai lá vừa hẹp mạch vành…) được rút ngắn từ 5-6 tiếng còn 3 tiếng. Viện Tim TP cũng có hẳn một khu hồi sức chuyên biệt cho trẻ sơ sinh, một khu trại bệnh dành riêng cho trẻ sơ sinh để tăng công suất mổ cho trẻ sơ sinh và đón nhận các bé cần phẫu thuật sớm ngay khi vừa chào đời. Đến nay, Viện Tim TP đã trở thành trung tâm đào tạo các kỹ thuật mổ tim cho nhiều bệnh viện trong nước và nước ngoài, luôn nỗ lực thực hiện tôn chỉ giúp bệnh nhân nghèo được mổ tim miễn phí. |
Viện Tim TP hiện có 577 CB-CNV, với 96 bác sĩ được hội đồng giám sát công nhận là bác sĩ điều trị. Trong đó có 23 bác sĩ được đào tạo tại Pháp, 11 bác sĩ được đào tạo tại các nước khác. Có 2 phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 39 thạc sĩ, 15 chuyên khoa I và hai chuyên khoa II. |