Hàng đầu từ trái sang: ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân và Ông Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters
|
Hồi đầu tháng 8.2015, một tấm bia đá có khắc chữ thư pháp do ông Giang Trạch Dân viết đặt trước cửa ra vào của trường Đảng trung ương bị dời đi, dẫn đến nhiều đồn đoán cho rằng có mâu thuẫn giữa ông Giang Trạch Dân và ông Tập Cận Bình.
Reuters ngày 31.8 dẫn nguồn tin từ một quan chức cao cấp của Trung Quốc lên tiếng phủ nhận tin đồn nói rằng đang có sự bất ổn, chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Giang Trạch Dân thôi giữ chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 2002 và Chủ tịch nước hồi năm 2003 nhưng vẫn nắm quyền điều hành quân đội một năm sau đó. Dù không nắm quyền chính thức ở Trung Quốc kể từ đó, nhưng ông Giang Trạch Dân vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình trong đảng cũng như chính quyền Trung Quốc, Reuters cho hay.
Vì vậy, việc dỡ tấm bia đá thư pháp của ông Giang Trạch Dân ở trường đảng trở thành một sự kiện “không bình thường”. Nó được bàn tán không chỉ trong giới lãnh đạo Trung Quốc mà cả cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh. Những đồn đoán nói rằng đã xảy ra tranh cãi giữa 2 ông Giang và Tập về chính sách của Trung Quốc, điều mà cùng với hệ thống chính trị của Bắc Kinh được ví như viên đá mờ đục và bí ẩn khó xác định thực hư.
Tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa có bài xã luận chỉ trích một số quan chức, nhưng không đề cập tên, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn “tham quyền cố vị” can thiệp vào việc điều hành đất nước. Theo tờ báo, chính các cựu quan chức này đang gây mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ đảng.
Ông Giang Trạch Dân vẫn có ảnh hưởng lớn trong chính trường Trung Quốc -Ảnh:AFP
|
Khi được hỏi liệu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc có gửi thông điệp gì qua việc dỡ bia đá thư pháp của ông Giang Trạch Dân, ông Zhuo Zeyuan, Trưởng khoa luật và Khoa học chính trị của trường Đảng trung ương Trung Quốc, nói rằng ông thấy được sự quan tâm đặc biệt ở trong nước cũng như nước ngoài đối với sự kiện này.
“Trường Đảng đang trải qua cuộc nâng cấp toàn diện và (chúng tôi) di chuyển nó đến phía trước tòa nhà chính, thực tế không có gì gọi là thiếu tôn trọng đồng chí Giang Trạch Dân. Chúng tôi vẫn kính trọng ông ấy như trước”, ông Zhuo, người từng giảng bài cho các thành viên trong Bộ Chính trị Trung Quốc, nói.
Ông giải thích trong một cuộc họp báo công bố duyệt binh mừng 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai tuần qua rằng bia đá đó được di chuyển vào bên trong khuôn viên của trường vì có quá nhiều người đứng trước lối ra vào để chụp ảnh, và điều đó có thể gây nguy hiểm cho họ.
Trường Đảng trung ương, nơi đào tạo những nhà lãnh đạo tiềm năng của Trung Quốc, đang thay đổi cách bố trí trình bày “trục trung tâm” trong kế hoạch nâng cấp của trường. Theo đó, tượng của ông Đặng Tiểu Bình, người tiên phong trong cải cách kinh tế hồi cuối thập niên 1970 của thế kỷ trước, và ông Mao Trạch Đông, nhà sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ được đưa vào khu trung tâm, theo ông Zhuo.
Thực tế, bia đá thư pháp của ông Giang Trạch Dân đặt ở trước trục trung tâm nhưng điều này lại không được phép bàn tán công khai trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, Reuters dẫn tiếp phát biểu của ông Zhuo.
Một nguồn tin có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Trung Quốc nói với Reuters rằng việc xuất hiện bức tượng của ông Đặng Tiểu Bình ở ngôi trường quyền lực đó gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc cần tập trung vào phát triển kinh tế.