09/01/2025

Rau củ Việt bị giả danh tràn lan

Mỗi tháng VN nhập trên 10 triệu USD rau củ quả từ Trung Quốc nhưng điều đáng nói là những mặt hàng này không “đường đường chính chính” đi ra thị trường mà đang đội lốt phá hoại thanh danh hàng Việt.

 

Rau củ Việt bị giả danh tràn lan

 

 

Mỗi tháng VN nhập trên 10 triệu USD rau củ quả từ Trung Quốc nhưng điều đáng nói là những mặt hàng này không “đường đường chính chính” đi ra thị trường mà đang đội lốt phá hoại thanh danh hàng Việt.



Khoai tây Trung Quốc đang được tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt nhuộm đất đỏ

Khoai tây Trung Quốc đang được tiểu thương chợ nông sản Đà Lạt nhuộm đất đỏ – Ảnh: Lâm Viên

Từ 6 giờ 30 sáng, chị Tú, bán trái cây tại chợ Tân Phước (Q.Tân Bình) dọn hàng và chỉ thùng đựng dưa lưới nói với khách:, “đây là dưa của người nhà trồng ở Tây Ninh, mua mở hàng bán giá 28.000 đồng/kg”. Cùng loại này, mỗi chiều, hàng loạt xe đẩy bán cuối đường Bắc Hải (Q.10), dưới chân cầu Ông Lãnh (Q.4) với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/kg và được giới thiệu là dưa lưới Đà Lạt.
Dưa lưới từ Trung Quốc
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, dưa lưới mới được nhà nông ở Đà Lạt canh tác từ năm 2014 đến nay, chưa có nguồn dồi dào để bán đại trà với giá rẻ như vậy và hàng thu hoạch cũng hết từ giữa tháng 8. Trực tiếp trồng dưa lưới thủy canh ở Hóc Môn (TP.HCM) và Tây Ninh, ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định, dưa lưới bán tại vườn đã có giá 30.000 – 40.000 đồng/kg và số lượng không nhiều.
Vậy dưa lưới giá chỉ bằng nửa giá tại vườn kia từ đâu ra? Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), 6 tháng đầu năm, VN nhập 2.100 tấn dưa lưới vàng. Năm 2014, cả nước nhập 7.200 tấn dưa lưới vàng qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Thực ra nhiều người cũng đoán biết dưa lưới giá bèo từ Trung Quốc nhưng hiếm có người bán hàng nào thừa nhận việc này. Tất cả đều được “khoác áo” dưa lưới Bến Tre, dưa lưới Tây Ninh, “sang trọng” hơn là dưa lưới Đà Lạt.
Không chỉ có dưa, những chiếc xe đẩy gắn bảng nho Mỹ bán dọc xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, quốc lộ 60… với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg cũng chính là nho đỏ trái to của Trung Quốc. Giá bán loại nho này tại chợ đầu mối Thủ Đức chỉ bằng một nửa. Thậm chí, loại nho xanh Trung Quốc còn được một quầy trái cây phía Đông chợ Bến Thành quả quyết là nho trang trại ông Ba Mọi (Ninh Thuận), bán với giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông chủ thương hiệu nho Ba Mọi cho biết, giá bán lẻ của nho Ba Mọi là 85.000 đồng/kg và hàng sản xuất không đủ để cung cấp cho hệ thống siêu thị, lấy đâu ra bên ngoài. Tham khảo bảng giá nho Mỹ nhập của Cục Xúc tiến thương mại thì thấy, giá nhập dao động từ 220.000 – 250.000 đồng/kg.
Rồi đào, mận của Trung Quốc vẫn được “đội lốt” xuất xứ từ Sa Pa (Lào Cai); cam Trung Quốc được giới thiệu là cam Vinh…

 
 

6 tháng nhập 61,6 triệu USD

 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng mặt hàng rau củ quả, 6 tháng đầu năm, VN chi 61,6 triệu USD để nhập rau củ quả từ Trung Quốc, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước. Theo chuyên gia kinh tế, con số thực tế sẽ cao gấp nhiều lần do hàng Trung Quốc vào VN chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, biên mậu.

 

 
Có thể thấy hầu hết những nông sản Việt đã có thương hiệu như khoai tây Đà Lạt, nho Ninh Thuận, đào Sa Pa, cam Vinh… đều bị hàng Trung Quốc nhập về “đạo” xuất xứ. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt.
Nhức đầu vì… củ khoai tây
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hằng năm từ tháng 7 đến tháng 11, khi Lâm Đồng bước vào mùa mưa không canh tác được khoai tây thì các vựa rau ở Đà Lạt cùng hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương lại nhập khoai Trung Quốc về để bán. Điều đáng nói, khoai tây Trung Quốc giá chỉ từ 1.800 đến 3.590 đồng/kg (theo hoá đơn), nhưng sau khi được tân trang lớp đất đỏ, giá nâng lên gấp 3 đến 5 lần với danh nghĩa “khoai tây Đà Lạt”. Một chủ vựa có thâm niên nhập khoai Trung Quốc ở chợ Nông sản Đà Lạt nói: giá khoai trong hoá đơn ghi 1.800 – 3.590 đồng/kg là để “né” bớt thuế, thực sự giá khoai Trung Quốc mới đào tại vườn có giá rẻ nhất là 1,7 nhân dân tệ, tương đương 6.000 đồng/kg, tính luôn tiền thuế, cước vận chuyển về đến Đà Lạt giá khoai từ 7.500 – 9.700 đồng/kg.
Đáng nói là trong 7 tháng đầu năm, đã có trên 300 tấn khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt, song số liệu tại Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho thấy, chỉ có khoảng 100 tấn được Tổ quản lý chợ nông sản Đà Lạt báo cho chi cục lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, đã có ít nhất (trên giấy tờ) 200 tấn khoai tây Trung Quốc không an toàn, được đội lốt khoai tây Đà Lạt lọt ra thị trường trót lọt trong 7 tháng qua. Bà Lê Thị Thanh Nga, Trưởng phòng Phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng), nhìn nhận chất lượng khoai tây Trung Quốc không thể bằng khoai tây Đà Lạt. Việc một số hộ kinh doanh vì lợi nhuận đã “nhắm mắt” nhuộm đất đỏ khoai tây Trung Quốc (giá rẻ) sau đó bán ra thị trường với giá khoai tây Đà Lạt là hành vi gian lận, đánh lừa người tiêu dùng, không thể chấp nhận được.
Ông Tôn Thiện San, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cũng khẳng định đang chỉ đạo kiểm tra để xử lý trường hợp “lọt sổ” này và cho rằng đây là hành vi gian lận thương mại đáng lên án. Trước mắt, TP.Đà Lạt yêu cầu đoàn liên ngành chống gian lận thương mại của thành phố tăng cường kiểm soát đầu vào của khoai Trung Quốc về chợ, không bỏ sót việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bất kỳ lô hàng nào.
Theo ông San, thành phố đang “nhức đầu” với vấn nạn khoai tây Trung Quốc vì tiểu thương nhập khoai có đầy đủ chứng từ thì không thể cấm. Chỉ khi phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quy định thì mới có thể xử phạt, tiêu huỷ. Trước mắt, UBND TP.Đà Lạt yêu cầu Ban Quản lý chợ Đà Lạt (quản lý chợ nông sản Đà Lạt) buộc tiểu thương cam kết không nhuộm đất đỏ khoai Trung Quốc để “giả danh” khoai tây Đà Lạt. Về lâu dài ông San mong muốn ngành nông nghiệp sớm nghiên cứu nhân các giống khoai tây có thể trồng được vào mùa mưa. “Chỉ khi mình chủ động được sản xuất thì mới có thể ngăn được khoai tây Trung Quốc nhập vào, và giữ được uy tín cho thương hiệu khoai tây Đà Lạt”, ông San nói.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng việc nhân dân tệ bị phá giá mạnh, hàng Trung Quốc sẽ còn rẻ hơn. Nếu không có hàng rào kỹ thuật hay có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, từ đây đến cuối năm, hàng Trung Quốc rất dễ tạo sóng trở lại, điều mà VN vất vả lắm mới hạn chế được phần nào từ mấy năm qua.

Nguyên Nga – Lâm Viên