09/01/2025

Loay hoay tìm nơi neo tàu trên sông Hàn

Thống kê sơ bộ trên sông Hàn có khoảng 250 tàu cá của các phường Nại Hiên Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc… đậu dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo.

 

Loay hoay tìm nơi neo tàu trên sông Hàn

 

Thống kê sơ bộ trên sông Hàn có khoảng 250 tàu cá của các phường Nại Hiên Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc… đậu dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo.



Một phần vịnh Mân Quang đã được làm khu đô thị khiến ngư dân lo lắng sau này không có chỗ neo đậu tàu thuyền - Ảnh: H.Khá
Một phần vịnh Mân Quang đã được làm khu đô thị khiến ngư dân lo lắng sau này không có chỗ neo đậu tàu thuyền – Ảnh: H.Khá

Để xóa bỏ việc tàu cá neo đậu trên sông Hàn gây nhếch nhác, chính quyền TP Đà Nẵng dự kiến di dời tàu ra khỏi nơi đây. Tuy nhiên, hiện Đà Nẵng đang lúng túng vì nơi di dời đến được nhiều người ủng hộ là vịnh Mân Quang một phần đã được giao nhà đầu tư làm khu đô thị.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Đà Nẵng, chủ trương cấm tàu cá neo đậu trên sông Hàn là đúng đắn vì lâu nay cảnh tượng tàu cá neo đậu trên sông tạo nên hình ảnh phản cảm, vì vậy cần phải di dời để nhường cho các loại hình du lịch trên sông.

Thống kê sơ bộ trên sông Hàn có khoảng 250 tàu cá của các phường Nại Hiên Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc… đậu dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo.

Chỉ còn vịnh Mân Quang

Để có chỗ neo đậu lâu dài cho ngư dân, vừa qua Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chuyên ngành đã khảo sát tìm địa điểm mới, trong đó xác định TP chỉ còn điểm duy nhất, thuận lợi có thể làm nơi neo đậu là khu vực vịnh Mân Quang (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) vì là vị trí tương đối kín gió.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện khu vực mặt nước này TP Đà Nẵng đã chuyển nhượng cho hai nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á để xây dựng khu đô thị Cồn Mân Quang với diện tích hơn 19ha và Công ty cổ phần Vinashin Thành Đạt với diện tích hơn 90ha, hiện đơn vị này đã sang lấp một phần diện tích mặt nước làm đô thị Đảo Trân Châu và rao bán đất nền.

Đồng ý với quan điểm nên chọn vị trí vịnh Mân Quang là nơi để tàu thuyền neo đậu, ông Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho rằng lãnh đạo TP nên cân nhắc, tính toán có thể thay đổi lại quy hoạch, thay vì phát triển dự án đô thị thì nên chuyển nơi đây thành một âu thuyền phục vụ việc đậu tàu cá cho ngư dân.

“Chúng ta nên đầu tư nạo vét khu vực này, đồng thời làm thêm đê chắn sóng là ngư dân có thể yên tâm khi đưa tàu ra neo đậu tại đây” – ông Nam nói.

Nhiều ngư dân khi được hỏi ý kiến về việc di dời tàu khỏi sông Hàn cũng đề nghị nên chọn vịnh Mân Quang. Ông Cao Văn Minh, ngư dân phường Nại Hiên Đông, giải thích: “Tàu cá là tài sản lớn nhất của ngư dân, nếu đưa ra khỏi sông Hàn mà không có chỗ neo ổn định, nhất là mùa mưa bão, thì không an tâm.

Theo tôi, chỗ tốt nhất hiện nay là khu vực mặt nước vịnh Mân Quang, ở đó TP có thể cải tạo nạo vét, xây thêm một bờ kè chắn sóng”.

Ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, cũng cho biết đã đi khảo sát nhiều nơi ở Đà Nẵng, song khu vực vịnh Mân Quang là địa điểm tốt nhất để làm âu thuyền. “Tôi nghĩ bây giờ TP nên đàm phán với nhà đầu tư để lấy lại diện tích mặt nước này. Có thể TP trả lại tiền cho nhà đầu tư hoặc hoán đổi một vị trí đất khác cho họ” – ông Lĩnh đề xuất.

Theo ông Lĩnh, TP Đà Nẵng được Chính phủ quy hoạch là một trong năm trung tâm nghề cá của cả nước do nơi đây gần ngư trường Hoàng Sa, ngư dân về Đà Nẵng thuận lợi cho việc bán cá, mua sắm nhiên liệu, ngư cụ để tiếp tục chuyến biển mới. Tương lai, đội tàu cá công suất lớn của các tỉnh miền Trung sẽ đổ về Đà Nẵng đông hơn.

Sẽ đưa ra hội đồng 
quy hoạch

Theo ông Phùng Tấn Viết – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc đưa tất cả tàu cá ra khỏi sông Hàn là việc phải làm, chứ không thể để cảnh sông Hàn như hiện nay là “bên này tàu cá, bên kia du thuyền thì quá phản cảm”. Tuy nhiên, vị trí vịnh Mân Quang hiện vướng các dự án khác nên cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ mới đưa ra kết luận cuối cùng.

“Tôi giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tiếp tục khảo sát, ngoài vị trí mà sở đã đề xuất là vịnh Mân Quang thì nên tìm thêm hai vị trí để đưa ra bàn cho khách quan, thấu đáo. Việc này sẽ được đưa ra hội đồng quy hoạch kiến trúc để lãnh đạo TP quyết định” – ông Viết nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đỗ Tám cho rằng trước đây trong quy hoạch phát triển ngành thủy sản sở đã có đề nghị quy hoạch khu vực vịnh Mân Quang thành âu thuyền thứ 2 (hiện Đà Nẵng chỉ có âu thuyền duy nhất là Thọ Quang – PV) làm nơi neo đậu tàu thuyền nhưng không được TP đồng ý.

“Khi lượng tàu bè tăng lên khiến âu thuyền Thọ Quang quá tải, giờ thêm yêu cầu phải di dời tàu từ sông Hàn ra nên phải tìm thêm một vị trí mới. Và qua khảo sát tôi nhận thấy hiện nay cả TP chỉ có một điểm có thể làm âu thuyền là vịnh Mân Quang chứ không còn điểm nào khác” – ông Tám khẳng định.

Quy hoạch khu đô thị ven biển

Ông Lê Văn Tuấn, phó phòng quản lý quy hoạch Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết trong quy hoạch vịnh Mân Quang không phải là nơi neo đậu tàu thuyền, mà làm khu đô thị ven biển.

“Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, khu âu thuyền Thọ Quang đáp ứng được nhu cầu tối đa khoảng 1.000 tàu. Hiện tại (trong thời tiết bình thường) số tàu neo đậu trong âu thuyền 300 – 350 chiếc, trên sông Hàn 
200 – 250 chiếc.

Như vậy, về lý thuyết âu thuyền Thọ Quang vẫn đáp ứng được số lượng tàu thường xuyên neo đậu trên địa bàn TP (khi di dời tàu thuyền đậu trên sông Hàn). Tuy nhiên, theo ý kiến các ngành nông nghiệp thì âu thuyền Thọ Quang không tiếp nhận được thêm bởi nhiều lý do khác nhau (khu vực đà triền, luồng tàu chạy…).

Theo quan điểm của Sở Xây dựng, cần rà soát, kiểm tra những nguyên nhân làm giảm số lượng neo đậu tại âu thuyền so với phương án quy hoạch, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp” – ông Tuấn nói.

 

HỮU KHÁ – ĐĂNG NAM , [email protected]