10/01/2025

Giữ cờ Tổ quốc

Với những người lính, dù trên bất cứ mặt trận nào, trong hoàn cảnh nào, lá cờ Tổ quốc luôn thiêng liêng, hun đúc và tiếp thêm sức mạnh cho họ. Giữ cho cờ Tổ quốc tung bay cũng chính là bảo vệ vẹn toàn non sông, đất nước.

 

Giữ cờ Tổ quốc

 

Với những người lính, dù trên bất cứ mặt trận nào, trong hoàn cảnh nào, lá cờ Tổ quốc luôn thiêng liêng, hun đúc và tiếp thêm sức mạnh cho họ. Giữ cho cờ Tổ quốc tung bay cũng chính là bảo vệ vẹn toàn non sông, đất nước.



Giữ cờ Tổ quốc - ảnh 1

Cờ Tổ quốc ở Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) – Ảnh: Mai Thanh Hải

Thay cờ trong bão Trường Sa
Cuối năm 2013, tôi theo tàu 571 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đến 13 điểm đảo Trường Sa. Trong chuyến đi, tôi gặp hạ sĩ Ngô Minh Thiện (sinh năm 1995, nhà ở P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), chiến sĩ thông tin – tín hiệu trên tàu 571.
Chuyến đi biển, ngay từ khi nhổ neo rời Quân cảng Cam Ranh đã vất vả bởi sóng to gió lớn dọc hải trình và tàu phải chạy zích zắc tránh sóng. Nước trùm kín mũi, tàu nghiêng 30 – 40 độ khiến hầu hết bộ đội say sóng. Thiện mới nhận nhiệm vụ tháng 11.2013, vật vã, lăn lóc, nôn thốc tháo, nằm vật ngất lịm, khiến anh em phải hì hục khênh ra góc phòng ngồi canh và cậu mê sảng cả đêm…
Chạy từ Cam Ranh ra đến đảo chìm Đá Tây, lá cờ mới thay khi rời bến bị sóng gió cấp 8 – 9 quật bạc phếch, rách phần đuôi. Khi tàu vào trong hồ Đá Tây tránh trú bão, Ngô Minh Thiện được nhận nhiệm vụ thay cờ.
 
 
Giữ cờ Tổ quốc - ảnh 2
Lá cờ là Tổ quốc. Ở trên địa đầu này, màu cờ thiêng liêng gấp vạn lần. Có lúc tình hình căng thẳng, anh em ôm súng nằm ngay chân cột canh cờ. Nếu chuyện gì xảy ra, mình chấp nhận hy sinh chứ không thể để mất cờ
Giữ cờ Tổ quốc - ảnh 3
 
Trung úy Nguyễn Hữu Nam
Tổ công tác Biên phòng Lũng Cú
 

Gấp lá cờ cho vào ngực áo, Thiện lần lan can trèo lên boong thượng, đu lên nóc đài chỉ huy. Chân choãi ra để khỏi ngã, Thiện gỡ dây kéo cờ cũ xuống, nhưng ròng rọc kẹt cứng, cờ lại quấn mấy vòng vào dây bên cạnh. Anh phải bỏ mũ dải, chui vào ống lồng lên tận đỉnh cột, vươn tay gỡ từng vòng cờ trong tiếng gió rít. Gần nửa tiếng đồng hồ, việc gỡ cờ cũ, thay cờ mới hoàn thành bằng… 1 tay, vì tay kia phải ghì vào lan can sắt để người không rơi. Có lúc, cả lá cờ trùm lên mặt Thiện, đồng loã là gió rít ù ù, mưa rát rạt như muốn quăng cậu xuống mặt biển đục ngầu sóng trắng…

Khi lá cờ mới nở bung trên đỉnh cột thiêng, Thiện thẳng người, mắt nhìn cờ, 1 tay vẫn bíu lan can, tay kia đưa lên vành mũ chào. Xuống đến tầng dưới, Thiện mới quay sang cười: “Nhìn cờ mới oai hùng và đẹp đẽ, chả ai biết anh em mình thay được lá cờ phải khổ thế nào!” và đưa tôi lá cờ cũ vừa lấy: “Tặng anh! Dẫu rách vẫn là Tổ quốc mình!”…
“Cờ thửa” trên biển Hoàng Sa
Đó là cách gọi của anh em trong Biên đội tàu Kiểm ngư (KN) 4, Cục Kiểm ngư VN đối với lá cờ Tổ quốc của tàu KN-767. Hỏi ra mới biết, ngay khi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc kéo vào hạ đặt trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của VN, Biên đội tàu KN 4 được lệnh ra khơi ngăn chặn, đẩy đuổi trong ngày 2.5.2014. Chỉ có 2 tiếng đồng hồ làm công tác chuẩn bị ra khơi, trong khi các anh em khác tất bật lo đảm bảo trang thiết bị, xăng dầu, nước ngọt, mua sắm lương thực – thực phẩm thì kiểm ngư viên Đặng Văn Hà (sinh năm 1989, quê Nga Sơn, Thanh Hoá), nhân viên vô tuyến điện trên tàu KN-767, lại lẳng lặng phóng xe máy ra ngã ba Mỹ Ca (Cam Ranh, Khánh Hoà) để… sắm cờ.
“Vùng biển Hoàng Sa biển động bất thường, gió mạnh và quẩn nên cờ vải lụa bình thường không chịu nổi”, Hà nói với tôi và kể: “Em ra chợ Mỹ Ca, chọn vải vàng – đỏ loại dày, đưa đến tiệm may người quen, cùng với họ ngồi may lập tức 5 lá cờ Tổ quốc, với gần chục đường chỉ may viền xung quanh. Tính ra, mỗi lá cờ đắt gấp 4 lần cờ lụa bình thường, nhưng bền gấp chục lần!”.
Vừa ra tới thực địa, tàu KN-767 lao vào làm nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy đuổi ở vị trí mũi nhọn trong biên đội tàu và dĩ nhiên trở thành mục tiêu các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc đâm va, cản phá, bắn vòi rồng… Ngay buổi sáng 6.5, các tàu Trung Quốc tập trung tấn công tàu KN-767 làm hỏng hệ thống thông tin liên lạc, công suất cực mạnh của vòi rồng còn làm đứt đôi dây cờ, rách lá cờ Tổ quốc…
Sau khi đã vòng tránh, thoát khỏi vòng vây của tàu Trung Quốc, giữa ngổn ngang đổ vỡ, nước lênh láng các vị trí trong tàu, Đặng Văn Hà ôm lá cờ mới trong ngực, mang theo cuộn dây cước và thanh sắt 6, trèo lên nóc buồng lái, hì hục sáng tạo hệ thống treo cờ, mặc 4 phía tàu Trung Quốc hằm hằm lao đến đe doạ tấn công, không cho treo cờ. Nửa tiếng đồng hồ bẻ thanh sắt làm cán cờ, cuộn 4 lần dây cước làm dây cờ, cuối cùng lá cờ đỏ sao vàng mới toanh cũng được từ từ kéo lên đỉnh cột giữa tiếng vỗ tay của anh em trên các tàu trong biên đội đang dàn xung quanh thành đội hình bảo vệ tàu KN-767. Đến lúc ấy, Hà mới nhận ra chân tay mình toé máu bởi dây cước cứa và giẫm phải mảnh kính vỡ do bị tàu Trung Quốc bắn vòi rồng.
Suốt 2 tháng trời trên biển Hoàng Sa, trong khi các tàu khác liên tục phải thay cờ, hết cờ mới phải khâu lại cờ cũ, thì cờ Tổ quốc trên tàu KN-767 luôn đỏ tươi, vàng chói dù tàu Trung Quốc rất nhiều lần lao vào bắn vòi rồng hòng làm rơi cờ, nhưng chúng đều thất bại.
Cờ thiêng trên đỉnh địa đầu
Tổ công tác Biên phòng Lũng Cú nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) do thượng uý Nguyễn Vũ Quỳnh (quê Gia Bình, Bắc Ninh) là trạm trưởng. Ngoài nhiệm vụ quản lý mấy thôn bản trong xã, đường biên cột mốc, tổ Lũng Cú còn có nhiệm vụ đặc biệt “không đâu có” là bảo vệ, đảm bảo lá cờ Tổ quốc rộng 54 m2 luôn nguyên vẹn, tung bay trên đỉnh cột thiêng cao gần 40 m, tít đỉnh núi cao.
Cũng không đâu như Lũng Cú, người dân dù đang làm nương, trồng ngô, lấy củi hoặc chỉ đơn giản là người lớn đi chợ nấu cơm, trẻ con tung tăng chạy nhảy ngoài núi, trong nhà… cứ chốc lát lại ngước mắt nhìn về đỉnh cao, ngắm lá cờ đỏ rực, xong mới tiếp tục chơi đùa, chạy nhảy. Những ngày sương mù, không thấy cờ, ai cũng bồn chồn nóng ruột, thậm chí còn kéo nhau đến tận chân cột để nhìn: “Cái cờ của tao đây rồi, không bị che rồi!”.
“Lá cờ gần gũi, thân quen nên việc của anh em giữ cờ vất vả và tỉ mẩn như… con mọn!”, trung úy Nguyễn Hữu Nam nói vậy và liệt kê: Mỗi ngày phải ít nhất 2 lần trèo lên kiểm tra cờ có bị rách, bung chỉ. Gió quẩn, cờ vướng dây hoặc quấn vào cột, lại hì hục trèo lên gỡ ngay tức thì. Vất vả nhất là mùa đông mưa phùn, gió bấc, sương mù khiến cờ nhanh rách và bạc màu. Những lúc thay cờ, cả tổ công tác lại xù xì áo bông, níu thang sắt trèo lên cột, chia nhau điều khiển mô tơ, luồn cờ, nâng cán, trong ù ù gió mạnh đến cấp 6 – 7, lạnh có khi dưới 0 độ, nếu không đeo găng da tay sẽ dính chặt vào cột thép, phải mang nước ấm dội vào để gỡ ra…
Nam bảo: “Lá cờ là Tổ quốc. Ở trên địa đầu này, màu cờ thiêng liêng gấp vạn lần!” và thì thầm: “Có lúc tình hình căng thẳng, anh em ôm súng nằm ngay chân cột canh cờ. Nếu chuyện gì xảy ra, mình chấp nhận hy sinh chứ không thể để mất cờ!”. Tôi nhìn vào mắt Nam, thấy bừng lên màu đỏ chói lọi tự hào, như ánh mắt của bao người lính nguyện chiến đấu – hy sinh dưới bóng cờ, suốt dặm dài biên giới đến tận địa đầu biên đảo…
 

Giữ cờ Tổ quốc - ảnh 4

Đặng Văn Hà thay cờ Tổ quốc trên tàu KN-767 ở Hoàng Sa, tháng 5.2014

Giữ cờ Tổ quốc - ảnh 5Ngô Minh Thiện thay cờ Tổ quốc trên tàu 571 trong bão Trường Sa, tháng 12.2013

Mai Thanh Hải