28/11/2024

Vì sao Trung Quốc bắt lãnh đạo Nhân dân Nhật báo điện tử?

Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Nhân Dân Nhật báo điện tử (People.cn), website của tờ Nhân Dân Nhật báo trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị bắt giữ để điều tra.

 

Vì sao Trung Quốc bắt lãnh đạo Nhân dân Nhật báo điện tử?

 

 

Chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Nhân Dân Nhật báo điện tử (People.cn), website của tờ Nhân Dân Nhật báo trực thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị bắt giữ để điều tra, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 27.8 dẫn truyền thông Trung Quốc cho biết.



Vì sao Trung Quốc bắt lãnh đạo Nhân dân Nhật báo điện tử? - ảnh 1

Chủ nhiệm kiêm tổng biên tập Nhân Dân Nhật báo điện tử (People.cn) – Ảnh: South China Morning Post

Hai nhân vật bị bắt bao gồm Liêu Hồng, 52 tuổi, chủ nhiệm kiêm tổng biên tập trang People.cn, và Trần Chí Hạ, 44 tuổi, phó chủ nhiệm trang tin này.

South China Morning Post trích bản tin từ tạp chí tài chính Tài Kinh (Trung Quốc) cho biết ông Trần bị điều tra viên giải đi vào sáng ngày 27.8 (giờ địa phương). Tuy nhiên, South China Morning Post không cho biết thời điểm ông Liêu bị bắt.

Lần cuối cùng tổng biên tập trang People.cn xuất hiện trước công chúng là vào giữa tuần trước tại thành phố Thâm Quyến, khi ông tham dự một diễn đàn truyền thông về hội tụ báo chí truyền thống và báo điện tử.

Ông này được cho là đã đăng tải trên trang web một tài liệu mang tên Bên dưới mái vòm, nói về tình trạng ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, gây xôn xao dư luận trong nước.

Ông Liêu cũng được cho là đang chịu rất nhiều áp lực sau động thái kể trên và đã bị cách chức tổng biên tập vào tháng 4, theo trang tin NetEase (Trung Quốc).

Hiện chưa có thông báo chính thức lý do 2 nhân vật này bị bắt, nhưng một nguồn tin giấu tên của NetEase tiết lộ ông Liêu bị cáo buộc với tội danh tống tiền.

Lãnh đạo Trung Quốc đang đổ lỗi cho nhau?

Vì sao Trung Quốc bắt lãnh đạo Nhân dân Nhật báo điện tử? - ảnh 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: Reuters

Sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải thông tin về Liêu Hồng, trang tin Business Insider (Mỹ) ngày 28.8 có bài viết nhận định diễn biến này khiến dư luận Trung Quốc xôn xao vì Nhân Dân Nhật báo được xem như cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Dường như cơ quan ngôn luận này đã không đăng tải thông tin chính thức mà nhà nước muốn đưa ra”, Business Insider bình luận.

Trang tin Mỹ dẫn các bình luận từ Twitter cho biết các trang web tại Trung Quốc bị kiểm duyệt chặt chẽ khi đưa tin về chuỗi sụt giảm mạnh mới đây trên thị trường chứng khoán.

Cư dân mạng Trung Quốc bàn tán rằng giờ đây đội ngũ phóng viên và ban lãnh đạo Tân Hoa xã, thông tấn xã Trung Quốc, nên dè chừng vì họ có thể là mục tiêu tiếp theo.

Trang tin Financial Times (Mỹ) ngày 25.8 dẫn lời các chuyên gia và nguồn tin cho biết Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang bị đổ lỗi cho khủng hoảng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu giảm mạnh từ ngày 12.6 và ông Lý được cho là người chịu trách nhiệm ngăn đà giảm. Các biện pháp can thiệp mạnh tay của ông đã không bình ổn được thị trường, và một số nhà phân tích cho rằng thủ tướng Trung Quốc đã khiến mọi chuyện tệ hơn.

“Nhà nước đã can thiệp quá mức vào thị trường chứng khoán, nên giờ thì họ đang cố đổ trách nhiệm cho nhau”, Bloomberg dẫn lời giáo sư kinh tế Hu Xingdou thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh cho hay.

“Trên thực tế, họ phải là người chịu trách nhiệm cho khủng hoảng trên thị trường. Chính nhà nước đang cố vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Hu cho hay.

Vì sao Trung Quốc bắt lãnh đạo Nhân dân Nhật báo điện tử? - ảnh 3

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường – Ảnh: Reuters

Còn trong bài viết đăng ngày 25.8, Financial Times cho rằng một số thành viên trong đảng Cộng sản Trung Quốc đang muốn hạ bệ Thủ tướng Lý.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giảm bớt quyền lực của ông Lý bằng cách tạo ra “nhiều nhóm lãnh đạo nhỏ” chịu trách nhiệm giải quyết nhiều vấn đề từng một thời là trách nhiệm của văn phòng Thủ tướng, theo Business Insider.  Quyền hạn của các nhóm này vượt trên quyền hạn của mọi phòng ban khác và đây được xem như một hình thức hạn chế quyền của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

“Đã có lúc trung thành với đảng Cộng sản Trung Quốc và với Chủ tịch Tập Cận Bình đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ để yên cho bạn”, Business Insider bình luận.

“Nhưng khi khủng hoảng bùng phát, thậm chí những người cho rằng mình an toàn trước chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập cũng cần phải coi chừng. Ai đó phải chịu trách nhiệm đối với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, của tăng trưởng kinh tế chậm lại và đối với 145 người thiệt mạng trong vụ cháy nổ kho hoá chất ở Thiên Tân”, theo Business Insider.

Hoàng Uy