10/01/2025

Em không muốn bỏ học lần nữa, thầy ơi!

Mấy ngày nay, niềm vui dâng đầy trong căn nhà tình thương của ông Võ Nhật Thống (ở làng Trúc Lâm, P.Hương Long, TP Huế) khi cả ba đứa con của ông cùng đậu đại học.

 

Em không muốn bỏ học lần nữa, thầy ơi!

 

Mấy ngày nay, niềm vui dâng đầy trong căn nhà tình thương của ông Võ Nhật Thống (ở làng Trúc Lâm, P.Hương Long, TP Huế) khi cả ba đứa con của ông cùng đậu đại học. 



Huệ (giữa) và hai em Thiện và Thanh đang nhận hàng về làm thêm để kiếm tiền nhập học - Ảnh: Ngọc Dương
Huệ (giữa) và hai em Thiện và Thanh đang nhận hàng về làm thêm để kiếm tiền nhập học – Ảnh: Ngọc Dương

Đó là một hộ nghèo, thuộc nhóm nghèo nhất của làng Trúc Lâm. Ở đó có câu chuyện về thân phận thật buồn, nhưng ý chí và tình thương thì có thể khiến bất cứ ai cũng cảm thấy nghẹn ngào.

Thầy Lê Triều Sơn, phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội – Huế, gửi đến Tuổi Trẻ câu chuyện này, sau khi nghe lời tâm sự thắt ruột của cô học trò: “Em không muốn bỏ học lần nữa, thầy ơi!”.

“So với bạn bè cùng trang lứa thì Huệ rất thiệt thòi. Hoàn cảnh khó khăn như vậy mà suốt ba năm học Huệ luôn là học sinh giỏi. Em học giỏi toàn diện các môn và luôn có mặt trong những hoạt động của trường. Huệ là một học sinh điển hình về tinh thần vượt khó, đầy nghị lực vươn lên. Đây là một học sinh gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi trong cuộc đời dạy học

Thầy LÊ VĂN TÙNG 
(chủ nhiệm lớp 12 chuyên địa
Trường THPT chuyên Quốc học Huế
)

Sao mình học giỏi mà không được đến trường?

Trong ba đứa con vừa đậu đại học, cô con gái Võ Thị Huệ là trường hợp rất đặc biệt. Huệ là học sinh lớp 12 chuyên địa lý Trường THPT chuyên Quốc học Huế.

Năm học 2005 – 2006 Huệ mới học xong lớp 6 thì ba lâm bệnh nặng, em phải nghỉ học đi giúp việc (giữ em cho người ta) để cùng mẹ lo tiền thuốc cho ba và kiếm cơm cho cả nhà. Huệ nói nhìn các bạn cùng trang lứa đi học mà lòng em buồn quá.

Mỗi lúc bồng em nhà người đi ra ngoài gặp bạn đi học, nước mắt cứ trào ra. Nhiều khi em tự hỏi vì sao mình lại không được đi học, dù mình thuộc loại học sinh giỏi của lớp?

Ba năm sau, năm học 2008 – 2009, khi bệnh tình của ba thuyên giảm, Huệ xin mẹ cho đi học cùng với hai đứa em sinh đôi. Vậy là ba chị em cùng học một lớp 7.

Ba mất sức lao động phải ở nhà, mẹ nuôi cả gia đình bằng gánh ve chai từ sáng sớm đến tối khuya. Hết giờ học là Huệ đi làm thêm đủ thứ việc: rửa chén bát thuê cho các quán ăn, bưng bê ở quán cà phê, dọn dẹp nhà cửa, nhận nón về thêu… để tự nuôi bản thân và tiếp tục đến trường.

Nghị lực sống đã giúp anh em Huệ đều trở thành học sinh giỏi. Anh trai Võ Nhật Cường đã tốt nghiệp đại học sư phạm toán năm ngoái. Và năm nay ba chị em Huệ đều đậu đại học.

Em trai Võ Nhật Thiện với 23,25 điểm đậu vào ngành xây dựng công trình Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Em gái Võ Thị Thanh 23 điểm đậu vào khoa du lịch Đại học Huế. Còn Huệ, với 22,5 điểm, cô đậu ngành địa lý Trường đại học Sư phạm – Đại học Huế, dẫn đầu trong nhóm thí sinh khối D đậu vào ngành này.

Kết quả đó đã được dự báo trước bởi tại Trường chuyên Quốc học Huế, ba năm liền Huệ đều đạt học sinh giỏi. Năm lớp 10, Huệ đoạt giải khuyến khích Olympic các trường chuyên. Lớp 11, 12 em đều đoạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh, giải khuyến khích cấp quốc gia.

Em sẽ đi làm nuôi hai em đi học trước

Kiếm sống bằng gánh ve chai, bà Lê Thị Ty – mẹ của Huệ – kể rằng mùa mưa gió có khi đi cả ngày cũng không có đồng nào. Chồng đau ốm, các con đều đi học, con trai đầu tốt nghiệp đại học sư phạm toán chưa có việc làm, không hình dung nổi bà đã nuôi sống gia đình ấy như thế nào. Bà tâm sự thật lòng: cả ba đứa con cùng đậu đại học, mừng ít mà lo nhiều.

“Tui nói ba chị em con Huệ học xong cấp III thì vô Sài Gòn đi làm kiếm sống, chớ cả ba đứa cùng đi học đại học thì lấy tiền mô ra mà học con ơi. Học xong rồi chưa chắc có việc làm, cũng như anh nó đó. Cả ba đứa không nói chi, kéo nhau ra ngồi khóc trong góc bếp. Thấy thương con quá mà sức cùng lực kiệt rồi” – bà Ty nói trong nước mắt.

Nghe tôi báo tin có học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, cả ba chị em mừng lắm. Nhưng Huệ chỉ làm một hồ sơ dự tuyển học bổng. Huệ bảo chỉ xin một suất thôi rồi chia cho hai em, còn mình sẽ tự lo.

“Còn để phần cho các bạn khác nữa chứ. Mình xin cả ba suất sẽ có bạn không được nhận” – Huệ nói. Tôi đến quán cà phê Dạ Hạc, nơi em làm thêm, bà chủ bảo quán ít khách quá nên cho em nghỉ việc rồi.

Tôi lên nhà em ở làng Trúc Lâm, ngoại ô TP Huế, thấy ba chị em nhận hàng nón về thêu nhưng thu nhập ít quá. Huệ bảo thầy biết chỗ nào có việc gì làm thì giới thiệu cho ba chị em, vất vả mấy cũng làm được, để kiếm tiền nhập học.

“Tụi em không muốn bỏ học thầy ơi. Em đã nghỉ học một lần từ nhỏ nên em sợ bỏ học lắm”. Dù vậy, Huệ vẫn tính với tôi rằng nếu không đủ tiền sẽ đi làm để hai đứa em nhập học trước. Dẫu muộn nhưng chắc chắn em cũng gắng học xong đại học. “Nhất định em sẽ trở thành cô giáo. Em yêu nghề này và em sẽ tiếp tục giúp những em nhỏ có hoàn cảnh như mình” – Huệ nói với một quyết tâm cao độ.

Một chặng đường gian nan đang chờ đợi các em ở phía trước. Chưa biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng nhìn vào đôi mắt các em tôi tin họ sẽ tiếp tục vượt qua, như từng vượt qua biết bao khó khăn trước đó.

Chị Kim Anh, người đã nhận Huệ làm thuê giúp việc giữ em lúc nhỏ, rất xúc động khi nghe chúng tôi báo tin Huệ đã đậu đại học. “Con bé được người được nết lắm, lại thông minh sáng dạ. Ngày ấy, em nói với tôi rất muốn đi học nhưng ba bệnh, các em còn nhỏ nên cháu phải nghỉ học. Ai ngờ nó đi học trở lại và đậu đại học nữa. Thiệt như chuyện như cổ tích!” – chị Kim Anh nói.

 

LÊ TRIỀU SƠN