10/01/2025

Lớp học nhỏ của Lực

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Trần Công Lực đạt 25,75 điểm khối A, đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

 

Lớp học nhỏ của Lực

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa qua, Trần Công Lực đạt 25,75 điểm khối A, đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).



Trần Công Lực (bìa phải) dạy kèm học sinh tại nhà - Ảnh: Tiến Thành
Trần Công Lực (bìa phải) dạy kèm học sinh tại nhà – Ảnh: Tiến Thành

Mặt đường 23-3 nâng cao 5m khiến căn nhà của cậu học trò Trần Công Lực (tổ 1, xã Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) chia làm hai nửa.

Phần dưới như một tầng hầm – mỗi lần ra vào đều phải khom người – là nơi gia đình Lực đang sống. Phần trên được ghép từ những mảnh gỗ để cho khách thuê bán phụ tùng xe máy được gần một tháng nay.

“Ngày biết điểm thi, mình gọi điện báo ngay cho bố đang trị bệnh ở quê. Bố dặn: Con phải cố gắng học nhé, bố xin lỗi vì không làm được gì cho con. Giây phút đó khiến mình xúc động

TRẦN CÔNG LỰC

Làm gia sư

Căn nhà của Lực vừa đủ kê một chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ chất đầy sách vở, đồ dùng học tập và một kệ sách nhỏ. Đây cũng là nơi hằng ngày Lực dạy “học trò” là các bạn học sinh lớp 11 cùng trường ba môn toán, vật lý và hoá học. Lực cho biết lớp học đã duy trì được hơn một tháng nay.

Trước đó, ngay khi vừa thi THPT quốc gia xong ngày trước là ngày sau Lực đến dạy tại nhà một học trò. Rồi thêm nhiều bạn nhỏ có nhu cầu nữa nên lớp học chuyển về nhà Lực.

Lực gãi đầu: “Nhà hơi bừa bộn nhưng học trò cũng thông cảm”. Lực cho biết ngày cầm khoản tiền dạy thêm 4 triệu đồng mà sung sướng hết mức vì đó là số tiền từ chính công sức mình, nó đủ để Lực vào TP.HCM những ngày xét tuyển.

Nói về “thầy giáo” Lực, bạn Trần Thị Cẩm Tú (lớp 11 Trường THPT Chu Văn An) cho biết: “Mình nghe các anh chị lớp trên giới thiệu anh Lực học rất giỏi khối A, lại biết truyền đạt kiến thức nên tụi mình nhờ anh dạy kèm.

Khi học, mới thấy có rất nhiều điều phải học từ anh, không chỉ kiến thức mà còn cả về nghị lực sống nữa”. Bạn Ngô Xuân Khánh chia sẻ: “Mới đầu việc học khá mệt mỏi vì một tuần mình phải học sáu buổi. Nhưng dần dà thấy anh Lực hiền, dễ gần lại dạy hay nữa nên mình thấy thoải mái hơn, việc học cũng vì thế hiệu quả hơn hẳn”.

Trần Công Lực trong căn nhà “hầm”, hằng ngày mang nước cho quán bún - nơi mẹ đang làm thuê - Ảnh: Tiến Thành
Trần Công Lực trong căn nhà “hầm”, hằng ngày mang nước cho quán bún – nơi mẹ đang làm thuê – Ảnh: Tiến Thành

Mong gia đình đoàn tụ

Là con út trong một gia đình có ba chị em, nhưng từ khi học lớp 10 gia đình Lực chưa có ngày nào đoàn tụ đầy đủ trong nhà.

Ba của Lực, ông Trần Công Sáng, bị bệnh tâm thần phân liệt phải chuyển ra quê nội Quảng Trị sống và điều trị bệnh khi Lực đang học lớp 9. Khi chồng chuyển ra ngoài quê, bà Đào Thị Thu Hà (mẹ Lực), cũng chuyển sang ở hẳn một quán bún, nơi bà đang làm thuê và cách nhà hơn một cây số.

Nhìn những tấm ảnh gia đình chụp kỷ niệm đã sờn màu, ánh mắt cậu học trò nghèo rưng rưng tâm sự: “Ở nhà một mình, mình thấy buồn vì thiếu vắng ba mẹ và các chị. Khi ấy chỉ nghĩ mình phải trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin xuất sắc, khi có điều kiện sẽ đoàn tụ gia đình về một nhà”.

Bà Hà cho biết công việc ở quán bún lúc nào cũng bận rộn, hơn nữa bà phải ra ở riêng để tiện cho việc học và sinh hoạt của con trai. “Mỗi ngày hai mẹ con chỉ gặp nhau lúc ăn trưa, khi thằng Lực chở bình nước tới quán bún cho bà chủ và được bà ấy “thưởng” cho tô bún, rồi hai mẹ con mới bắt đầu trò chuyện” – bà Hà vừa nói vừa nhìn cậu con trai trìu mến.

Dù đã làm việc quần quật suốt bốn năm ở quán bún, nhưng bà Hà vẫn không xoay xở kịp tiền ăn học cho Lực và cô con gái thứ hai đang học Trường đại học Giao thông vận tải tại Sài Gòn. “Ngày thằng Lực báo tin đạt điểm cao, tui mừng mà cũng lo. Nhưng phải ráng thôi, chỉ mong sao con mình thành người là vui” – bà Hà bộc bạch.

Vào bài viết của thầy cô

Cô Phạm Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Chu Văn An (thị xã Gia Nghĩa), cho biết Lực không chỉ là học trò ngoan ngoãn, học giỏi mà còn là một bí thư nhiệt tình, hoà đồng và năng nổ trong tất cả các hoạt động của lớp.

“Chính vì biết và khâm phục trò Lực, tôi và các thầy cô giáo trong trường đã viết và kể chuyện về em trong cuộc thi “Người tốt, việc tốt” được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa vào dịp 30-4 vừa qua” – cô Yến chia sẻ.

 

TIẾN THÀNH