10/01/2025

Những chiếc bánh rau củ ở Philippines

Nhờ được hỗ trợ quốc tế, người dân vùng núi Bauko đã chế biến ra bánh rau củ từ những thứ “thừa cho heo ăn” ngày trước.

 

Những chiếc bánh rau củ ở Philippines

 

Nhờ được hỗ trợ quốc tế, người dân vùng núi Bauko đã chế biến ra bánh rau củ từ những thứ “thừa cho heo ăn” ngày trước.



Các nhóm nghiên cứu hướng dẫn người dân Bauko cách phát triển kinh tế bền vững - Ảnh: Đức Toàn
Các nhóm nghiên cứu hướng dẫn người dân Bauko cách phát triển kinh tế bền vững – Ảnh: Đức Toàn

Thị trấn Bauko thuộc tỉnh Mountain ở phía bắc Philippines. Nơi đây khí hậu thuận lợi và nguồn lực tự nhiên phong phú, thế nhưng người dân tại vùng núi này chưa biết tận dụng lợi thế để phát triển.

Đa số kinh tế hộ gia đình tại địa phương tương đối manh mún và mang hơi hướng tự cung tự cấp. Theo lời thị trưởng thị trấn Bauko, ông Abraham Akilit, nhiều lúc nông dân tại vùng này khóc ròng vì thu hoạch nông sản xong chỉ biết đổ cho heo ăn hoặc chất đống cho đến khi phân huỷ chứ không biết làm sao để tạo ra sản phẩm.

Chất xúc tác từ khoa học

Từ năm 2014, nhận được sự hỗ trợ của Trường đại học San Beda ở thủ đô Manila trong chương trình phát triển kinh tế cộng đồng, các giảng viên, nhà nghiên cứu và học giả từ nhiều nơi trên thế giới đã đến nghiên cứu, nhằm đề xuất với người dân và chính quyền địa phương chính sách có thể theo đuổi về phát triển bền vững thị trường nông nghiệp và kinh tế tại đây.

Từ đó, người dân ở vùng núi nghèo này đã biết cách sử dụng nông sản dư thừa để làm ra những chiếc bánh bông lan nhiều khẩu vị bán tại các trạm dừng chân trong khu vực.

Sản phẩm đầu tiên của họ là bánh cà rốt với giá chỉ khoảng 6 peso (khoảng 3.000 đồng). Hiện tại những chiếc bánh rau củ vị su su đang được bán với giá 10 peso.

Nhờ được hướng dẫn, những nông dân chân lấm tay bùn nay đã biết làm dự án cụ thể chi tiết cho kế hoạch sản xuất, chế biến tạo ra sản phẩm, tiếp thị, bán sản phẩm và lưu trữ sản phẩm.

Những nông sản dư thừa lâu nay “dành cho heo ăn” thì nay đã được “lột xác” thành sản phẩm có giá trị giúp phát triển kinh tế tại các làng quê.

Sau một năm triển khai, người dân ở Bauko này đã tạo nên thương hiệu “bánh rau củ từ nông sản dư thừa” bán rộng ra khắp vùng.

Năm nay, chương trình hợp tác quốc tế lại tiếp tục đưa chuyên gia đến hướng dẫn nông dân tạo ra những sản phẩm mới như khoai tây chiên cắt lát đóng gói, muối dưa rau củ để kéo dài thời gian lưu trữ nông sản và cũng có thể tạo được sản phẩm để kinh doanh…

Hướng đến phát triển bền vững

Không chỉ giúp người dân Bauko giải quyết vấn đề kinh tế trước mắt, các chuyên gia còn hướng đến giải pháp giúp cân bằng sinh thái tự nhiên bảo vệ tốt môi trường dành cho phát triển bền vững. Với kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy của mình tại Đại học St. Paul (Campuchia), giảng viên Bis Chenda đề xuất sử dụng phân gà làm phân bón.

Tuy nhiên, trong thực tế xảy ra vấn đề về mùi hôi và khả năng giữ chất dinh dưỡng trong đất tương đối thấp. Bằng kinh nghiệm của mình, Chenda hướng dẫn người dân cách xử lý mùi hôi và tăng khả năng hấp thụ bằng cách đặt phân gà nằm giữa lớp lá cây khô (có sẵn tại địa phương) và lớp đá đen.

Sau hai tuần, người dân có thể trộn hỗn hợp này để đưa trực tiếp vào đất trồng.

Với việc chuyển giao ý tưởng này, người dân Bauko rất phấn khởi và có thể bắt tay thực hiện thay đổi cách thức bón phân bằng hóa chất và tập trung hơn vào việc bảo vệ môi trường sinh thái tại đây.

Như tại làng Mabaay nghèo khó, người dân bắt đầu quan tâm đến việc phát triển bền vững qua việc thành lập ba tổ chức: hiệp hội hộ gia đình bán hàng tại ven đường, hiệp hội người dân chống xói mòn đất và bảo vệ môi trường, hiệp hội nông dân trồng cà phê…

Cách thức tổ chức và xây dựng hiệp hội, quản lý hội viên hiệu quả họ được học từ các chuyên gia, học giả quốc tế. Khoảng cách giữa giảng đường và thực địa dường như không còn nữa.

Không những thế, nhiều nhóm sinh viên tham gia chương trình và học giả đều đồng tình ở điểm: khu vực Bauko có khí hậu tuyệt vời, phong cảnh thiên nhiên phong phú, tài nguyên rừng… để có thể tập trung phát triển du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, khi góp ý cụ thể, đa số không muốn cải tạo hoặc xây dựng mà chỉ tập trung phát triển dịch vụ đưa du khách tham quan thác suối, đồi núi với đa dạng sinh học hoặc những hang động hoang sơ chưa được khai thác du lịch.

Đây chính là những vấn đề mà các học giả băn khoăn trăn trở: làm thế nào để hỗ trợ người dân trong việc phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được cân bằng của hệ sinh học và không phá huỷ tự nhiên? Điều này vẫn là câu hỏi gợi mở cho chương trình phát triển kinh tế cộng đồng tại Philippines vào năm 2016…

Chương trình SEED (Social Enterprise for Economic Development) là một chuỗi chương trình được xây dựng từ Mạng lưới học thuật ASEAN (ASEAN Learning Network) giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại Malaysia đã tổ chức 8 lần, Philippines 2 lần và Việt Nam 1 lần.

Dự kiến năm 2016, chương trình sẽ bắt đầu tại Indonesia. Trong năm 2015, đoàn Việt Nam gồm 1 giảng viên và 5 sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tham gia SEED Philippines tại vùng núi Bauko theo quyết định của thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

HUỲNH LƯU ĐỨC TOÀN, (Giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)