Lộ diện điệp viên bí ẩn của Liên Xô
Tình báo Anh vừa tiết lộ danh tính của một điệp viên nhị trùng thậm chí còn lợi hại hơn cả gián điệp huyền thoại Kim Philby của Liên Xô.
Lộ diện điệp viên bí ẩn của Liên Xô
Tình báo Anh vừa tiết lộ danh tính của một điệp viên nhị trùng thậm chí còn lợi hại hơn cả gián điệp huyền thoại Kim Philby của Liên Xô.
Các tài liệu mới được Cơ quan tình báo nội địa Anh MI5 công bố ngày 21.8 cho thấy Cedric Belfrage – nhà báo kiêm nhà phê bình phim hàng đầu của Anh, là một trong những gián điệp hoạt động hiệu quả nhất của Liên Xô thời Thế chiến 2.
Báu vật của Liên Xô
Chào đời tại London vào năm 1904, Belfrage học tại Đại học Cambridge nhưng bỏ ngang trước khi tốt nghiệp. Ông trở thành nhà phê bình phim và kịch cho các tờ Daily Express và Sunday Express trước khi chuyển đến Mỹ vào những năm 1930 và bí mật gia nhập đảng Cộng sản Mỹ năm 1937.
Bốn năm sau, Belfrage được Cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI6 tuyển làm cánh tay phải cho William Stephenson, đứng đầu Cơ quan phối hợp an ninh Anh (BSC) của MI6 tại New York. Stephenson là quan chức tình báo cao cấp nhất của Anh tại Tây bán cầu. Do làm việc tại BSC nên Belfrage có thể tiếp cận nhiều thông tin mật.
Trong thời gian này, Belfrage đã được những người cộng sản tại Mỹ giới thiệu với điệp viên hàng đầu của Liên Xô là Jacob Golos. Suốt những năm 1941 – 1943, Belfrage – được Liên Xô gọi mật danh là Benjamin – đã chuyển cho Moscow những tài liệu mật về chính sách của Anh đối với Liên Xô và Trung Đông, các báo cáo về Pháp và thông tin từ giới chức cấp cao Anh tại Mỹ, theo Daily Mail dẫn tài liệu giải mật.
Moscow quá hài lòng về các thông tin trên nên xem Belfrage như là báu vật và đánh giá ông còn cao hơn cả điệp viên nổi tiếng Kim Philby, vốn là thành viên của nhóm 5 gián điệp được mệnh danh là Cambridge Five, tờ Financial Times dẫn lời Giáo sư Christopher Andrew, từng là nhà viết sử chính của MI5 tiết lộ. Mặc dù không có liên hệ trực tiếp với nhóm trên, nhưng do xuất thân từ Cambridge, Belfrage hiện được nhiều người gộp chung vào nhóm này để trở thành Cambridge Six.
Bị bán đứng
Sự nghiệp làm điệp viên hai mang của Belfrage chấm dứt vào năm 1943 khi Jacob Golos, người trực tiếp nhận thông tin từ Belfrage, bất ngờ qua đời vì truỵ tim. Người thay thế Golos là Elizabeth Bentley đã rời bỏ hàng ngũ vào năm 1945 và cung cấp tên của hơn chục điệp viên Liên Xô cho giới chức Mỹ.
Điều đáng chú ý là khi bị giới chức FBI thẩm vấn vào năm 1947, Belfrage vẫn thừa nhận cung cấp thông tin mật cho Liên Xô suốt Thế chiến 2 song biện bạch rằng mình đang hoạt động như một điệp viên hai mang theo hướng ngược lại.Ông khai rằng đã chuyển cho Liên Xô những tài liệu vô giá trị để moi thông tin quan trọng hơn từ Moscow, theo lệnh cấp trên trong cơ quan tình báo Anh. Mọi nỗ lực của FBI nhằm kiểm tra tính xác thực trong lời khai của Belfrage với MI6 đã không đi đến đâu bởi cơ quan này khẳng định không thể cung cấp thông tin về Belfrage.
Trên thực tế thì theo các tài liệu giải mật, giới chức tình báo Anh lúc bấy giờ sợ “quê độ” vì có mối quan hệ thân thiết với người ủng hộ Cộng sản. Phía Mỹ sau đó đã không đưa Belfrage ra xét xử vì ông ta không phạm luật nước này. Những tài liệu mà Belfrage tiết lộ cho Liên Xô là của chính phủ Anh, chứ không phải của Mỹ. Vào tháng 5.1953, Belfrage bị bắt giữ và được đưa ra trước Uỷ ban Điều tra Thượng viện Mỹ. Tại đây, ông từ chối trả lời những câu hỏi về việc liệu ông có phải là thành viên của đảng Cộng sản Mỹ hay không. Uỷ ban buộc phải đưa ra đề nghị trục xuất ông. Rốt cuộc, Belfrage bị tống giam trước khi trục xuất về nước vào năm 1955.
Việc Belfrage trở về Anh khiến chính phủ nước này một phen nhức đầu. Họ biết rõ Belfrage làm gián điệp và một số thậm chí muốn khởi tố ông. Tuy nhiên, chính Belfrage đã “cao tay” khi khai với FBI rằng ông cung cấp thông tin cho Liên Xô để nhử lấy thông tin giá trị hơn từ Moscow theo lệnh từ cấp trên. Theo BBC, MI5 nghĩ họ có thể chứng minh những tài liệu Belfrage chuyển cho Liên Xô là có giá trị thực sự, song cũng biết rằng họ sẽ cần nhiều bằng chứng hơn để bác lời biện hộ của ông ta tại tòa. MI5 nhờ MI6 cung cấp thêm bằng chứng, song cơ quan này không thể tìm bất cứ tài liệu hoặc nhân chứng có thể giúp bác lời biện hộ của Belfrage.
Ngoài ra, giới chức Anh cũng lo ngại dư luận, vốn phần lớn ủng hộ Belfrage, một trong những nhà phê bình phim được trả lương cao nhất xứ sở sương mù, theo BBC. Cuối cùng, nhà chức trách Anh không thể đưa Belfrage ra xét xử nhưng ông phải chịu sự giám sát kỹ từ chính quyền địa phương. Vài năm sau, Belfrage chuyển đến Nam Mỹ sinh sống và qua đời tại Mexico vào năm 1990, thọ 85 tuổi.
Nhóm Cambridge Five
Nhóm Cambridge Five bao gồm Donald Maclean, Guy Burgess, Kim Philby, Anthony Blunt và John Cairncross, đều là thành viên người Anh trong một mạng lưới gián điệp cho Liên Xô, theo BBC. Bộ 5 gián điệp này có nhiệm vụ thâm nhập hệ thống tình báo Anh và chuyển mọi thông tin giá trị cho Liên Xô suốt Thế chiến 2 và giai đoạn đầu Chiến tranh lạnh.
Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Cambridge vào thập niên 1930, Blunt chịu trách nhiệm tuyển dụng các thành viên còn lại, vốn đều là sinh viên của trường. Burgess trở thành phóng viên sau khi tốt nghiệp nhưng đã gia nhập MI6 khi chiến tranh nổ ra. Cũng thời gian này, Maclean làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh. Vào năm 1951, sau khi Philby tiết lộ họ đang bị nhà chức trách nghi ngờ, Maclean và Burgess đã chạy sang Liên Xô và sống hết cuộc đời tại đây.
Philby cũng rời Anh vào năm 1963, thời điểm Blunt bị cơ quan tình báo Anh phát hiện. Ông được cấp quyền miễn truy tố, đổi lại phải cung cấp mọi thông tin cho London.
|
Danh Toại