10/01/2025

Khốn khổ với phác thảo chân dung nghi can

Việc khai thác lợi thế công nghệ và mạng xã hội trong truy lùng tội phạm nhiều năm qua đang đặt ra những vấn đề không đơn giản.

 

Khốn khổ với phác thảo chân dung nghi can

 

Việc khai thác lợi thế công nghệ và mạng xã hội trong truy lùng tội phạm nhiều năm qua đang đặt ra những vấn đề không đơn giản.



Chân dung nghi can đánh bom trong lệnh truy nã của cảnh sát Thái Lan - Ảnh: AFP
Chân dung nghi can đánh bom trong lệnh truy nã của cảnh sát Thái Lan – Ảnh: AFP

Theo Hãng tin DW (Đức), những năm qua cảnh sát thường khai thác tiện ích mạng xã hội để nhờ công chúng cung cấp thông tin hỗ trợ điều tra. Trên thực tế, đã nhiều lần phương pháp này đem lại thành công.

Tuy nhiên, không ít trường hợp đã dẫn tới nhầm lẫn tai hại, gây ra hậu quả khôn lường khiến người ta buộc phải cân nhắc thêm về việc sử dụng công nghệ và mạng xã hội trong công tác điều tra tội phạm.

Khổ vì “người giống người”

Ngay sau vụ đánh bom ở thủ đô Bangkok tối 17-8, nhà chức trách đã phác thảo chân dung nghi can và phát lệnh truy nã. Điều đó đã làm xáo trộn cuộc sống của ông Sunny Burns, diễn viên, người mẫu người Úc kiêm giáo viên dạy tiếng Anh. Ông đã bị cáo buộc trên mạng xã hội Twitter vì có những điểm giống nghi phạm.

Sunny Burns đã có mặt tại Bangkok vào thời điểm xảy ra vụ nổ và tung lên tài khoản Facebook thông tin về vụ việc để gia đình và bạn bè biết ông vẫn đang an toàn. Tuy nhiên chính cách thông tin này khiến nhiều người nghi ngờ Sunny là kẻ bị truy nã.

Các thông tin trên mạng xã hội bắt đầu phát tán. Ngay lập tức diễn viên người Úc bị đe dọa và lăng mạ nặc danh qua tin nhắn. Tình thế đẩy ông phải tới gặp cảnh sát Thái Lan báo cáo sự việc và sau đó mất 6 giờ bị cảnh sát thẩm tra.

Vụ việc khác xảy ra hồi tháng 8-2014. Một người dùng Twitter có tài khoản @TheAnonMessage (tài khoản này sau đó đã bị xoá) tung lên mạng xã hội tên, ảnh chụp viên cảnh sát Bryan P. Willman và cáo buộc người này đã bắn chết thanh niên da đen Michael Brown ở thị trấn Ferguson.

Ngay sau đó Sở Cảnh sát hạt St. Louis khẳng định thông tin do @TheAnonMessage cung cấp là sai. Nhưng dù thế Bryan P. Willman vẫn hứng chịu rất nhiều đe doạ trên mạng xã hội và tự giam mình trong nhà trong suốt 6 ngày liền. Cảnh sát cũng phải bảo vệ gia đình anh trong 24 giờ.

Trên tài khoản Twitter, Bryan cho biết “cuộc sống của tôi đã hoàn toàn bị đảo lộn chỉ vì sự vô trách nhiệm của một người”.

Hiệu quả từ sức mạnh tập thể

Tuy nhiên trong một số trường hợp mạng xã hội đã chứng tỏ là công cụ hữu dụng trong các điều tra của cảnh sát. Một trong những vụ việc gây nhiều tranh cãi nhất là vụ đánh bom trong cuộc thi marathon ở Boston (Mỹ).

Mạng xã hội đã giúp cảnh sát xác minh các nghi can và hỗ trợ quá trình phong tỏa khu vực Boston. Các chi tiết hình ảnh kỹ thuật số của cảnh sát có lẽ sẽ không thể đầy đủ nếu không có sự hỗ trợ từ mạng Internet.

Từ thể loại âm nhạc mà tên Tsarnaev (một trong hai nghi can) thích nghe, cho tới các kiểu tóc ngắn đáng ghét của hắn, từng chi tiết riêng lẻ đó rốt cuộc đã giúp nhà điều tra đi đến được bức chân dung tổng thể của nghi can và sau đó hắn đã bị bắt.

Thực tế cho thấy FBI cũng từng sử dụng Twitter làm công cụ hỗ trợ điều tra. Vào tháng 6 vừa rồi, một người đàn ông da trắng đã dùng súng tấn công ngôi nhà thờ lâu năm của người da đen ở thị trấn Charleston, bang Nam Carolina.

Vụ tấn công làm 9 người thiệt mạng, ngay sau đó cảnh sát đã mở cuộc truy lùng và bắt được hung thủ là Dylann Roof. Tuy nhiên trước khi tên này bị bắt, FBI cũng đã phải huy động sức mạnh của mạng xã hội để lùng ra tung tích thủ phạm càng nhanh càng tốt.

Cũng như thế là một sự việc khác cho thấy cư dân mạng xã hội Twitter đã giúp cảnh sát bang Philadelphia có được manh mối đáng kể trong quá trình điều tra một vụ án nghiêm trọng xảy ra năm ngoái.

Sau khi một nhóm đàn ông và phụ nữ tấn công một cặp vợ chồng đồng tính vào ngày 16-9-2014, cảnh sát đã công bố đoạn video do camera an ninh ghi lại và nhờ người dân giúp xác minh danh tính những kẻ tấn công.

Sau đó, một người có tài khoản Twitter là @GreggyBennett đã post lên bức ảnh cho thấy các nghi phạm giống như hình cảnh sát cung cấp tại một nhà hàng.

Một người dùng Twitter khác là @FanSince09 đã đăng lại bức ảnh của @GreggyBennett nhằm tìm ra tên nhà hàng và rất nhiều người khi xem ảnh đã lập tức khẳng định đó là nhà hàng La Viola.

Sau khi đối chiếu và có được thông tin thống nhất, @FanSince09 đã liên hệ với cảnh sát Philadelphia và rốt cuộc cảnh sát đã hết lời cảm ơn các cư dân của Twitter vì giúp họ có những manh mối đáng kể trong công tác điều tra.

Vô hiệu hoá một quả bom tại Bangkok

Hôm qua, theo Reuters, cảnh sát Thái Lan đã tìm thấy và vô hiệu hoá một quả bom ngay tại thủ đô Bangkok.

Ông Kamthorn Aucharoen, đội trưởng đội rà phá bom mìn của cảnh sát Bangkok, kể lại: “Chúng tôi nhận được tin báo có một quả bom ở số 81 đường Sukhumvit vào buổi chiều. Tôi đã đến kiểm tra và phát hiện có một quả bom lớn đặt trong nhà một công nhân xây dựng. Chúng tôi đã vô hiệu hoá và sẽ sớm phá huỷ nó”. Đường Sukhumvit là một trong những tuyến đường chính ở thủ đô Bangkok.

Trong diễn biến khác có liên quan, theo Reuters, cảnh sát Thái Lan thừa nhận vẫn chưa rõ liệu hung thủ vụ đánh bom khiến 20 người chết hồi tuần trước đang còn ở Thái Lan hay đã trốn ra nước ngoài.

Cảnh sát trưởng Thái Lan Somyot Poompanmuang thừa nhận: “Chúng tôi không biết là liệu thủ phạm có còn ở Thái Lan hay không nhưng tôi buộc phải giả định như thế vì đến nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy hắn ta đã trốn sang nước ngoài”.

DUY LINH

 

D.KIM THOA