10/01/2025

GS Ngô Bảo Châu: Không nhất thiết phải có bằng ĐH

“Mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống, công việc có ý nghĩa, đem lại cho bạn niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình…”, chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu với các bạn vừa thi hai trong một.

 

GS Ngô Bảo Châu: Không nhất thiết phải có bằng ĐH

 

“Mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống, công việc có ý nghĩa, đem lại cho bạn niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình…”, chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu với các bạn vừa thi hai trong một.



GS Ngô Bảo Châu và GS người Pháp Cédric Villani tại cuộc tọa đàm - Ảnh: T.HÀ
GS Ngô Bảo Châu và GS người Pháp Cédric Villani tại cuộc tọa đàm – Ảnh: T.HÀ

Trong khuôn khổ một cuộc tọa đàm tại Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội tối 24-8, GS Ngô Bảo Châu và GS người Pháp Cédric Villani – người cũng giành giải thưởng Fields năm 2010 – đã chia sẻ với các bạn trẻ kinh nghiệm thành công từ những đam mê học tập và nghiên cứu của bản thân.

Cuộc toạ đàm với chủ đề tưởng như có phần khô khan “Phương pháp giáo dục: Làm thế nào để chuyển lửa? Toán học là một trường hợp cụ thể. Góc nhìn chéo Việt – Pháp” lại có một sức hút bất ngờ, bởi sự hiện diện của hai nhân vật đặc biệt.

Lứa tuổi 11-13 đặc biệt quan trọng

Khán phòng lớn sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội không còn một chỗ trống khiến ban tổ chức quyết định mời các bạn trẻ lên luôn sân khấu, ngồi xung quanh các nhân vật chính. Trong số gần 500 người tham dự cuộc toạ đàm, chiếm số đông là các bạn HS-SV, trong đó có nhiều em HS tiểu học.

Chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về giáo dục, xuất phát từ “những cuộc phiêu lưu toán học” của bản thân, GS C. Villani và GS Ngô Bảo Châu cùng đồng quan điểm trong việc cho rằng lứa tuổi 11-13 đặc biệt quan trọng đối với việc định hướng về đam mê học tập và nghề nghiệp sau này.

Cả hai GS cùng cho biết đã khuyến khích các con chọn lĩnh vực yêu thích để học tập, theo đuổi mà không nhất thiết phải là lĩnh vực bản thân mình đã thành công là toán học. GS Villani cho biết hai con ông đều học chuyên về âm nhạc. GS Ngô Bảo Châu cho biết hiện tại mới chỉ hi vọng cô con gái út sẽ theo đuổi toán học!

Thông điệp mà hai GS muốn truyền đạt tới không chỉ các bạn trẻ mà cả các bậc phụ huynh là hãy khuyến khích con/bản thân theo đuổi niềm đam mê và đánh thức năng lực thật sự trong mỗi con người. Đó là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên dẫn dắt đến thành công trong cuộc đời mỗi người.

Các bạn trẻ ngồi kín sân khấu nghe GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani trò chuyện - Ảnh: T.HÀ
Các bạn trẻ ngồi kín sân khấu nghe GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani trò chuyện – Ảnh: T.HÀ

Không thể đánh giá con người bằng một chỉ tiêu

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ “Với kinh nghiệm của một người đi trước đã thành công, đối với những thí sinh có thể không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa diễn ra, GS có lời khuyên thế nào đối với “thất bại đầu đời” của những bạn trẻ 18 tuổi này? Đồng thời, GS chia sẻ như thế nào với những thí sinh tuy trúng tuyển nhưng không được đúng ngành mình yêu thích, mong muốn”.

GS Ngô Bảo Châu nói: Trước hết nói chung về các tư tưởng giáo dục, tôi nghĩ rằng mỗi con người sinh ra có một khả năng khác nhau, có mối quan tâm khác nhau. Tôi xin kể một câu chuyện vui này để làm ví dụ.

Hôm trước tại viện toán chúng tôi có hỗ trợ để các bạn SV tổ chức một cuộc thi toán mô hình dành cho các bạn trẻ. Tôi có tham gia buổi chấm điểm cuối cùng và rất thú vị. Đó là một bài toán về trồng cây và tưới cây.

Có nhiều đội dự thi, trong đó có đội tôi biết là rất giỏi toán, thích toán, các bạn ấy tính toán ra cách trồng cây tốt nhất, tưới cây sao cho tiết kiệm xăng xe nhất. Các bạn ấy không chú ý đến cây và vấn đề tưới cây mà chú ý đến việc sao cho chứng minh được cái phương án của mình là chặt chẽ nhất về mặt toán học.

Nhưng cũng có đội rõ ràng sự chuẩn bị và khả năng toán học không bằng những đội kia nhưng đầu óc rất thực tế, quan tâm thật sự đến cây, các bạn đưa ra phương án có thể lời giải không phải là hoàn hảo về mặt toán học nhưng rất thú vị về quan điểm trồng cây và tưới cây.

Qua câu chuyện như vậy, tôi cho rằng giá trị con người không thể chỉ đánh giá bằng một chỉ tiêu anh có giỏi toán hay viết văn giỏi hay không, anh có giỏi lý thuyết này, có khả năng chứng minh luận điểm kia hay không, mà cuộc sống cần rất nhiều phẩm chất khác nhau.

Tôi quan niệm rằng nền giáo dục mà chúng ta cần hướng tới là một nền giáo dục đa dạng. Trong đó mỗi người trẻ nào cũng có phẩm chất của mình, cho phép phẩm chất đó được phát triển thể hiện. Khi lớn lên phẩm chất của đứa trẻ đó được thể hiện bằng một tác phẩm nào đó trong cuộc đời, không nhất thiết chỉ trên phương diện học vấn, nghiên cứu.

Có lẽ tàn dư của tư tưởng say sưa bằng cấp của xã hội phong kiến dẫn đến trong xã hội ta, tất cả mọi người đều mong muốn vào ĐH, có bằng cấp ĐH. Đấy là vấn đề có nhiều cách nghĩ khác nhau. Đối với cá nhân tôi, tôi cho rằng mỗi bạn trẻ hoàn toàn có thể có một cuộc sống, công việc có ý nghĩa, đem lại cho bạn niềm vui, niềm tự hào cho bản thân và gia đình, có ích cho xã hội mà không nhất thiết phải có bằng ĐH. Xã hội cũng không nhất thiết tất cả mọi người đều phải vào ĐH và có bằng ĐH.

Còn đối với câu hỏi thứ hai, đó là một điều đáng tiếc vì đối với học ĐH, ngành học rất quan trọng. Tôi hi vọng các trường ĐH trong quá trình đào tạo sẽ có sự mềm dẻo để các em trong quá trình học có cơ hội chuyển ngành sang đúng ngành mình yêu thích, đam mê nếu như có đủ điều kiện.

 

THANH HÀ