10/01/2025

Giới trẻ Đài Loan muốn xa lìa Trung Quốc

Ngày càng có nhiều thanh niên ở Đài Loan phản đối xích lại gần Trung Quốc và có những biểu hiện muốn độc lập.

 

Giới trẻ Đài Loan muốn xa lìa Trung Quốc

 

 

Ngày càng có nhiều thanh niên ở Đài Loan phản đối xích lại gần Trung Quốc và có những biểu hiện muốn độc lập.



Sinh viên Đài Loan đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình trước trụ sở Cơ quan Giáo dục Đài Loan - Ảnh: ReutersSinh viên Đài Loan đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình trước trụ sở Cơ quan Giáo dục Đài Loan - Ảnh: Reuters
Kể từ khi ông Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân đảng (KMT) lên nắm quyền lãnh đạo Đài Loan hồi năm 2008 đến nay, quan hệ giữa hai bên bờ eo biển đã được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là hồi tháng 2.2014, Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc Trương Chí Quân hội đàm với Chủ nhiệm Hội đồng phụ trách vấn đề đại lục của Đài Loan Vương Úc Kỳ, đánh dấu cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa hai bên lần đầu tiên từ năm 1949.
Phát biểu lúc khai mạc cuộc họp, ông Trương khẳng định hai bên đang đi đúng hướng và “điểm đến không còn xa nữa”. Còn ông Vương khẳng định hai bên có thể ngồi lại không phải là “chuyện dễ dàng” và sự kiện lần này đã mở ra “chương mới” cho quan hệ Trung – Đài, theo AFP.
Trong khi đó, giới trẻ Đài Loan ngày càng có những biểu hiện cho thấy họ muốn Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc và muốn khẳng định mình là người Đài Loan hơn là người Trung Quốc.
Cuộc chiến sách sử
Bằng chứng cho xu hướng nói trên là tại một diễn đàn do Cơ quan Giáo dục Đài Loan tổ chức hồi tháng rồi, khi được giới chức hỏi Trung Hoa Dân Quốc (tên được Đài Loan sử dụng trên giấy tờ chính thức) có thể thay thế bằng tên gì, nhiều học sinh, sinh viên đồng thanh đáp “Đài Loan”.
Một học sinh còn thẳng thắn phát biểu: “Chúng ta là người Đài Loan thì phải học lịch sử của Đài Loan”. Diễn đàn đó được tổ chức trong bối cảnh hàng trăm học sinh, sinh viên biểu tình trước trụ sở của Cơ quan Giáo dục Đài Loan trong mấy tháng để phản đối sự thay đổi sách sử mà họ cho rằng tuyên truyền cho quan điểm “một Trung Quốc”, nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong lịch sử của Đài Loan, theo Reuters.
Dù có hàng chục người biểu tình bị bắt vì leo thang xâm nhập trụ sở Cơ quan Giáo dục Đài Loan, hàng trăm học sinh, sinh viên ngày 31.7 vẫn tiếp tục biểu tình ngồi. Trong đó có học sinh tuyên bố ngay tại vị trí biểu tình: “Chúng tôi là Đài Loan, Trung Quốc là Trung Quốc”.
Đợt biểu tình kéo dài đến ngày 6.8, khi bão Soudelor sắp ập vào Đài Loan. Nhóm biểu tình khi đó khẳng định đã đạt được một phần mục tiêu vì giới chức đồng ý cho phép các trường có quyền chọn sách sử chưa được chỉnh sửa hoặc phiên bản mới.
Cuộc bầu cử được trông đợi
Các đợt biểu tình trên khiến dư luận nhớ lại phong trào “Hoa hướng dương” năm 2014, khi hàng ngàn người chiếm toà nhà nghị viện Đài Loan nhiều tuần để phản đối quan hệ kinh tế ngày càng được tăng cường với Trung Quốc.
Các cuộc biểu tình còn phản ánh nỗi sợ rằng Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng chính sách “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan như họ đang làm đối với Hồng Kông, theo Reuters. “Thật lố bịch. Một quốc gia không thể có hai loại lịch sử”, một người biểu tình bức xúc nói.
Trong bài bình luận đăng trên tờ Taipei Times ngày 14.8, Giám đốc Viện Nghiên cứu xã hội học thuộc Viện Nghiên cứu trung ương Đài Loan Tiêu Tân Hoàng chỉ ra trong năm 2014, số người ở Đài Loan tự xem mình người Trung Quốc chỉ chiếm 7%, trong khi gần 90% tự xem họ là người Đài Loan. Trong giới trẻ Đài Loan tuổi từ 20 – 39, có tới 95% tự xem mình là người Đài Loan.
Những cuộc biểu tình nói trên diễn ra trước khi cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan được tổ chức vào tháng 1.2016. Khi đó, đảng nào hướng tới độc lập khỏi Trung Quốc có thể sẽ giành được ủng hộ của giới trẻ.
Theo Reuters, đảng Dân Tiến (DPP) đối lập lâu nay có lập trường muốn chính thức độc lập khỏi Trung Quốc, còn KMT cầm quyền bị cho là phụ thuộc Trung Quốc. DPP tuyên bố họ tin rằng chỉ có người Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình.
Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định điều đó có nghĩa họ muốn độc lập khỏi Trung Quốc. Giới quan sát dự đoán KMT có thể sẽ bị DPP đánh bại trong cuộc bầu cử sắp tới, điều mà Bắc Kinh chắc chắn không muốn. Có lẽ do đó mà Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, Trương Chí Quân ngày 6.8 lên tiếng cảnh báo Đài Loan sẽ sớm phải chọn giữa việc tiếp tục phát triển hoà bình các mối quan hệ giữa hai bên hoặc trở lại “con đường xấu” để theo đuổi độc lập.
Lâu nay Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc và không loại trừ khả năng dùng vũ lực thu hồi vùng lãnh thổ này, theo Reuters.
“Sói trắng” ủng hộ thống nhất
Vào tối 5.8, chính trị gia khét tiếng ở Đài Loan, Trương An Lạc, có biệt danh “Sói trắng” và quan điểm ủng hộ thống nhất với đại lục, tuyên bố sẽ dẫn đầu một cuộc biểu tình chống lại phong trào học sinh, sinh viên phản đối sách sử mới, theo AFP.
Ngay sau đó có hơn 1.000 người lập tức xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào học sinh, sinh viên. Ông Trương từng ngồi tù 10 năm ở Mỹ về tội buôn bán ma túy và sau đó sống lưu vong ở Trung Quốc 17 năm trước khi trở về Đài Loan năm 2013.
Ông này nằm trong danh sách bị truy nã với cáo buộc có nhiều vi phạm theo luật Ngăn chặn tội phạm có tổ chức của Đài Loan kể từ khi đào tẩu sang Trung Quốc năm 1996. Trong thời gian ở Trung Quốc, ông Trương lập đảng Xúc tiến thống nhất Trung Hoa (CUPP). Hiện nay, ông Trương vẫn đang lãnh đạo CUPP tại Đài Loan, với khoảng 30.000 thành viên.

Văn Khoa