Thêm nhiều khoản phúc lợi cho người lao động
Nhiều khoản chi cho người lao động như bảo hiểm, công tác phí… sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; chuyển nhượng bất động sản chỉ còn áp dụng một mức thuế suất…
Thêm nhiều khoản phúc lợi cho người lao động
Nhiều khoản chi cho người lao động như bảo hiểm, công tác phí… sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân; chuyển nhượng bất động sản chỉ còn áp dụng một mức thuế suất…
Bà Trần Thị Lệ Nga – Ảnh: THANH ĐẠM |
Sắp tới, rất nhiều khoản chi cho người lao động như bảo hiểm, công tác phí… sẽ không phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Đây là quy định vừa được Bộ Tài chính ban hành, giúp doanh nghiệp có thể vận dụng nhằm tăng thêm phúc lợi cho người lao động.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Lệ Nga – cục phó Cục Thuế TP.HCM – thông tin thêm:
“Quy định mới cũng không tính khoản thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với thu nhập từ lợi tức được chia của cá nhân là chủ công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ |
– Theo quy định mới tại thông tư 92 có hiệu lực từ ngày 30-7 và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ năm 2015 trở đi, khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động (NLĐ) từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ, bất kể đưa đón cá nhân hay tập thể, thay vì chỉ với khoản chi về phương tiện phục vụ tập thể NLĐ như trước.
Các khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu hỉ cho bản thân và gia đình NLĐ theo quy định chung cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ. Đặc biệt, trước đây chưa có hướng dẫn đối với trường hợp người sử dụng lao động mua sản phẩm không bắt buộc, không có tích luỹ (sức khoẻ, tử kỳ…) cho NLĐ nhưng theo quy định mới, các khoản phí mua bảo hiểm này cũng không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của NLĐ.
* Các khoản chi bảo hiểm nhân thọ và trang phục của doanh nghiệp được khống chế như thế nào, thưa bà?
– Trường hợp doanh nghiệp chi mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, quy chế tài chính của doanh nghiệp… sẽ được tính vào chi phí khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là sự thay đổi đáng kể, bởi trước đây khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ NLĐ dù tính vào chi phí được trừ nhưng không vượt quá 1 triệu đồng/tháng/người.
Theo quy định mới, doanh nghiệp cũng không bị khống chế về khoản chi trang phục cho NLĐ bằng hiện vật, đồng thời cho phép tính vào chi phí được trừ nếu có hoá đơn, chứng từ theo quy định. Tuy nhiên, phần chi trang phục bằng tiền cho NLĐ vẫn khống chế không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm.
* Các chính sách về công tác phí cho NLĐ có thay đổi gì không?
– Doanh nghiệp sẽ không bị khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho NLĐ đi công tác, đồng thời được tính vào chi phí được trừ nếu có hoá đơn, chứng từ. Khoản công tác phí mà doanh nghiệp khoán cho NLĐ cũng sẽ tính vào chi phí được trừ, thay vì chỉ được trừ theo mức khoán áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức nhà nước đi công tác.
Ngược lại, khoản công tác phí này cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của NLĐ khi tính thuế TNCN.
* Việc tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ thừa kế, quà tặng có gì mới, thưa bà?
– Điểm mới là chuyển nhượng chứng khoán và bất động sản chỉ còn áp dụng một mức thuế suất. Cụ thể, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán chỉ nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải kê khai nộp thuế TNCN theo thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê lại.
Đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng, quy định mới bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là tài sản nhập khẩu, giá trị tài sản làm căn cứ tính thuế TNCN là giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trừ các khoản thuế ở khâu nhập khẩu mà cá nhân phải tự nộp theo quy định. Trước đây chưa có hướng dẫn cụ thể việc này.