Chống khủng bố ở châu Âu quá khó
Vụ tấn công trên đoàn tàu cao tốc Amsterdam – Paris cho thấy tình báo phương Tây đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc theo dõi, giám sát và ngăn chặn số lượng nghi can cực đoan đang bùng nổ.
Chống khủng bố ở châu Âu quá khó
Vụ tấn công trên đoàn tàu cao tốc Amsterdam – Paris cho thấy tình báo phương Tây đang gặp quá nhiều khó khăn trong việc theo dõi, giám sát và ngăn chặn số lượng nghi can cực đoan đang bùng nổ.
An ninh Pháp điều tra hiện trường ở đoàn tàu bị tấn công – Ảnh: AFP |
Theo AFP, hôm qua lực lượng chống khủng bố Pháp bắt đầu “quay” nghi can 25 tuổi Ayob El Khazzani, người gốc Morocco. Hắn khai “tình cờ” tìm thấy súng đạn và muốn cướp tiền của hành khách trên đoàn tàu.
Tuy nhiên tình báo Tây Ban Nha cho biết Khazzani từng sống bảy năm ở Tây Ban Nha từ năm 2007 đến tháng 3-2014, rơi vào tầm ngắm của nhà chức trách vì buôn ma tuý và tuyên truyền cực đoan. Sau đó hắn tới Pháp, rồi đến Syria một thời gian.
Khazzani phủ nhận việc từng đến Syria, nhưng thực tế hắn là đối tượng bị an ninh nhiều nước châu Âu theo dõi. An ninh Pháp khẳng định trước vụ tấn công, Khazzani sống tại Bỉ. Hắn mua vũ khí ở Bỉ, lên tàu tại địa phận Bỉ nhưng sở hữu giấy tờ tuỳ thân do chính quyền Tây Ban Nha cấp.
Tình báo Đức cũng cho biết từng theo dõi Khazzani, đặc biệt vào thời điểm hắn bay từ Berlin đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 5. Các điệp viên Đức cũng lần theo dấu vết của hắn ở Bỉ.
Nhiệm vụ bất khả thi
Trên tạp chí CTC Sentinel, chuyên gia Alain Grignard, thành viên cao cấp của Đơn vị cảnh sát chống khủng bố Bỉ, đánh giá mối đe dọa khủng bố tại châu Âu “chưa bao giờ cao đến thế”.
“Tất cả đều có liên quan đến Syria – ông Grignard cho biết – Ở Bỉ, ít nhất 300 người tới Syria, khoảng 100 người đã trở về. Chúng tôi hiểu rằng còn nhiều kẻ khác nữa mà chúng tôi chưa biết đến. Giám sát tất cả là nhiệm vụ bất khả thi. Chính quyền theo dõi nhiều người nhưng không biết ai sẽ tấn công khủng bố”.
Chuyên gia chống khủng bố Anh Raffaello Pantucci mô tả nhiệm vụ giám sát nghi can khủng bố là cực kỳ nặng nhọc và đòi hỏi nhiều nguồn lực.
“Để theo dõi một nghi can cần vài điệp viên, thiết bị và phương tiện, làm việc ba ca mỗi ngày. Các cơ quan tình báo không đủ sức săn lùng tất cả nghi can khủng bố” – ông Pantucci nhấn mạnh. Trong khi đó số nghi can khủng bố đang tăng vọt. Chỉ trong hai năm qua, Bỉ truy tố nghi can tội khủng bố nhiều hơn 30 năm qua.
“Có một cách là bắt tất cả kẻ bị tình nghi gia nhập cực đoan ở Syria khi trở về Bỉ. Nhưng có nhiều vụ chúng tôi không đủ bằng chứng” – chuyên gia Grignard giải thích.
Bỉ là nơi có số người rời châu Âu tới chiến đấu ở Trung Đông cao nhất thế giới (tính theo đầu người). Bằng chứng điển hình của mối đe doạ lớn là vụ một băng đảng dính líu tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bị triệt hạ tại Bỉ hồi tháng 1 vì âm mưu sát hại cảnh sát.
Các thành viên của nhóm này bị cực đoan hoá cực nhanh và sau khi trở về từ Syria thì “hoàn toàn không sợ chết”.
Ở Pháp, con số nghi can cực đoan cũng cực lớn. Chính quyền Paris ước tính chỉ trong tháng 5-2014 có tới 843 người rời nước này đến Syria. Khoảng 50% trong số đó chưa từng bị nhà chức trách để mắt tới.
Chuyên gia Pantucci nhận định hiệp ước di chuyển tự do Schengen cũng khiến an ninh châu Âu gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi, giám sát nghi can khủng bố.
Lỗ hổng an ninh đường sắt
Chuyên gia Grignard đánh giá nhiều nghi can cực đoan sau khi trở về châu Âu từ Syria “có kinh nghiệm chiến đấu với súng đạn còn nhiều hơn lực lượng đặc nhiệm của chúng ta”.
Một vấn đề lớn nữa là rất khó đảm bảo an ninh mạng lưới đường sắt ở châu Âu. AFP cho biết mới đây, Chính phủ Bỉ tuyên bố sẽ tăng cường kiểm tra hành lý và tuần tra trên các đoàn tàu cao tốc. Nhưng đó là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Sau vụ 11-9-2001, các sân bay trên thế giới thắt chặt tối đa an ninh. Tuy nhiên, giới chuyên gia chống khủng bố cho biết không thể áp dụng mô hình an ninh của sân bay cho các trạm đường sắt.
Ông Guillaume Pepy, giám đốc Hãng đường sắt Pháp SNCF, cho biết các nhà ga lớn ở châu Âu được thiết kế để đảm bảo tối đa dòng hành khách lên xuống tàu. Vào giờ cao điểm mỗi ga có tới hàng chục chuyến tàu đến và đi.
Các ga lớn được sự hỗ trợ của một mạng lưới ga nhỏ khổng lồ. Chỉ riêng ở Pháp có tới 3.000 ga tàu nhỏ. “Chúng ta có thể lập hàng rào an ninh xung quanh các sân bay, nhưng không thể làm như thế với toàn bộ mọi ga tàu” – chuyên gia Pantucci chỉ rõ.
Với quy mô khổng lồ, việc thắt chặt an ninh tại các ga tàu châu Âu cũng sẽ gây tốn kém khủng khiếp. “Nhiệm vụ an ninh này là bất khả thi” – chuyên gia Marc Ivaldi thuộc Viện nghiên cứu IDEI kết luận.
Hồi tháng 3-2004, các vụ đánh bom tại mạng lưới tàu điện ở Madrid, Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng 191 người và làm 1.800 người bị thương. Hiện nay, chỉ hành khách đi tàu đường dài ở Tây Ban Nha bị kiểm tra hành lý. Ở Ý, cũng chỉ hành khách đi từ một số nhà ga lớn bị kiểm tra an ninh.
Cần chiến lược dài hạn Theo chuyên gia chống khủng bố Marc Pierini thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại châu Âu Carnegie, cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu là một cuộc chiến xuyên biên giới lâu dài. Theo ông, các quốc gia châu Âu cần áp dụng các biện pháp toàn diện, từ giám sát mạng Internet và các mạng xã hội tới đưa ra quy định mới kiểm soát đi lại trong khu vực, giám sát hiện tượng di cư bất thường… |