Truy tìm chất cấm tại lò mổ heo
Để có được kết quả cảnh báo tình trạng sử dụng chất cấm tăng báo động trong chăn nuôi thời gian qua, các cán bộ thú y (Chi cục Thú y TP.HCM) phải nhiều đêm thức trắng.
Truy tìm chất cấm tại lò mổ heo
Để có được kết quả cảnh báo tình trạng sử dụng chất cấm tăng báo động trong chăn nuôi thời gian qua, các cán bộ thú y (Chi cục Thú y TP.HCM) phải nhiều đêm thức trắng.
Giữa hàng chục con heo, nhân viên Nguyễn Quốc Thạnh phải ngồi, thậm chí bò để lấy mẫu nước tiểu – Ảnh: Hoàng Lộc |
Hàng đêm, họ đã “vật lộn” với hàng trăm đàn heo từ các tỉnh đổ về TP.HCM để lấy mẫu xét nghiệm.
19g. Hai xe chuyên dùng chở 10 thành viên đoàn thanh tra đột xuất (Chi cục Thú y TP.HCM) đột ngột rẽ vào cơ sở giết mổ Nam Phong (Q.Bình Thạnh) kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong heo nhập về từ các tỉnh.
Thời điểm này, ngoài một số lò có heo tồn dư từ hôm trước, có lác đác xe tải của thương lái chở heo từ Đồng Nai về cơ sở giết mổ.
“Vật lộn” trong chuồng heo
“Đoàn kiểm tra đột xuất để tránh tình trạng thương lái sợ xét nghiệm không chở heo tới hoặc cố tình chuyển qua cơ sở khác giết mổ. Để tránh ảnh hưởng việc kinh doanh của thương lái, toàn bộ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm và công bố kết quả định tính đều được hoàn tất ngay trong đêm.
Đó cũng là áp lực buộc anh em phải làm việc hết sức nhanh chóng, đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối” – bà Đặng Thị Tuyết, phó đoàn thanh tra, nói.
Theo bà Tuyết, hiện tại trên toàn TP.HCM có 21 cơ sở giết mổ, trong đó ba lò có lượng heo tập trung nhiều nhất gồm Nam Phong, Bình Tân (Q.Bình Tân), An Hạ (H.Củ Chi).
Trong đó, mỗi đêm cơ sở giết mổ Nam Phong nhập vào 1.400 – 1.500 con heo, chủ yếu của thương lái từ Đồng Nai. Đây cũng là lò giết mổ trong đợt thanh tra vừa qua có ba lô heo dương tính với chất cấm.
Tại lò giết mổ Nam Phong lúc 20g ngày 18-8, lò mổ sôi động với đủ thứ âm thanh hỗn độn. Như quá quen với công việc, Phạm Vũ Hải Nguyên (20 tuổi), người trẻ tuổi nhất trong đoàn kiểm tra, xách phễu ngồi trực sau đuôi xe đón… nước tiểu.
Cứ mỗi đàn heo được lùa xuống, Nguyên xoài người hứng… nước tiểu. Lúc nào cũng thấy Nguyên cúi mặt sát sàn ximăng dơ bẩn, chúi mắt quan sát lấy mẫu.
Nguyên cùng chuyên viên Huỳnh Ngọc Thơ hết đứng lại ngồi, rồi quay sang dùng vòi nước xịt “tác động” để heo… tiểu tiện. Làm đủ kiểu mới lấy đủ bốn mẫu nước tiểu. “Lúc đầu mùi hôi không chịu nổi nhưng giờ xem như bình thường” – Nguyên tâm sự.
“Nhiều khi để có một mẫu nước tiểu mang đi xét nghiệm, nhân viên phải căng mắt canh me nhiều giờ giữa bầy heo hàng trăm con bốc mùi hôi, phải lăn lê giữa sàn ximăng dơ bẩn, chưa kể nhiều lúc còn bị heo tè vào cả quần áo” – nhân viên Nguyễn Quốc Thạnh (34 tuổi), người có thâm niên lấy mẫu nhiều năm, chia sẻ.
Quá 22g, việc lấy mẫu 14 lô heo tại lò mổ Nam Phong mới hoàn tất, các mẫu này được chuyển qua cho hai chẩn đoán viên Phạm Ngọc Thăng và Nguyễn Lê Kiều Thư trực trên xe chuyên dụng tỉ mỉ phân tích, xét nghiệm để công bố.
Né tránh lấy mẫu
Theo các cán bộ thú y, tại một số lò giết mổ, do lo sợ việc lấy mẫu xét nghiệm lòi ra chất cấm nên thương lái tìm cách né tránh lấy mẫu bằng cách chuyển heo về các tỉnh giết mổ. Kể cả phản ứng để né tránh kết quả xét nghiệm.
Đêm 20-8, chúng tôi tiếp tục theo đoàn thanh tra lấy mẫu xét nghiệm tồn dư chất cấm tại lò giết mổ Bình Tân (Q.Bình Tân) – một trong ba lò có lượng heo nhập về giết mổ lớn nhất tại TP.HCM, bình quân 400 con heo mỗi đêm.
Đây cũng là lò giết mổ trong đợt thanh tra vừa qua có lô heo 29 con ở Tiền Giang dương tính với chất cấm.
Ông Khương Trần Phúc Nguyên – trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM – cho biết:
“Quá trình lấy mẫu xét nghiệm nhiều lúc cũng xảy ra tình trạng chống đối hoặc bất hợp tác của thương lái, như đợt thanh tra vừa rồi khi chúng tôi thông báo kết quả xét nghiệm một lô heo dương tính với chất cấm thì thương lái này phản đối, cho rằng xét nghiệm sai và yêu cầu xét nghiệm lại.
Tuy nhiên, khi xét nghiệm lại kết quả vẫn cho ra dương tính, lúc này thương lái mới chịu” – ông Nguyên kể.
Tại lò giết mổ Bình Tân, khác hẳn với không khí tấp nập nhập heo ở lò Nam Phong (Bình Thạnh), tối 20-8 lò này vắng hoe, chỉ có lác đác một số xe tải nhập heo.
Một cán bộ thú y cho biết bình thường nếu các thương lái chuyển heo về đúng số lượng thì số lô lấy mẫu là khoảng 7 – 8 lô, tuy nhiên tối 20-8 số heo lấy mẫu chỉ có 5 lô.
“Do thương lái nắm được thông tin có đoàn kiểm tra lấy mẫu nên đã tìm cách né tránh. Ngoài ra, nhiều trường hợp tài xế trong khi chờ lấy mẫu xét nghiệm đã né bằng cách tắm cho heo để heo tiểu hết, dẫn đến việc lấy mẫu bị kéo dài, có trường hợp không lấy được mẫu” – cán bộ thú y này nói.
Công an Đồng Nai vào cuộc vụ chất cấm trong chăn nuôi Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, ngày 21-8 Công an Đồng Nai đã liên hệ với Chi cục Thú y TP.HCM đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến các hộ chăn nuôi, thương lái có heo dương tính với chất cấm salbutamol. Đặc biệt là lô heo xuất phát từ Công ty Anco (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) và trạm trung chuyển của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Biên Hòa, Đồng Nai). Trước đó, kết quả thanh tra của Chi cục Thú y TP.HCM tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP.HCM cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tăng báo động, đặc biệt từ Đồng Nai – nơi cung cấp lượng lớn heo cho các lò giết mổ ở TP.HCM. Cụ thể, trong tổng số 222 mẫu nước tiểu trên 51 lô heo tại 8 cơ sở giết mổ, có 31 mẫu dương tính chất cấm. Trong đó, lượng heo xuất phát từ Đồng Nai chiếm lượng tồn dư chất cấm áp đảo với 20/31 mẫu, Long An 3/31 mẫu, Tiền Giang 8/31 mẫu. |