11/01/2025

Hàng trăm triệu người tự học ngoại ngữ trên mạng

Các ứng dụng học ngoại ngữ trên điện thoại thông minh đang ngày càng trở thành công cụ quen thuộc của người trẻ trên thế giới.

 

Hàng trăm triệu người tự học ngoại ngữ trên mạng

 

Các ứng dụng học ngoại ngữ trên điện thoại thông minh đang ngày càng trở thành công cụ quen thuộc của người trẻ trên thế giới.



Các bạn trẻ nhiều quốc tịch đang cùng chia sẻ với nhau những thông tin trên máy tính - Ảnh: Flickr
Các bạn trẻ nhiều quốc tịch đang cùng chia sẻ với nhau những thông tin trên máy tính – Ảnh: Flickr

Theo Reuters, có một thực tế không thể phủ nhận, các ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động (ĐTDĐ) giúp người học được tiếp cận kiến thức miễn phí hoặc gần như miễn phí với áp lực học tập không quá căng thẳng đang giúp người học chủ động và thích thú hơn với việc tiếp cận một sinh ngữ.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng những ứng dụng học ngoại ngữ trực tuyến phổ biến nhất hiện nay như Babbel của Đức, Memrise của Anh và Duolingo của Mỹ trên thực tế đã “vượt mặt” về số người dùng so với các đàn anh kỳ cựu trong lĩnh vực dạy ngoại ngữ như Berlitz hay Rosetta Stone (bang Virginia, Mỹ)…

Ed Cooke, sáng lập viên của Tổ chức Memrise có trụ sở tại London (Anh), đơn vị cung cấp các ứng dụng học ngoại ngữ gần như miễn phí trên mạng, nói:

“Đó là vấn đề của việc tăng thêm sự thuận tiện: các ứng dụng phần mềm trên ĐTDĐ giúp người học dễ dàng có nhiều lựa chọn khác nhau và tuỳ theo thời gian, địa điểm của họ”.

Các ứng dụng trên ĐTDĐ tốt nhất đã sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói, gửi nhắc nhở qua email và có những hiểu biết chuyên sâu giúp cả người mới học lẫn người đã có trình độ tốt đều có thể học các nội dung do phần mềm cung cấp.

Trên thực tế, các ứng dụng công nghệ giá rẻ hoặc “vô giá” này đang khiến các đơn vị xuất bản, các giáo viên hoặc các tổ chức cung cấp thiết bị học tập truyền thống phải đau đầu.

Ông Sam Adkins, chuyên gia nghiên cứu của Hãng Ambient Insight, nhận xét: “Dạy ngoại ngữ tại trường đang giảm sút doanh thu chủ yếu vì việc người dùng chuyển sang sử dụng các ứng dụng công nghệ tốn ít chi phí hơn nhiều”.

Để chạy đua trong thời công nghệ di động, Rosetta Stone cũng đã mua lại LiveMocha, một trang dạy ngoại ngữ trực tuyến miễn phí, đầu tư phát triển thêm các ứng dụng chạy trên nền tảng Android và chấp nhận phân phát miễn phí một số nội dung kiến thức để lôi kéo người dùng sử dụng các khóa học dài hơn.

Giám đốc điều hành Berlitz là Rene Frey cho rằng sẽ là vô nghĩa nếu các nhà xuất bản tiếp tục đầu tư sâu thêm vào các nội dung đào tạo ngoại ngữ trong khi người dùng đang đổ xô vào các nội dung miễn phí trên mạng như Google Translate, Babbel hay Leo.

Theo hãng nghiên cứu thị trường AppAnnie, hiện Babbel đang là ứng dụng học ngoại ngữ phổ biến nhất trên các gian hàng ảo của Apple và Google tại các nước châu Âu.

Ứng dụng Babbel của Đức thu hút 10 triệu lượt người dùng và có hơn 120.000 lượt tải ứng dụng mỗi ngày. Babbel cung cấp nội dung học của 14 loại ngoại ngữ. 

Duolingo, ứng dụng học ngoại ngữ có quy mô toàn cầu về phương diện người dùng có trụ sở tại Pittsburgh (Mỹ), đã thu hút hơn 83 triệu USD tiền tài trợ từ các nhà đầu tư lớn tại thung lũng Silicon và nhà đầu tư Ashton Kutcher kể từ khi sáng lập năm 2011.

Duolingo đã có hơn 100 triệu người dùng.

D.KIM THOA