28/11/2024

Canh bạc tự huỷ diệt của Trung Quốc

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài phân tích của học giả Masahiro Matsumura về sự nguy hiểm từ chiến lược biển của Trung Quốc đối với khu vực và chính nước này.

 

Canh bạc tự huỷ diệt của Trung Quốc

 

 

Thanh Niên độc quyền giới thiệu bài phân tích của học giả Masahiro Matsumura về sự nguy hiểm từ chiến lược biển củaTrung Quốc đối với khu vực và chính nước này.



Đại công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải

Đại công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gạc Ma thuộc Trường Sa – Ảnh: Mai Thanh Hải

Một lần nữa, những tuyên bố chủ quyền và hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông phủ bóng lên các hội nghị khu vực.
Lần này là tại đợt hội nghị ASEAN mở rộng ở Malaysia hồi đầu tháng. Và một lần nữa, Trung Quốc khước từ tất cả nỗ lực tiến tới một thỏa thuận đa phương nhằm kết thúc bế tắc kéo dài và ngày càng nghiêm trọng. Trớ trêu là lập trường này lại đe đoạ lợi ích của Trung Quốc nhiều nhất so với những bên khác.
Hại người, hại cả mình
Rõ ràng Trung Quốc không nhận ra nguy cơ đối với mình và đang ra sức tăng cường các hành động để đạt tới bá quyền chiến lược ở Biển Đông. Với mưu đồ tạo ra sự đã rồi, nước này tiến hành nạo vét, bồi đắp đối với nhiều bãi đá ngầm và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Tàu quân sự và bán quân sự cùng máy bay được triển khai tới khu vực, đe doạ tự do lưu thông trên biển, điều Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kiên quyết phản đối ở Kuala Lumpur. Tuy nhiên, Trung Quốc, nước đang chơi canh bạc liều lĩnh về an ninh đối với các tuyến hàng hải ở Biển Đông, lại phụ thuộc vào chúng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
 
 
Canh bạc tự hủy diệt của Trung Quốc - ảnh 2

Ông Masahiro Matsumura (ảnh) hiện là giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Momoyama Gakuin (hay còn được gọi là Đại học Thánh Andrew) nổi tiếng ở Osaka, Nhật Bản. Là một trong những chuyên gia hàng đầu khu vực về liên minh Mỹ – Nhật, an ninh và chính sách công nghiệp quốc phòng, ông đang giữ vị trí nghiên cứu cấp cao của Học viện Hòa bình và an ninh ở Tokyo. Giáo sư Matsumura cũng đã xuất bản nhiều sách nghiên cứu như Will Japan Rise Again?(tạm dịch: Nhật Bản sẽ trỗi dậy lần nữa?) và US-Japan Alliance and Military Technology (tạm dịch: Liên minh Mỹ – Nhật và công nghệ quân sự).

 

 

Tất nhiên, Mỹ, Nhật Bản cũng như các nước Đông Á và Tây Thái Bình Dương khác có lợi ích chiến lược to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do lưu thông trên tuyến đường biển ở khu vực.

Một Biển Đông nổi sóng gió sẽ thách thức con đường vận chuyển hiệu quả về chi phí đối với mặt hàng và nguyên liệu tối cần thiết cho các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như phá vỡ dòng chảy dầu mỏ và khí đốt từ vịnh Ba Tư đến các thị trường châu Á. Dù vậy, các quốc gia khác, ngoại trừ Trung Quốc, vẫn còn có một lựa chọn khác dù bất đắc dĩ là sử dụng những tuyến đường xung quanh sườn phía nam Indonesia. Cụ thể là eo biển Lombok, eo biển Ombai, eo biển Makassar và biển Philippines.
Trong khi đó, Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc Biển Đông vì mô hình phát triển kinh tế của nước này dựa vào các ngành công nghiệp sản xuất hướng đến xuất khẩu chủ yếu hoạt động ở miền nam, cũng như các hải cảng đặt tại Hồng Kông, Thâm Quyến và Quảng Châu. Với hơn 40% GDP đến từ xuất khẩu, sự hỗn loạn ở Biển Đông sẽ bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc.
Chặn cửa để răn đe
Đến nay, sự phản đối của Mỹ đối với các hành động của Trung Quốc không chỉ dừng ở lời nói. Trong các ngày 20 và 22.8, các quan chức Lầu Năm Góc liên tục một lần nữa làm rõ ý định tăng cường hiện diện ở Biển Đông, tiếp tục tuần tra hải quân lẫn không quân trong vùng biển và không phận do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Mỹ cũng đang thảo luận về hợp tác quân sự 3 bên với Nhật và Úc, tập trung vào các nguy cơ trên biển. Ngoài ra, dù không công khai nhưng hầu hết các đồng minh của Philippines đều ngầm ủng hộ vụ kiện của nước này lên toà án quốc tế nhằm vào các tuyên bố chủ quyền phi pháp, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển do Trung Quốc áp đặt ở Biển Đông.
Từ các phân tích ở trên, có thể thấy Mỹ và Nhật Bản đang nắm trong tay cơ hội quan trọng để ngăn chặn tình trạng bất tuân luật pháp ở Biển Đông. Họ có thể phô diễn sức mạnh hải quân áp đảo và qua đó cho thấy khả năng “đóng cửa” các tuyến đường biển quan trọng trước Trung Quốc. Trong các hoạt động hợp tác cứu trợ thiên tai, chống khủng bố hoặc đối phó các nguy cơ an ninh phi truyền thống, Mỹ và Nhật có thể triển khai đều đặn các đội tàu nhỏ và thỉnh thoảng điều tàu cỡ lớn như hàng không mẫu hạm và tàu tấn công đổ bộ đến khu vực. Chiến thuật này sẽ càng được nâng cao bằng việc huy động thêm tàu ngầm và máy bay tuần tra chống ngầm, lĩnh vực mà Mỹ và Nhật đi trước Trung Quốc tới mấy thập niên.
Tất nhiên, không ai muốn có xung đột, nhưng có một số việc phải làm để khiến Trung Quốc nhận ra thực tế rằng với những hành động gây bất ổn ở Biển Đông, nước này đang gây tổn hại cho chính mình hơn bất kỳ nước nào khác. Vì Mỹ và Nhật Bản không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và cũng không có ý đồ gì với nguồn tài nguyên ở đây – bao gồm dầu mỏ, khí đốt và thuỷ sản – nên họ là những ứng viên lý tưởng đưa ra thông điệp này để rồi phối hợp với các bên khác thuyết phục Trung Quốc đi vào đàm phán một thoả thuận an ninh đa phương.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và các láng giềng đang leo thang, có nguy cơ gây tổn hại an ninh của những tuyến đường biển mà nước này đang phụ thuộc, không còn thời gian để chần chừ nữa. Vì lợi ích của chính mình, Trung Quốc phải làm việc với các bên để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Nhật cần cân nhắc giám sát ở Biển Đông
Đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đưa ra trong cuộc họp về an ninh mới đây tại Thượng viện nước này.
Hãng tin Jiji Press dẫn lời ông Nakatani nói vấn đề phối hợp giám sát giữa Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông cần được xem xét theo luật an ninh mới của Tokyo. Trước đó, truyền thông Nhật dẫn tài liệu lưu hành nội bộ của Bộ Quốc phòng Nhật tiết lộ khả năng nước này tiến hành hoạt động giám sát ở Biển Đông.
Các tài liệu nhấn mạnh rằng hoạt động giám sát chung ở Biển Đông là mô hình hợp tác thời bình giữa Lực lượng phòng vệ Nhật và quân đội Mỹ theo luật an ninh mới cũng như hướng dẫn hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được sửa đổi hồi tháng 4.2015.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo mới nhận định hành động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thay đổi hiện trạng.
Theo báo cáo, dù không phải là nước đầu tiên hay duy nhất tiến hành xây dựng tại khu vực Trường Sa nhưng Trung Quốc liên tục mở rộng với quy mô hoàn toàn lấn át các bên khác. “Chỉ trong vòng 20 tháng, quy mô cải tạo của Trung Quốc đã gấp 17 lần so với tất cả những gì các bên khác đã làm trong 40 năm qua”, AFP dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc viết.
Nước này đã xây dựng các công trình có thể quân sự hoá như cầu cảng, đường băng trên đảo nhân tạo nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông. Tất cả nằm trong một chiến lược biển tổng thể nhằm kiểm soát vùng biển này và biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.

 Masahiro Matsumura
(Giáo sư chính trị quốc tế Nhật Bản)
(Văn Khoa lược dịch)
© Project Syndicate