11/01/2025

Cơn địa chấn giá dầu lao dốc

Trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới, những ngày qua giá dầu tụt dốc, lao thẳng về ngưỡng 40 USD/thùng – mức thấp nhất trong nhiều năm qua…

 

Cơn địa chấn giá dầu lao dốc

 

Trong sự ngỡ ngàng của cả thế giới, những ngày qua giá dầu tụt dốc, lao thẳng về ngưỡng 40 USD/thùng – mức thấp nhất trong nhiều năm qua…



Nguồn: Cơ quan Năng lượng quốc tế - IEA, Bộ Công thương, Petrolimex - Dữ liệu: H.Q. - Đồ họa: Việt Anh
Nguồn: Cơ quan Năng lượng quốc tế – IEA, Bộ Công thương, Petrolimex – Dữ liệu: H.Q. – Đồ hoạ: Việt Anh

Cơn “địa chấn” này nằm ngoài kịch bản dự báo của nhiều chuyên gia.

Trước diễn biến bất ngờ này, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng “cơn địa chấn” mang tên 40 USD/thùng có thể tác động lớn tới nhiều nước, nhất là những nước dựa nhiều vào xuất khẩu dầu thô.

Mỗi ngày thừa 1 triệu thùng dầu

Nguyên nhân của tình trạng này được giới chuyên gia quốc tế đánh giá chung là do cung vượt cầu. Về cầu, kinh tế thế giới đang chững lại, nhất là trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc – nước đầu tàu tiêu thụ dầu cho sản xuất – đang giảm tốc.

Trong khi đó về phía cung, các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vẫn không chịu cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu như đã từng làm trong quá khứ. Thay vào đó, một số nước còn gia tăng sản lượng để bù đắp nguồn thu trong ngắn hạn.

Theo Hãng tin Reuters, riêng nước đầu tàu OPEC là Saudi Arabia đang xuất khẩu khoảng 7,36 triệu thùng dầu/ngày, tăng so với mức 6,93 triệu thùng/ngày hồi tháng 5-2015. Bên cạnh đó, quá trình đầu tư ồ ạt vào ngành năng lượng của Mỹ cách đây một thập kỷ nay bắt đầu cho ra kết quả, với hàng loạt giàn khoan mới đi vào hoạt động.

Sản lượng dầu của Mỹ tăng gần gấp đôi trong vòng sáu năm qua. Saudi Arabia, Nigeria và Algeria tranh nhau chiết khấu nhiều hơn để giành thị phần ở châu Á, trong khi Canada và Iraq cứ đều đặn gia tăng xuất khẩu dầu qua từng năm. Nga thì vẫn miệt mài bơm dầu lên để bán dù giá rẻ, để giải quyết khó khăn kinh tế đang diễn ra trong nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Marc Djandji – Công ty chứng khoán VPBank – cho rằng ba nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay là OPEC không chịu giảm sản lượng để cứu giá, công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang ngày càng tiến bộ, thoả thuận hạt nhân giữa Iran với phương Tây đang tiến triển. “Về ngắn hạn và trung hạn là vậy.

Còn về dài hạn, việc thế giới hướng tới năng lượng sạch thay cho dầu mỏ cũng như các phương tiện, xe cộ đều cải tiến để ít tiêu hao năng lượng, trong khi kinh tế toàn cầu chưa cho thấy triển vọng tăng trưởng đủ mạnh để tăng đột biến sức cầu, có thể nói dầu khó mơ trở lại ngưỡng giá 100 USD/thùng như trước đây” – ông Marc dự báo.

Theo The New York Times, giá dầu không thể hồi phục trở lại một cách nhanh chóng được do sản lượng khai thác vẫn ổn định trong xu thế tăng. Nhu cầu có thể hồi phục song cầu thường phải mất hàng tháng chứ không thể nhanh chóng. “Có thể do giá xuống, khai thác dầu đá phiến tại Mỹ buộc phải suy giảm đúng như mong muốn của Saudi Arabia, song dầu muốn tăng giá mạnh trở lại chắc phải mất vài năm”, báo cáo phân tích của Capital Economics (Anh) nhận định.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo cung dầu sẽ tiếp tục vượt cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong một năm tới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đang giảm tốc.

Chưa thấy đáy?

Với việc giá dầu đã chạm ngưỡng 40 USD/thùng, David Kotok – nhà sáng lập quỹ Cumberland Advisors tại Mỹ chuyên đầu tư vào các loại tài sản trong đó có dầu – vẫn nhận định không có gì để chắc chắn giá dầu đã chạm đáy. Ông cho rằng dầu hoàn toàn có thể xuống tới 15 hay 20 USD/thùng dù đây là mức giá gần như không tưởng. Lần gần nhất giá dầu nằm ở ngưỡng 15 USD/thùng là vào đầu năm 1999.

Theo ông, vấn đề lớn lúc này là thế giới vẫn đang trong tình trạng dư cung dầu và bản chất của vấn đề này nằm ở ý đồ của gia tộc Saudi đang trị vì Saudi Arabia. Ông Kotok tin rằng về tương lai, nguồn cung có thể gia tăng khi Iran và phương Tây đàm phán được với nhau về vấn đề hạt nhân, vốn đang có những tiến triển tốt. Khi đó, chắc chắn nước này sẽ phải tăng khai thác để bù lại những tháng năm cấm vận.

“Nhưng Saudi Arabia và Iran là kình địch của nhau nên nhiều khả năng vương quốc này một lần nữa dùng dầu làm vũ khí để làm khô kiệt tài chính của  Iran. Vũ khí chủ chốt của gia tộc nhà Saudi là giá dầu thấp với khối lượng lớn tối đa. Cần nhớ, họ có đủ dự trữ tài chính để thi gan với bất cứ địch thủ nào trong nhiều năm.

Với giá dầu thấp, nhà Saudi có thể yên tâm là địch thủ của mình khắp vùng Trung Đông đều kiệt sức. Họ đang dùng dầu tấn công các đối thủ. Nên nếu bạn đưa ra các lập luận sắc sảo để chứng minh giá dầu không thể nào giảm nhiều hơn nữa, nghĩa là bạn đang thách đố với gia tộc nhà Saudi lắm tiền nhiều của” – Kotok, một lão làng 72 tuổi từng lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực quản lý tài sản trong đó có dầu mỏ, người được giới đầu tư dầu xin ý kiến – lý giải bản chất của đợt giảm giá này.

Nếu trụ được sau cuộc chiến giảm giá dài hơi, ngoài việc làm khánh kiệt đối thủ, Saudi Arabia còn được đền bù lớn về kinh tế. “Giá dầu càng giảm, thị phần của Saudi Arabia càng phình to và hiện giờ đã là hơn 32% toàn khối OPEC. Sau này giá tăng, vương quốc này sẽ hưởng lợi lớn nhờ vị thế mạnh hơn sau cuộc chiến” – Ed Hirs, chuyên gia của Tập đoàn xăng dầu Hillhouse Resources (Mỹ), nhận định.

PVN cho biết đang có nhiều giải pháp được đưa ra để ứng phó với giá dầu giảm, trong đó có giảm sản lượng khai thác, tối ưu hóa chương trình khai thác... - Ảnh: P.Long
PVN cho biết đang có nhiều giải pháp được đưa ra để ứng phó với giá dầu giảm, trong đó có giảm sản lượng khai thác, tối ưu hoá chương trình khai thác… – Ảnh: P.Long

Tác động mạnh đến kinh tế VN

Theo chuyên gia Marc Djandji, giá dầu hạ kéo giá xăng dầu trong nước giảm, nhiều nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới như than, rồi gas giảm giá là yếu tố có lợi cho sản xuất kinh doanh trong nước. Sức mua do vậy cũng sẽ tăng lên trong khi chi phí đầu vào của doanh nghiệp ổn định ở mức thấp.

Có điều mức giảm của giá xăng dầu trong nước chưa tương xứng so với mức biến động của xăng dầu thế giới trong cùng thời gian từ đầu năm tới nay. Cụ thể, tính từ đợt điều chỉnh đầu tiên trong năm vào ngày 6-1 (thời điểm giá dầu ở mức 47 USD/thùng) đến nay, giá bán lẻ xăng A92 tính ra vẫn tăng khoảng 19%.

Đáng chú ý trong giai đoạn này, công thức tính giá cơ sở có sự thay đổi với việc giảm thuế nhập khẩu từ 35% xuống còn 20% đi đôi với việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít xăng từ ngày 1-5. Điều này cho thấy người tiêu dùng trong nước vẫn chưa được hưởng lợi đúng theo mức độ biến động của giá xăng dầu quốc tế.

Theo chuyên gia Marc Djandji, giá dầu hạ tác động tích cực tới lạm phát của VN trong giai đoạn mà mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang được Chính phủ VN đặt lên hàng đầu như hiện nay. “Điều này giúp VN ổn định được kinh tế vĩ mô, trong đó việc giữ lạm phát ở mức thấp trở nên dễ dàng hơn, lạm phát năm nay gần như chắc chắn nằm trong tầm kiểm soát của VN”, chuyên gia này nhận định.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số lạm phát (CPI) bình quân bảy tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,86%. Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), đánh giá mức tăng CPI duy trì ở mức tương đối thấp như vừa qua là tốt cho nền kinh tế, đặc biệt dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô.

Khi lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, Ngân hàng Nhà nước có cơ hội tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và các ngân hàng thương mại có thể duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp, giúp các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Ông Lý Minh Luân – Công ty vận tải Minh Luân, TP.HCM – cho biết giá xăng giảm đi đôi với các đầu vào có giá ổn định ở mức thấp đang giúp đơn vị này ổn định kinh doanh và đảm bảo thực hiện kế hoạch tốt hơn, thay vì bị vỡ kế hoạch liên tục như cùng kỳ năm ngoái. “Thêm vào đó, lãi suất cũng được để ở mức thấp và có khả năng chưa tăng trong thời gian tới giúp chúng tôi tự tin vay tiền đầu tư xe mới”, ông Luân chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Marc cho rằng giá dầu thô giảm mạnh đã và đang tác động khá nghiêm trọng tới ngân sách quốc gia của VN.

“Ước tính sơ bộ dầu giảm 1 USD, ngân sách VN mất khoảng 46,1 triệu USD. Với việc dầu đã giảm khoảng 20 USD/thùng kể từ đầu năm, có thể thấy ngân sách bị thâm hụt đến mức nào. Nên nhớ, ngân sách VN dựa rất nhiều vào xuất khẩu và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên”, ông Marc nói và cho rằng theo kinh nghiệm của các nước, trong bối cảnh đó VN phải dần dần chuyển dịch cơ cấu ngân sách, chú trọng vào nguồn thu từ lĩnh vực sản xuất và thương mại trong nước.

Các nước ứng phó thế nào?

Saudi Arabia: Vẫn kiên quyết không nhượng bộ để cứu giá dầu. Bộ trưởng dầu mỏ Ali Al-Naimi tuyên bố: “Dầu có xuống 20 USD/thùng chúng tôi cũng không thay đổi chính sách. Tôi có cảm thấy căng thẳng không ư? Không, tôi vẫn rất vui vẻ, hạnh phúc”.

Nga: Lún sâu hơn vào khủng hoảng, vốn đã trầm trọng từ cuộc khủng hoảng giá dầu cuối năm ngoái. GDP quý 2-2015 giảm tới 4,6% sau khi đã giảm 2,2% hồi quý 1. Đây là mức giảm tồi tệ nhất của kinh tế Nga kể từ năm 2009. Theo tờ Le Nouvel Observateur (Pháp), nước Nga đang đối mặt với mối đe doạ về một vụ vỡ nợ thảm khốc. Theo số liệu của Đại học kinh tế Plekhanov, 20/85 tỉnh trên toàn liên bang hiện đang ở tình trạng vỡ nợ.

Iran: Sau những tiến triển trong đàm phán với phương Tây, Iran đang trông chờ ngày được gia tăng sản lượng nhờ bán thêm cho các nước xưa nay cấm vận mình. Song hi vọng này đang trở thành thất vọng, khi giá dầu rơi quá xa ngưỡng mà họ có thể cân bằng ngân sách là 130 USD/thùng.

Mỹ: CNN nhận định nếu giá dầu xuống tiếp sau khi chạm ngưỡng 40 USD/thùng, nước Mỹ sẽ bắt đầu chứng kiến cảnh các giếng dầu đóng cửa dần và khai thác dầu đá phiến phải tạm ngưng vì không thể tiếp tục trụ lại với cảnh giá bán thấp hơn giá thành.

Khai thác gặp khó, nhập khẩu lãi lớn

Trả lời Tuổi Trẻ về việc liệu Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có giảm khai thác khi giá dầu giảm xuống mức dưới 40 USD/thùng hay không, một lãnh đạo PVN cho biết theo quyết định của Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2015, PVN được giao khai thác 16,8 triệu tấn dầu thô.

Trong sáu tháng đầu năm 2015, PVN đã khai thác được 9,2 triệu tấn, vượt trên 10% kế hoạch và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Việc có giảm sản lượng khai thác không, theo quan chức trên, sẽ phải cân nhắc kỹ nhiều yếu tố, căn cứ tình hình thực tiễn…

Theo báo cáo sơ kết tình hình sản xuất kinh doanh sáu tháng đầu năm của PVN, giá dầu trên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến nguồn lực, giảm nguồn thu cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hàng loạt tổng công ty chủ chốt của tập đoàn này đã bị giảm lợi nhuận rất mạnh. Cụ thể, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí có lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm tới 69% so với cùng kỳ năm 2014. Tương tự, liên doanh Vietsovpetro giảm 36%, PV Gas giảm 22%…

PVN cho biết doanh thu, lợi nhuận và khoản nộp ngân sách của tập đoàn này đều thấp hơn kế hoạch. Cụ thể, doanh thu của PVN giảm tới 22%, nộp ngân sách nhà nước giảm 26% so với cùng kỳ năm 2014… Thực tế, sáu tháng qua toàn thể tập đoàn dầu khí chỉ nộp ngân sách được 63.600 tỉ đồng.

Theo báo cáo của PVN, nhiều giải pháp đã được các tổng công ty của PVN đưa ra để ứng phó với giá dầu giảm. Cụ thể, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí đã giảm sản lượng khai thác mỏ ở Peru từ 6.000 thùng/ngày xuống còn 1.000 thùng/ngày.

Tổng công ty Khí (PVGAS) thì rà soát, ưu tiên huy động khí từ các mỏ có chi phí thấp nhằm giảm lỗ… PVN cho biết đã phải làm việc với các đối tác để tối ưu hóa chương trình khai thác. Kết quả, sau khi tiết giảm chi phí, hầu hết các mỏ PVN đang khai thác đều có chi phí dưới 50 USD/thùng, trung bình chỉ ở mức khoảng 27 USD/thùng.

Trong khi đó, đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu là Petrolimex vừa công bố lợi nhuận sau thuế quý 2-2015 lên tới 1.125 tỉ đồng (gấp gần ba lần lợi nhuận của quý 2 năm trước). Tính chung sáu tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 1.586 tỉ đồng, gấp đôi mức lợi nhuận sáu tháng đầu năm 2014.

Đáng chú ý, lợi nhuận lại tăng đột biến dù tổng doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ của toàn tập đoàn này sáu tháng đầu năm 2015 chỉ đạt khoảng 86.000 tỉ đồng, giảm so với mức sáu tháng đầu năm 2014 là 109.000 tỉ đồng.

C.V.KÌNH

HỒNG QUÝ