11/01/2025

​Phải bỏ tư duy kiểm soát doanh nghiệp

Chính sách vẫn còn có những vấn đề khi người làm chính sách có tư duy là phải quản lý hơn là đồng hành cùng doanh nghiệp…

 

​Phải bỏ tư duy kiểm soát doanh nghiệp

 

Chính sách vẫn còn có những vấn đề khi người làm chính sách có tư duy là phải quản lý hơn là đồng hành cùng doanh nghiệp…



Bà Nguyễn Minh Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Nguyễn Minh Thảo – Ảnh: Nguyễn Khánh

Những khó khăn của doanh nghiệp về thủ tục hải quan và thuế lại là vấn đề nóng sau buổi làm việc của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hải Phòng ngày 20-8. Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khẳng định dù các bộ ngành nói có cải cách nhưng “cái khó vẫn luôn bủa vây doanh nghiệp”.

Chính sách vẫn còn có những vấn đề khi người làm chính sách có tư duy là phải quản lý hơn là đồng hành cùng doanh nghiệp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Minh Thảo – phó ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - phân tích:

– Nếu theo báo cáo của các bộ thì tuyệt vời lắm! Chẳng hạn ngành thuế năm 2014 giảm 370 giờ, còn năm nay giảm 50 giờ, tức là đến nay giảm 420 giờ cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Thế nhưng, khi nghe doanh nghiệp chia sẻ thì cải cách thủ tục hành chính còn rất hạn chế, lĩnh vực thuế, mức độ thuận lợi và việc giảm giờ chỉ khoảng 10-20% so với hai năm trước đây. Vì những vướng mắc, phiền hà khi thực hiện thủ tục hành chính thuế vẫn còn đấy. 

Tôi cho rằng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu khi người làm chính sách có tư duy là phải quản lý hơn là đồng hành cùng doanh nghiệp. Tôi cảm tưởng một bộ phận người làm chính sách thường đặt ra các tình huống và họ cho rằng cần phải có những chính sách để bao được các tình huống đó. Do đó cần phải thay đổi tư duy này, nếu không, những vướng mắc do chính sách gây ra cho doanh nghiệp sẽ không bao giờ giảm.

* Bà có thể dẫn chứng bằng một trường hợp cụ thể của doanh nghiệp?

– Như câu chuyện của doanh nghiệp GE Power & Water ở Hải Phòng mà báo Tuổi Trẻ vừa nêu. Doanh nghiệp muốn thuê gia công trong nước mà không được do quy định rất vô lý ở thông tư 38 của Bộ Tài chính.

Hải quan luôn luôn nói tôi thiếu nhân lực, nguồn lực, vậy tại sao lại ôm cả việc là đi kiểm tra nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất của đơn vị nhận gia công cho doanh nghiệp chế xuất. Cơ quan hải quan làm sao có thể có chuyên môn để kiểm tra máy móc của nhà máy sản xuất bulông, ốc vít… được.

Tôi cho rằng nếu hải quan có kiểm tra thì chỉ kiểm tra về mặt hồ sơ, giấy tờ vì không đủ năng lực để kiểm tra kỹ thuật, chuyên môn của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp đặt hàng thì phải kiểm tra giám sát năng lực của đối tác chứ tại sao cơ quan quản lý lại nhảy vào lo thay cho họ.

Thực tế chúng ta đưa ra công luận là phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hỗ trợ. Quy định tại thông tư 38 nêu ở trên nói thẳng là không muốn lựa chọn doanh nghiệp trong nước nữa. 

* Vướng mắc lớn nhất trong thủ tục hiện nay là gì, thưa bà?

– Vướng nhất hiện nay là chính sách kiểm tra chuyên ngành của các bộ Y tế, Giao thông vận tải, NN&PTNT. Ví dụ như chính sách của Bộ NN&PTNT quản lý mặt hàng sữa nhập khẩu. Một doanh nghiệp lớn ở TP.HCM kể với chúng tôi rằng họ nhập sữa nguyên liệu đã 20 năm nay.

Suốt thời gian đó, họ chưa từng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng bất cứ lô hàng nào họ cũng phải làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành mặc dù họ được ưu tiên, khi thông quan luôn thuộc diện được miễn kiểm tra.

Thế nhưng, họ phải mất trung bình 15-20 ngày để làm thủ tục nhập khẩu một lô hàng do phải xin các giấy tờ liên quan đến kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT quản lý. Doanh nghiệp lớn, 20 năm kinh nghiệm mà còn phải thế, vậy những doanh nghiệp bình thường khác thì thời gian làm thủ tục nhập khẩu một lô hàng chắc chắn sẽ lâu hơn. 

Mỗi một lần làm hồ sơ kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp nói hồ sơ nào cũng giống như hồ sơ nào, chỉ khác hợp đồng nhập hàng thôi. Có cần như vậy không?

Ông ĐẶNG VĂN HIẾU (đại diện Công ty ALC):

Càng nhiều văn bản, doanh nghiệp càng “chết”

Trong các buổi tập huấn, doanh nghiệp gặp gỡ những người soạn thảo văn bản, thông tư, họ nói tinh thần văn bản đưa ra để gỡ rối cho doanh nghiệp nhưng càng nhiều văn bản ban hành, doanh nghiệp càng “chết”.

Bản thân người soạn văn bản chưa lường hết những lắt léo câu chữ nên khi vào thực tế, người áp dụng lại cố tình hiểu thế nào thì cũng chịu. 

Tháng 4-2015, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan ban hành thông tư 38, trong đó cho phép doanh nghiệp trong quá trình chờ đợi hàng kiểm tra chuyên ngành có thể đưa hàng về kho để tiết kiệm chi phí lưu công bãi, nhưng văn bản có thêm câu “tùy chi cục trưởng nơi mở tờ khai xem xét”, thế là mọi thứ tiếp tục rối như ban đầu. Điều này chẳng khác gì mở ra cơ chế “xin – cho”.

N.Bình ghi

 

LÊ THANH