28/11/2024

Phó thủ tướng “vi hành”: Càng nghe càng thấy rầu

Các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thốt lên: “Nếu không trực tiếp nghe, tôi không tưởng tượng có những chuyện như vậy”.

 

Phó thủ tướng “vi hành”: Càng nghe càng thấy rầu

 

Các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thốt lên: “Nếu không trực tiếp nghe, tôi không tưởng tượng có những chuyện như vậy”.



Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty GE Power & Water khi đi “vi hành” tại Hải Phòng - Ảnh: LÊ THANH
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty GE Power & Water khi đi “vi hành” tại Hải Phòng – Ảnh: LÊ THANH

Sau khi đích thân “vi hành”, ngồi lẫn cùng một số phóng viên để nghe các doanh nghiệp trình bày những vướng mắc về thủ tục hải quan và thuế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thốt lên: “Nếu không trực tiếp nghe, tôi không tưởng tượng có những chuyện như vậy”.

Đó là tâm sự của Phó thủ tướng tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng, sau khi “cải trang” để tham dự buổi làm việc của đoàn công tác do ông Nguyễn Đình Cung – viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – dẫn đầu với một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng về một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào ngày 20-8.

“Doanh nghiệp nói nghe chua xót lắm. Càng nghe càng thấy rầu ruột… Nếu không nghe trực tiếp, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến thực tế lại có những chuyện như thế

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Đòi giấy tờ mà nước ngoài không có

Tại buổi làm việc với Công ty GE Power & Water – doanh nghiệp chế xuất ở Hải Phòng, ông Cung đặt câu hỏi: “Bộ Tài chính cho biết đã giảm được 420 giờ nộp thuế cho doanh nghiệp, nhưng thật sự đã tác động đến doanh nghiệp như thế nào? Đồng thời đề nghị doanh nghiệp nói thẳng, nói thật những vướng mắc để về báo cáo trình Chính phủ vào tháng 9”.

Bà Vũ Thu Trang, tổng giám đốc Công ty GE Power & Water, cho biết việc khai thuế điện tử đã thuận tiện hơn trước rất nhiều, nhưng doanh nghiệp vẫn mất rất nhiều thời gian và bị gây phiền hà khi bị mất hoá đơn mua hàng. Cụ thể khi mất hoá đơn, doanh nghiệp phải làm báo cáo nộp qua mạng, sau đó in bản đó ra và đính kèm biên bản mất hoá đơn để nộp cơ quan thuế.

Khoảng ba ngày sau, doanh nghiệp nhận được thông báo lên ký biên bản phạt, rồi về lấy chữ ký và mang lên nộp. Nhưng đến hôm sau lại nhận được quyết định bị phạt vì để mất hóa đơn. Để giải quyết việc này, doanh nghiệp phải đi mất ba lần và mất 5-7 ngày, việc đi lại rất vất vả và tốn thời gian do doanh nghiệp ở xa cục thuế.

Cũng theo bà Trang, khi đã mua hàng ở nước ngoài, hóa đơn gốc hay bản sao cũng không có ý nghĩa gì bởi các nhà cung cấp ở nước ngoài, nhất là Mỹ, đều không có hoá đơn. “Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói thẳng nếu còn đòi hoá đơn sẽ không làm việc với doanh nghiệp nữa” – bà Trang cho biết. Trong khi đó, hiện mỗi năm doanh nghiệp có 9.000-10.000 hóa đơn từ nước ngoài gửi về, riêng phí chuyển phát nhanh số hoá đơn này lên tới 3-4 tỉ đồng.

“Vì là doanh nghiệp chế xuất nên chúng tôi không hoàn thuế. Tuy nhiên nếu không có hóa đơn, doanh nghiệp sẽ không được tính vào các chi phí hợp lý hợp lệ trong khi G&E có 800 nhà cung cấp, trong đó khoảng 600 là nhà cung cấp nước ngoài” – bà Nguyễn Hoàng Giang, kế toán trưởng của GE Power & Water, cho hay.

Ông Cung cho rằng hoá đơn là tài sản của doanh nghiệp, dù mất hoá đơn là lỗi doanh nghiệp nhưng tại sao cơ quan thuế lại phạt doanh nghiệp? Theo bà Nguyễn Thị Cúc – chuyên gia tư vấn về thuế, các nước họ không cần hoá đơn mà chỉ cần có hàng nhập khẩu và phiếu thanh toán. “Nhưng mình quá tôn sùng hoá đơn, dù có hàng nhập khẩu thật, có phiếu thanh toán tiền mua hàng thật nhưng không có hoá đơn cũng không được chấp nhận, không có hoá đơn thì không được tính chi phí hợp lý. Đây là bất cập” – bà Cúc nói.

Phải thuê gia công nước ngoài vì chính sách

Liên quan thủ tục hải quan, bà Lưu Thị Thái, cán bộ xuất nhập khẩu GE Power & Water, cho biết theo thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp chế xuất thuê gia công của doanh nghiệp nội địa, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra cơ sở nhận gia công đó, máy móc nhập khi nào, nhập ở đâu, có giấy phép thuê mặt bằng…

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước lâu rồi nên không giữ những giấy tờ mà hải quan yêu cầu. Do đó sau nhiều tháng đàm phán với doanh nghiệp đối tác của GE Power & Water, cuối cùng thương vụ bị đổ bể bởi quy định này.

“Khi thuê gia công, chúng tôi chỉ quan tâm doanh nghiệp nhận gia công có giấy phép sản xuất và năng lực sản xuất sản phẩm mà chúng tôi đặt hàng. Vậy tại sao hải quan lại yêu cầu doanh nghiệp nhận chế xuất phải cung cấp những giấy tờ đó? Thực tế hải quan chủ yếu xem xét đánh giá trên giấy tờ, nên mục tiêu nội địa hoá càng nhiều càng tốt đã không thực hiện được, buộc doanh nghiệp phải đi thuê gia công ở nước ngoài” – đại diện GE Power & Water chia sẻ.

Ngoài ra, khi hàng xuất khẩu là máy bị hỏng con ốc nhưng doanh nghiệp không thể xuất con ốc cho khách hàng thay thế. GE Power & Water bán sang Mỹ khoảng 6.000 máy phát. Trường hợp có sản phẩm bị hỏng, không làm cách nào để sửa, bảo hành cho khách hàng. “Lẽ ra, việc cung cấp con ốc này nên được xem là dịch vụ bảo hành, hậu mãi chứ không thể xem là bán hàng được” – đại diện công ty nói. Nghe doanh nghiệp phản ảnh về việc này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia tư vấn, phải thốt lên: “Đến bây giờ mà hải quan không hiểu chuỗi giá trị các nước, làm sao VN hội nhập được đây?”.

Cũng theo bà Trang, việc thanh lý thiết bị, dụng cụ, phụ tùng hỏng đang làm khó doanh nghiệp bởi phải xin phép cục hải quan, ban quản lý khu công nghiệp và cơ quan môi trường, chưa kể phải khai báo mua ở hợp đồng nào, thời gian nào, tờ khai nào… “Doanh nghiệp có kho lưu trữ những cờ lê, máy mài… cần phải hủy. Vì mỗi ngày có vài chục thùng cờ lê hỏng nhưng không thể tra cứu được cái cờ lê này mua ở đâu, tờ khai nào, mua bao giờ vì nó đã được nhập về cách đây vài năm rồi” – 
bà Trang cho biết.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Lê Ngọc Hà – giám đốc Công ty TNHH Việt Trung, doanh nghiệp tư nhân chuyên xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc – bức xúc cho biết theo yêu cầu của Bộ Tài chính, hối phiếu phía Trung Quốc phải ghi số chứng minh nhân dân, địa chỉ, tên của chủ hàng bên Trung Quốc và VN dù tiền chuyển qua ngân hàng. “Bạn hàng phản ứng vì cho rằng yêu cầu không theo thông lệ quốc tế. Nhưng chúng tôi không biết nói sao với họ, chỉ giải thích đây là quy định của VN” – ông Hà bức xúc.

“Càng nghe càng thấy rầu ruột”

Ngay sau khi buổi làm việc với GE Power & Water kết thúc, doanh nghiệp đã thật sự bất ngờ khi ông Cung giới thiệu sự có mặt của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Chia sẻ với doanh nghiệp, Phó thủ tướng trầm ngâm nói đây là buổi làm việc hết sức ý nghĩa đối với ông. “Tôi thật sự rất ngạc nhiên về việc cơ quan hải quan lại xông vào quan hệ làm ăn của doanh nghiệp. Tôi sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng sửa ngay. Điểm nào không sửa, cơ quan quản lý phải giải trình” – Phó thủ tướng khẳng định.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng sau khi nghe ý kiến của hai doanh nghiệp trên địa bàn, Phó thủ tướng đặt câu hỏi dụng cụ vật tư, mỏ lết, kìm mỗi ngày hỏng mấy chục cái mà không được huỷ, phải có kho lưu giữ là sao? Theo ông Đam, dù hải quan được đánh giá tốt hơn, rồi đến thuế và sau cùng là bảo hiểm, nhưng từ năm ngoái đến nay thủ tục thuế vẫn không có chuyển biến, vướng mắc còn rất nhiều.

“Doanh nghiệp nói nghe chua xót lắm. Càng nghe càng thấy rầu ruột. Đã thanh toán qua ngân hàng nhưng yêu cầu phải khai tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ của người bán hàng, người mua hàng. Nếu không nghe trực tiếp, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến thực tế lại có những chuyện như thế” – ông Đam nói.

Cũng theo ông Đam, Chính phủ đã chỉ đạo phải tìm mọi cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phải tháo gỡ đến cùng. Chính sách vĩ mô tốt nhưng vào cụ thể thì lúng túng. “Nếu không đi thì yên tâm lắm. Đi kiểm tra mới thấy trên báo cáo rất hay, nhưng nghe doanh nghiệp mới thấy thực tế không phải vậy” – ông Đam nói.

Theo ông Đam, doanh nghiệp đâu có tính được giảm bao nhiêu giờ nộp thuế mà vẫn thấy khó khăn với những vướng mắc rất cụ thể. Mất chứng từ mà đi lên cơ quan thuế ba lần mới được, rồi đòi thứ giấy tờ mà nước ngoài không có, như thế là làm mất cơ hội của doanh nghiệp.

Phó thủ tướng nhấn mạnh điều khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế để doanh nghiệp nói thẳng, chia sẻ với cơ quan quản lý, doanh nghiệp ngại đóng góp vì sợ bị gây khó dễ. “Thái độ của doanh nghiệp rất tốt, cái người ta vướng là bức xúc lắm rồi.

Doanh nghiệp nói tôi thấy rất chua xót. Vì tôi hỏi doanh nghiệp đã góp ý vướng mắc chính sách với cơ quan quản lý chưa, họ nói đã có ý kiến lên ban quản lý nhưng ban quản lý nói quy định là của cấp bộ nên cứ thế mà làm. Ban quản lý như thế là không được, mà phải báo cáo với thành phố để báo cáo lên bộ, lên Chính phủ để sửa chính sách” – ông Đam nói.

Người làm chính sách mắc bệnh “chân vuông”

Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Lê Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho rằng một trong những vướng mắc của doanh nghiệp do người làm chính mắc bệnh “chân vuông”, nghĩa là chỉ ngồi bàn giấy để làm chính sách.

“Chính tôi cũng không hiểu nổi quy định của một số chính sách thì doanh nghiệp biết thế nào mà lần. Tôi cũng từng làm hải quan nên mới biết chuyện có một bộ phận cán bộ hải quan áp mã hàng có mức thuế cao nhất, thế nên mới có chuyện có một số cán bộ tranh thủ việc này. Ngoài ra, có một bộ phận cán bộ vô cảm với vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, của người dân” – ông Sơn nhấn mạnh

 

LÊ THANH