10/01/2025

Bản đồ để phân giới Campuchia-Việt Nam: Giống bản đồ LHQ

Bản đồ Chính phủ Campuchia dùng để phân giới với Việt Nam và bản đồ mượn của Liên Hiệp Quốc là đồng nhất.

 

Bản đồ để phân giới Campuchia-Việt Nam: Giống bản đồ LHQ

 

Bản đồ Chính phủ Campuchia dùng để phân giới với Việt Nam và bản đồ mượn của Liên Hiệp Quốc là đồng nhất.  



Đây là kết quả thẩm định do Uỷ ban điều phối công tác tiếp nhận và đối chiếu bản đồ của Chính phủ Campuchia tổ chức.

Bà Mereani Keleti Vakasika và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong tại buổi thẩm định bản đồ ở thủ đô Phnom Penh ngày 20-8 - Ảnh: AFP
Bà Mereani Keleti Vakasika và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong tại buổi thẩm định bản đồ ở thủ đô Phnom Penh ngày 20-8 – Ảnh: AFP
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong trong buổi thẩm định bản đồ - Ảnh: AFP
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong trong buổi thẩm định bản đồ – Ảnh: AFP

Sáng 20-8, buổi thẩm định, đối chiếu trên đã diễn ra trước các đại diện của ba đảng lớn nước này gồm Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập và Đảng FUNCINPEC.

Ngoài ra, đại diện của Thượng viện, Quốc hội, Hội đồng thẩm phán tối cao, Hội đồng hiến pháp, Học viện Hoàng gia Campuchia, các quan chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), các nhà báo trong và ngoài 
nước cũng đã có mặt.

Để thực hiện việc quan trọng này tại cung Hoà Bình ở Phnom Penh, trước đó quyền chủ tịch Thư viện LHQ, bà Mereani Keleti Vakasika đã trao bản đồ Campuchia tỉ lệ 1/100.000 gồm 18 mảnh được lưu giữ tại LHQ từ năm 1964 cho Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong.

Phát biểu sau lễ giao nhận, ông Hor Namhong khẳng định việc thẩm định bản đồ một cách đúng đắn, chính xác sẽ làm tất cả mọi người yên tâm và tin tưởng vào trách nhiệm, tinh thần làm việc vì quyền lợi đất nước của Chính phủ 
hoàng gia Campuchia.

Sau cuộc thẩm định, Bộ trưởng cấp cao, Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Campuchia Var Kimhong nhấn mạnh bản đồ Campuchia của LHQ không có gì khác với bản đồ mà Uỷ ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Campuchia – Việt Nam đã và đang sử dụng.

Thời gian qua, Đảng CNRP đã cáo buộc Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ không đồng nhất với bản đồ Campuchia đang lưu giữ tại LHQ.

Một số nghị sĩ của đảng này đã tổ chức các chuyến đi có khi lên đến hàng ngàn người ủng hộ đến một số khu vực biên giới giữa hai nước, thậm chí gây ra những vụ va chạm bạo lực như ở khu vực cột mốc 203 ở 
tỉnh Svay Rieng ngày 28-6.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau buổi thẩm định, người phát ngôn Chính phủ Campuchia, quốc vụ khanh Phay Siphan cho biết đây là hoạt động cuối cùng của Chính phủ hoàng gia Campuchia để công khai tính đúng đắn, minh bạch về quá trình đàm phán, phân giới với Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ hoàng gia Campuchia sẽ nghiêm trị theo pháp luật mọi hành động tiếp tục xuyên tạc vấn đề biên giới.

Trước đó, Phó chủ nhiệm Uỷ ban biên giới quốc gia Campuchia Koy Pisey đã bác bỏ đề nghị của Đảng CNRP được lấy các bản đồ của LHQ để tự mình thẩm định, do các điều kiện chặt chẽ của LHQ không cho phép.

Trước đó ngày 6-7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đề nghị LHQ cung cấp tất cả bản đồ gốc do tổ chức này lưu trữ để ​xác minh tính chân thực của những tấm bản đồ mà Chính phủ Campuchia đang sử dụng trong quá trình phân giới cắm mốc với các nước láng giềng.

Thủ tướng Hun Sen khẳng định đề nghị này là nhằm thể hiện sự thận trọng và đúng đắn của Chính phủ Campuchia trong công tác phân giới cắm mốc giữa nước này với các nước láng giềng.

Động thái này diễn ra sau khi Đảng CNRP đối lập nhiều lần cáo buộc Chính phủ Campuchia sử dụng những tấm bản đồ do Việt Nam lập ra trong những năm 1980.

Đủ đại diện các bên

Theo báo The Cambodia Herald, trong buổi thẩm định có 5 đại diện của Đảng CPP cầm quyền, 5 của Đảng CNRP đối lập và 5 của Đảng FUNCINPEC.

Bên Quốc hội cử 6 đại diện gồm 3 của đảng chiếm đa số và 3 của đảng thiểu số; bên Thượng viện gồm 3 của Đảng CPP và 3 của Đảng CNRP, Hội đồng thẩm phán tối cao cử 2 đại diện và Hội đồng hiến pháp cử 2 đại diện; Học viện Hoàng gia Campuchia được cử 3 đại diện.

TÚ ANH

 

TTXVN