10/01/2025

Phản ứng nhanh của thị trường ngoại tệ

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước VN đưa ra quyết định vừa tăng tỷ giá liên ngân hàng vừa tăng biên độ tỷ giá chỉ trong một ngày. Các chuyên gia đánh giá sự thay đổi này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

 

Phản ứng nhanh của thị trường ngoại tệ

 

 

Lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước VN đưa ra quyết định vừa tăng tỷ giá liên ngân hàng vừa tăng biên độ tỷ giá chỉ trong một ngày. Các chuyên gia đánh giá sự thay đổi này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.



Phản ứng nhanh của thị trường ngoại tệ 1Giá USD, vàng ngày 19.8 tăng – Ảnh: Ngọc Thắng
Sáng 19.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng (NH) giữa VND và USD từ mức 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD (tăng 1%), đồng thời điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/- 2% lên +/- 3%. Như vậy, giá USD tại các NH thương mại được xác định mức trần mới ở 22.547 đồng/USD và giá sàn ở 21.233 đồng/USD. Trước đó ngày 12.8, NHNN đã quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.
Vàng tăng mạnh, người mua vẫn lỗ
Thị trường ngoại tệ đã phản ứng khá nhanh trước thông tin tăng tỷ giá USD từ NHNN và liên tục “nhảy múa” trong ngày hôm qua. Eximbank đã điều chỉnh tỷ giá 66 lần trong ngày, ACB 22 lần… Vào khoảng 9 giờ sáng, giá USD tại Eximbank, ACB tăng từ 270 – 370 đồng/USD so với giá mở cửa đầu ngày, giá mua – giá bán USD lên 22.330 – 22.480 đồng/USD. Tuy nhiên, đến cuối ngày, giá USD giảm nhẹ về mức 22.330 – 22.420 đồng/USD. Trên thị trường liên NH, giá USD giao dịch quanh mức 22.400 đồng/USD. Giá USD tự do tăng mạnh lên 22.450 đồng/USD nhưng theo trưởng phòng kinh doanh ngoại hối một NH cổ phần lớn, giá USD giao dịch vẫn thấp hơn mức giá trần 150 đồng/USD thay vì kịch trần như những ngày trước đó.
Trái ngược thị trường ngoại tệ, thị trường vàng lại phản ứng khá mạnh trước thông tin điều chỉnh tỷ giá. Vào buổi sáng 19.8, giá vàng miếng SJC tăng hoảng loạn sau khi thông tin tỷ giá tăng được phát đi. Bảng giá vàng tại Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) điều chỉnh giá liên tục mấy chục lần trong ngày. Giá mua vàng miếng SJC từ mức 33,82 triệu đồng/lượng, giá bán 34,12 triệu đồng/lượng tăng “sốc” lên 34,2 triệu đồng/lượng và 35 triệu đồng/lượng, tăng gần 900.000 đồng/lượng. Nhưng mức giá này chỉ trụ được chưa đầy 30 phút đã quay đầu giảm lần lượt về 34,8 triệu đồng/lượng, 34,7 triệu đồng/lượng, 34,6 triệu đồng/lượng. Ở mức giá cao 35 triệu đồng/lượng, thị trường vàng vắng hẳn khách mua bán. Các tiệm vàng tại khu vực chợ Gò Vấp, chợ Bà Chiểu, chợ Bến Thành… chỉ lác đác vài khách đến giao dịch vàng nữ trang. Tuy nhiên, khi giá bán vàng ở mức 34,6 triệu đồng/lượng vào cuối giờ sáng, thị trường xuất hiện lực mua vàng khiến giá khựng lại mức này đến suốt buổi chiều. Vàng miếng SJC tại các NH có mức giá mềm hơn, khoảng 34,1 – 34,5 triệu đồng/lượng.
So với giá chiều 18.8, giá vàng miếng SJC hôm qua tăng từ 500.000 – 900.000 đồng/lượng nhưng người mua vàng không thể kiếm lời do chênh lệch giá mua giá bán quá cao. Ví dụ, nếu ngày 18.8, mỗi lượng vàng mà Công ty SJC bán ra có giá 34,1 triệu đồng thì qua ngày 19.8, dù giá vàng đã tăng mạnh nhưng giá công ty mua vào vẫn ở mức dưới 34 triệu đồng nên người nắm giữ vàng vẫn lỗ. Để tránh rủi ro, ngay khi vàng tăng giá, các công ty kinh doanh vàng đã nhanh chóng gia tăng biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng trong ngày lên 700.000 – 800.000 đồng/lượng thay vì 100.000 – 300.000 đồng/lượng trước đó. Với diễn biến giá vàng trong ngày 19.8, ngay tại thời điểm mua vàng, người mua đã phải chịu lỗ 700.000 – 800.000 đồng/lượng.
Điều chỉnh là cần thiết
Đón nhận thông tin điều chỉnh tỷ giá, các chủ doanh nghiệp (DN) vui buồn khác nhau. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP XNK Intimex không giấu được vui mừng, cho rằng động thái nâng tỷ giá một lần nữa của NHNN khiến DN xuất khẩu và nông dân đều được hưởng lợi. Ông Nam cho hay sáng hôm qua giá cà phê đã tăng lên 200 đồng/kg từ việc tỷ giá tăng. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó TGĐ Công ty CP SaigonFood cho biết, hiện các mặt hàng của SaigonFood vẫn ổn định, nhưng dự báo giá trên thị trường nội địa sẽ được điều chỉnh tăng từ nay đến cuối năm khi tỷ giá ở mặt bằng mới. Theo ông Đỗ Duy Thái, TGĐ Công ty Thép Việt (Pomina), chi phí tài chính từ tỷ giá tăng sẽ được phản ánh vào giá sản phẩm. Tuy nhiên, nguyên liệu trong vài tháng qua giảm nên ông kỳ vọng sẽ cân bằng để giá sản phẩm không tăng quá cao.
Ông Phạm Hồng Hải, TGĐ HSBC VN nhận xét, việc điều chỉnh tỷ giá ngày 19.8 là hành động nhanh và gần như không có tiền lệ của VN. Điều này cho thấy NHNN đang sẵn sàng xử lý các thách thức trên thị trường. Với việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên NH thêm 1% cộng với nới rộng biên độ giao dịch USD/VND thêm 1%, NHNN đang tạo một biên độ giao dịch đủ rộng để cung cầu gặp nhau trên thị trường tránh tạo tâm lý của thị trường về việc điều chỉnh liên tục. Động thái điều chỉnh mạnh mẽ này thể hiện NHNN đi trước so với cung cầu của thị trường, chủ động tạo khung cho giao dịch trên thị trường. Việc điều chỉnh lần này góp phần giảm áp lực tiếp tục bán dự trữ ngoại tệ ra thị trường, vốn là một bước đi nếu tiếp tục sẽ không mang tính bền vững.
Đánh giá việc tác động từ điều chỉnh tỷ giá lên DN, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động tới các DN nhập khẩu khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng nhập khẩu do đó có thể giảm xuống. VN với vị thế trong chuỗi cung ứng của thế giới sẽ còn tiếp tục nhập khẩu máy móc và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Về xuất khẩu, chúng ta sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc VN điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, VN vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu. Vì thế về dài hạn, DN vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng VN. “Khi thị trường biến động, các DN không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng nhân dân tệ sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Các DN giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN” – ông Hải khuyến cáo.
Cổ phiếu đỏ sàn vì tỷ giá

Trước thông tin điều chỉnh tăng tỷ giá, mở đầu phiên giao dịch hôm qua các nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu khiến VN-Index chốt phiên buổi sáng “thủng đáy” ở mức 570,18 điểm với hàng loạt blue-chips bị bán mạnh. Nhưng đến buổi chiều, những thông tin tích cực như giá xăng giảm 700 đồng cùng với việc Uỷ ban Chứng khoán cho biết đã ban hành Thông tư 123 hướng dẫn thủ tục, trình tự để các DN nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa theo quy định tại Nghị định số 60, đã khiến các blue-chips hồi phục dần, thậm chí tăng điểm nhẹ. Chốt phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ 2,4 điểm, ở mức 577,82 điểm với giá trị giao dịch gần 1.900 tỉ đồng, cao hơn ngày trước đó; HNX-Index giảm nhẹ còn 79,67 điểm, với giá trị giao dịch 400 tỉ đồng.

Thanh Xuân – Hồng Sương