11/01/2025

Bắp biến đổi gien lợi ít, hại nhiều

Từ giữa tháng 3 năm nay, cây bắp biến đổi gien chính thức được trồng đại trà tại VN, dù đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi toàn cầu. Theo các chuyên gia, đưa nền nông nghiệp theo hướng này, chúng ta đã đánh mất lợi thế của mình mà không thu lợi được gì.

 

Bắp biến đổi gien lợi ít, hại nhiều

 

 

Từ giữa tháng 3 năm nay, cây bắp biến đổi gien chính thức được trồng đại trà tại VN, dù đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi toàn cầu. Theo các chuyên gia, đưa nền nông nghiệp theo hướng này, chúng ta đã đánh mất lợi thế của mình mà không thu lợi được gì.


 

Cây trồng biến đổi gien chưa cho thấy lợi ích về kinh tế

Cây trồng biến đổi gien chưa cho thấy lợi ích về kinh tế – Ảnh: Chí Nhân

Theo GS-TS Nguyễn Văn Tuất, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, thế giới đối mặt với áp lực tăng dân số trong khi sản xuất lương thực không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của con người, nên cây trồng biến đổi gien (BĐG) là một trong những giải pháp quan trọng. VN xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học và nông nghiệp quốc gia đến năm 2020. Mục tiêu là năm 2015, đưa một số giống cây BĐG vào sản xuất, đến năm 2020 sẽ nâng diện tích trồng các giống cây BĐG lên đến 30 – 50% trong tổng số 70% diện tích các giống được tạo ra bằng công nghệ sinh học.
Tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu hơn
Dẫn các số liệu thống kê của Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, TS Nguyễn Quốc Vọng, một Việt kiều từng làm việc cho Bộ Nông nghiệp Úc tính toán, diện tích trồng bắp của VN năm 2014 là 1,21 triệu ha, sản lượng là 5,45 triệu tấn, năng suất trung bình là 4,5 tấn/ha. Cũng trong năm 2014, VN nhập khẩu 4,5 triệu tấn bắp, trị giá 1 tỉ USD. Tính ra giá nhập khẩu bình quân là 222,2 USD/tấn. Như vậy tạm tính là nhu cầu sử dụng bắp của VN năm 2014 là 9,95 triệu tấn.

 
 
Bắp biến đổi gien lợi ít, hại nhiều - ảnh 2

 

Chưa đề cập đến vấn đề có gây bất lợi gì đối với sức khoẻ cho con người, gia súc, gia cầm khi sử dụng lâu ngày các giống biến đổi gien hay không thì về mặt kinh tế chưa thấy có gì hấp dẫn cho năng suất nông nghiệp ở VN hiện nay

 

Bắp biến đổi gien lợi ít, hại nhiều - ảnh 3
 

 

GS-TS Mai Văn Quyền

 

 
Nếu trồng bắp BĐG, theo Bộ NN-PTNN, năng suất cao hơn bắp thường từ 14 – 29%. Lấy mức tối đa là 29%, tính ra năng suất bắp BĐG tối đa là 5,81 tấn/ha. Giả sử trong năm 2014, VN trồng hoàn toàn bắp BĐG thì sản lượng của VN sẽ đạt cao nhất là 7,03 triệu tấn. Vẫn phải nhập 2,919 triệu tấn, với số tiền tương đương 648,8 triệu USD. Giá giống bắp BĐG đắt gấp 4 lần giống thường, ít nhất cũng khoảng 200.000 đồng/kg. Nếu toàn bộ diện tích trồng cần 60,5 ngàn tấn giống, tương đương 576 triệu USD, chi phí tính ra nhiều hơn khoảng 220 triệu USD so với không trồng bắp BĐG. Đó là chưa kể, VN có khoảng 68 cơ sở sản xuất và kinh doanh hạt giống bắp để cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước, mang về doanh thu 850 – 1.000 tỉ đồng (tương đương 40 – 50 triệu USD) mỗi năm mà nếu trồng bắp BĐG, số thu này có thể mất đi. Như vậy để trồng bắp BĐG chúng ta tốn hai lần tiền nhập khẩu và không có lợi hơn so với không trồng.
GS-TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Công ty phân bón Bình Điền dẫn số liệu của Công ty Dakalb khi trồng khảo nghiệm 2 giống bắp BĐG Dekalb VN DK 9955S và DK 9955R vụ đông xuân 2014 – 2015 tại Nam bộ cho thấy, giống DK 9955S có mang gien kháng sâu bọ cánh vải và gien kháng thuốc trừ cỏ. Về năng suất bắp hạt thì ở diện hẹp chỉ tăng so với đối chứng 120 kg/ ha (1,44%), ở khảo nghiệm rộng năng suất cao hơn đối chứng 6,31%. Trong khi đó, giá hạt giống cao hơn đối chứng là 1,65 triệu đồng/ha, tương đương 71,4%. Còn giống DK 9955R khả năng kháng sâu so với đối chứng không rõ, kháng thuốc trừ cỏ yếu, năng suất trong phòng thí nghiệm diện hẹp không khác biệt so với đối chứng, 80 kg/ha, tương đương 0,96%.

 
 

Tháng 8.2014, Bộ NN-PTNT công nhận 4 giống bắp BĐG được phép sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi tại VN. Tháng 3.2015, Bộ này ký quyết định công nhận 3 giống bắp BĐG, cho phép cây bắp chuyển gien chính thức được thương mại hoá đưa vào sản xuất đại trà tại VN. Cụ thể, 3 giống bắp BĐG là giống NK66 Bt, NK66 GT và Nk66 Bt/GT của Công ty Syngenta (Mỹ). Quyết định này đưa VN trở thành quốc gia thứ 29 trên thế giới trồng đại trà bắp BĐG.

 

 
“Chưa đề cập đến vấn đề có gây bất lợi gì đối với sức khỏe cho con người, gia súc, gia cầm khi sử dụng lâu ngày các giống BĐG hay không thì về mặt kinh tế chưa thấy có gì hấp dẫn cho năng suất nông nghiệp ở VN hiện nay”, GS Quyền kết luận.
Trao cơ hội cho đối thủ
Theo TS Vọng, VN đang tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do với một thị trường vô cùng lớn, có giá trị khoảng 36.300 tỉ USD. Nhưng xu hướng tiêu dùng chung của các nước phát triển là những sản phẩm hữu cơ, sản phẩm không có nguồn gốc BĐG. “Chúng ta là một nước xuất khẩu nông nghiệp lại cho trồng cây BĐG có nghĩa là chúng ta không đi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường. Người tiêu dùng không chỉ không sử dụng trực tiếp sản phẩm BĐG mà các sản phẩm có sử dụng sản phẩm BĐG làm thức ăn họ cũng không sử dụng. Như vậy nguy cơ tác động dây chuyền đến cả nền nông nghiệp VN là rất lớn”, TS Vọng khuyến cáo.
Đặc biệt theo ông Vọng, trong khi đối thủ lớn nhất trong lĩnh vực nông nghiệp của VN là Thái Lan lại “nói không” với cây trồng BĐG và như vậy, họ đã vô tình loại được chúng ta ở những thị trường nông sản “béo bở” như Nhật, châu Âu, Úc, Trung Đông, kể cả Mỹ, Canada… Khi đó, nông sản VN chỉ có thể bán cho các nước đang thiếu ăn. “Và liệu những nước này có tiền mua lương thực của VN không, liệu chúng ta có làm giàu cho nông dân mình không?” – TS Vọng đặt câu hỏi.
Thực tế, những nước trồng cây BĐG lớn trên thế giới hiện nay có 2 mục tiêu rất rõ ràng. Nhóm thứ nhất là Mỹ, Brazil, Argentina, Canada trồng để xuất khẩu và viện trợ. Nhóm còn lại là Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Pakistan, Philippines trồng vì an ninh lương thực. “Nếu VN lo về an ninh lương thực thì hãy đầu tư vào khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát hiện đang ở khoảng 20 – 30%”, TS Vọng đề xuất.
Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) đặt vấn đề: “Chúng ta đi theo công nghệ sinh học để làm gì? Đó là để tạo ra lương thực đủ cho dân ta ăn và ăn làm sao mà có sức khoẻ tốt. Chúng ta đừng nói tới chuyện an toàn lương thực cho thế giới, chúng ta không việc gì phải làm như vậy cả”.

Chí Nhân