Nhiêu khê với trò chơi flycam
Cộng đồng chơi flycam VN ngỡ ngàng với thông báo áp dụng cấp phép chơi flycam là nghị định dành cho loại hình bay không người lái nói chung, ra đời năm 2008, thời điểm chưa có trò chơi flycam!
Nhiêu khê với trò chơi flycam
Cộng đồng chơi flycam VN ngỡ ngàng với thông báo áp dụng cấp phép chơi flycam là nghị định dành cho loại hình bay không người lái nói chung, ra đời năm 2008, thời điểm chưa có trò chơi flycam!
Flycam là thiết bị chụp ảnh, ghi hình từ trên không.
Công văn của Bộ Quốc phòng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý, cấp phép quản lý đối với các loại máy bay không người lái, máy bay siêu nhẹ, trò chơi flycam, theo nghị định 36 năm 2008 của Chính phủ.
Theo nghị định này, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu có thẩm quyền cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại mô hình bay; cấm tổ chức các hoạt động bay khi chưa cho phép bay.
Theo Bộ Quốc phòng, các hoạt động bay của flycam tiềm ẩn nguy hiểm cho những hoạt động bay quân sự và dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng làm phương tiện thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, nhất là vào các dịp cao điểm như lễ, tết.
Tuy nhiên, theo cộng đồng chơi flycam, không nên đánh đồng các loại tàu bay này với flycam, thậm chí năm 2008 là thời điểm chưa ra đời flycam ở VN!
Cần ít nhất ba người phối hợp để điều khiển tốt flycam – Ảnh: Nguyễn Đình |
Kiểu nào cũng vi phạm
Là người có thâm niên chơi flycam, anh Trường (TP.HCM) phân tích: Quy định Nhà nước đưa ra là hợp lý nhưng chưa sát với thực tế. Lúc nghị định 36 ban hành thì chưa có flycam. Các thiết bị không người lái khi ấy chỉ là máy bay mô hình, họ bay biểu diễn lạng lách để có những cú bay đẹp nên rất nguy hiểm.
“Flycam có đặc tính hoàn toàn khác. Flycam dùng để sáng tác, ghi hình nên những cú bay rất chậm, rất an toàn, không bay giật, bay như cướp” - anh Trường nói.
Ông Lương Hoài Nam – tổng giám đốc Hàng không Hải Âu – khẳng định: “Khi đối chiếu với quy định hiện hành, tất cả hoạt động bay của flycam hiện nay trong khu vực nội ô đều sai, đều vi phạm”.
Ông Nam cho biết thêm việc một số người chơi lấy những bản đồ thuộc hệ thống của flycam để phản biện là không có cơ sở vì bản đồ này không có giá trị pháp lý. Bản chất của những bản đồ này là ý thức tự kiểm duyệt của nhà sản xuất nhằm đề phòng những rủi ro có thể xảy ra khi bay vào các vùng được đánh dấu nguy hiểm.
Hãng DJI nổi tiếng về flycam cung cấp bản đồ bay trong đó tất cả các sân bay của VN đều được chấm dấu đỏ, có nghĩa là người chơi không được bay qua những điểm này. Bên cạnh đó, khi nằm trong vùng này, thiết bị sẽ không thể kích hoạt, không thể khởi động và vì vậy không bay.
Mặt khác, flycam khi xuất xưởng chỉ bay đến độ cao 400 feet, tức 120m, một độ cao quá an toàn. Bản thân người chơi flycam trước khi bay họ đều xin phép địa phương.
Flycam được sử dụng để quay phim tại một lễ hội ở Bình Thuận – Ảnh: T.T.D. |
Phải đợi đến khi nào?
Tương tự xe máy, flycam cũng có nhiều loại, vì vậy theo anh Trường, nên có sự phân biệt rõ ràng để áp dụng những quy định phù hợp cho từng loại với kích thước lớn nhỏ, tầm bay cao thấp, xa gần khác nhau chứ không thể quy định chung như vậy.
Là dân chơi flycam, bạn Thuận Dương (TP.HCM) băn khoăn: “Phải đợi những quy định mới đến khi nào? Quản lý chặt nhưng cần mở lối thoát ra cho người chơi flycam. Bây giờ, nếu làm việc, tác nghiệp những phân cảnh ngắn cũng phải làm công văn gửi ra tận Hà Nội thì thật rườm rà và những vùng cấm bay hoặc hạn chế bay vẫn không được thông tin rõ ràng. Chưa kể gửi công văn đi nhưng không biết bao giờ được nhận lại”.
Một dạng thiết bị ghi hình, chụp ảnh trên không (flycam/drone) – Ảnh minh họa: rcsoup.com |
Ông Lại Xuân Thanh – cục trưởng Cục Hàng không VN – cho rằng: “Nghị định 36 ra đời khi chưa có flycam nên có lẽ các trình tự thủ tục chưa phù hợp với loại hình đang được phổ biến rộng rãi này. Chúng tôi cùng với Cục Tác chiến sẽ báo cáo lên bộ để làm sao ra được quy trình quản lý chặt nhưng tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phải xin giấy phép”.
Cùng quan điểm, ông Lương Hoài Nam cho rằng: “Trong thời gian này, các hội nhóm phải kiến nghị hội viên ngừng bay để thể hiện sự nghiêm túc, để cơ quan nhà nước tin rằng các bạn có trách nhiệm để cùng ngồi lại tìm giải pháp. Còn quy định đã như thế mà mình vẫn tiếp tục bay thì không tôn trọng ý kiến của cơ quan quản lý, cách xử sự như thế là không nên”.
Theo ông Lại Xuân Thanh, có thể người dân chưa thông thạo về những hoạt động của Bộ Quốc phòng nên cảm thấy việc xin giấy phép khó khăn. Tuy nhiên, một khi đã có quy định thì Bộ Quốc phòng cũng sẽ có những hình thức phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân dân, lâu dần mọi người sẽ quen.
Ông Thanh cho rằng hướng tới nên hình thành các câu lạc bộ. Câu lạc bộ được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về quản lý và an toàn kỹ thuật của phương tiện. Việc cấp phép cũng nên thông qua đầu mối ấy, người làm thủ tục cũng dễ dàng hơn.
Có đúng là cấp phép trong 5 ngày? Theo nghị định 76 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 36/2008/NĐ-CP, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu sẽ cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay. Ngược lại, cơ quan này sẽ từ chối cấp phép nhằm bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn hàng không khi chưa được cung cấp đủ thông tin trong nội dung đơn đề nghị cấp phép bay. Việc từ chối cấp phép bay được trả lời bằng văn bản. Trường hợp vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều người chơi flycam, trên thực tế thời gian để được nhận giấy phép phải tính bằng đơn vị tháng?! |