Cuộc đảo chính trước giờ nước Nhật đầu hàng
Vào đêm 14.8.1945, khi Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh, một nhóm sĩ quan phản loạn đã tiến hành đảo chính và tiến chiếm hoàng cung ở Tokyo.
Cuộc đảo chính trước giờ nước Nhật đầu hàng
Vào đêm 14.8.1945, khi Nhật Bản chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh, một nhóm sĩ quan phản loạn đã tiến hành đảo chính và tiến chiếm hoàng cung ở Tokyo.
Việc Nhật Bản phải đầu hàng sau khi hứng hai quả bom nguyên tử vào tháng 8.1945 được xem là điều không thể tránh khỏi vào những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương. Nhưng đó không phải là suy nghĩ của tất cả sĩ quan Nhật Bản vào lúc ấy.
Ngày dài nhất
Với quyết tâm chiến đấu đến phút cuối cùng, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc huỷ diệt Nhật Bản, một số sĩ quan nước này đã bao vây hoàng cung vào đêm 14.8.1945 trong cơn tuyệt vọng để chiếm lấy đoạn băng ghi thông điệp đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito và suýt chặn đứng hồi kết của Thế chiến thứ hai.
Những nhân vật chính trong đêm biến loạn tháng 8 cách đây 70 năm đã thành người thiên cổ, song vẫn có một người còn sống từng trò chuyện với hầu hết trong số họ. Vào giữa thập niên 1960, nhà báo Kazutoshi Hando đã phỏng vấn những người cầm đầu cuộc đảo chính để viết cuốn sách Japan’s Longest Day (tạm dịch: Ngày dài nhất của nước Nhật), đề cập đến những giờ phút căng thẳng tột bực trước khi Nhật Hoàng Hirohito đưa ra lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 15.8. “Ngay cả 20 hoặc 30 năm sau, những kẻ âm mưu vẫn nghĩ rằng việc Nhật Bản đầu hàng là một sai lầm”, ông Hando nói với tờ Financial Times trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Ngay cả sau khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, phân nửa nội các chiến tranh của Nhật Bản vẫn cự tuyệt đầu hàng theo điều kiện của quân Đồng minh. Đầu hàng khi đó là một cú sốc đối với giới quân sự, vốn toan tính chiến đấu đến người cuối cùng. Do vậy, một cuộc đảo chính có vẻ là lựa chọn hợp lý. “Những người âm mưu đảo chính có lẽ nghĩ rằng họ có 50% cơ hội”, ông Hando nói.
Mùa hè 1945, Nhật Bản được điều hành bởi Hội đồng Chiến tranh tối cao (SWC), bao gồm 6 đại diện của lục quân, hải quân và chính phủ dân sự. Tuy nhiên, bộ trưởng lục quân được xem là người quyền lực hơn cả bởi hội đồng không thể tồn tại nếu thiếu nhân vật này. Điều đó đồng nghĩa với việc bộ trưởng lục quân có thể phủ quyết mọi quyết định của hội đồng bằng cách từ chức. Khi Tuyên cáo Potsdam, vốn yêu cầu Tokyo đầu hàng vô điều kiện, được đưa ra bàn luận, SWC chia thành hai phe bất phân thắng bại. Phe chủ hoà bao gồm Thủ tướng Kantaro Suzuki, Ngoại trưởng Shigenori Togo và Bộ trưởng Hải quân Mitsumasa Yonai. Phe chủ chiến bao gồm Bộ trưởng Lục quân Korechika Anami, Tham mưu trưởng Lục quân Yoshijiro Umezu và Tham mưu trưởng Hải quân Soemu Toyoda. Thế bế tắc chỉ được phá vỡ khi Thủ tướng Suzuki, trong một hành động chưa có tiền lệ, khẩn cầu Nhật Hoàng đưa ra quyết định.
Sự biến cung thành
Khoảnh khắc hiểm nghèo nhất đối với hòa bình ở Thái Bình Dương xảy đến vào sáng 14.8.1945, khi các sĩ quan phản loạn nắm được tin tức nội các sẽ nhóm họp tại tư dinh của thủ tướng. Họ lên kế hoạch bắt giam toàn bộ những thành viên chủ trương hạ vũ khí và thiết lập chính phủ quân sự. Nếu điều này xảy ra sẽ không có cách nào để thành lập một nội các đủ thẩm quyền đầu hàng, theo ông Hando. Và như thế, chiến tranh sẽ kết thúc như với nước Đức. Quân Đồng minh sẽ phải tiến chiếm Nhật Bản và đối mặt với làn sóng các cuộc tấn công tự sát.
Tuy nhiên, Thủ tướng Suzuki đã nghe phong thanh về một mưu đồ phản loạn và yêu cầu SWC dời cuộc họp đến hoàng cung. Tại đây, vào buổi sáng 14.8, Nhật Hoàng thông báo quyết định đầu hàng theo những điều khoản do Ngoại trưởng Mỹ James Byrnes gửi đến. Ông yêu cầu nội các chuẩn bị huấn lệnh để đọc trước toàn dân. Vào buổi trưa, Nhật Hoàng Hirohito thu âm lời tuyên bố. Ngay khi quyết định được đưa ra, một nhóm tướng lĩnh lục quân, gồm cả tướng Anami, nhóm họp tại căn phòng gần đó. Tất cả đều lo ngại về một cuộc đảo chính để ngăn chặn đầu hàng. Một số người trong nhóm thậm chí còn nghĩ đến khả năng tự phát động. Tuy nhiên, Phó tham mưu trưởng Lục quân Torashiro Kawabe đã đề nghị toàn bộ các sĩ quan hiện diện ký một cam kết tuân thủ mệnh lệnh đầu hàng của Nhật Hoàng để ngăn chặn mọi nỗ lực đảo chính. Tất cả cùng ký và đêm 14.8, tướng Anami trở về nhà và mổ bụng tự sát theo nghi thức Harakiri, để lại lá thư tuyệt mệnh xin lỗi Nhật Hoàng vì “một tội lỗi to lớn”.
Đến nay người ta vẫn không rõ Anami xin lỗi vì thất bại trong chiến tranh hay vì can dự vào một mưu đồ đảo chính, song ông quả thực từng được sĩ quan cầm đầu phản loạn Kenji Hatanaka đến gặp vào ngày 12.8 và khẩn khoản yêu cầu làm mọi thứ có thể để ngăn việc chấp nhận Tuyên cáo Potsdam.
Trong đêm tướng Anami tự sát, nhóm sĩ quan trẻ do thiếu tá Hatanaka cầm đầu tiến hành cuộc đảo chính mà về sau được gọi là “Sự biến cung thành”. Nhóm này cùng một số sĩ quan của Trung đoàn 2, Sư đoàn Cấm vệ quân số 1 đã tiến chiếm hoàng cung nhằm truy tìm cuộn băng ghi huấn lệnh của Nhật Hoàng. Nhóm đảo chính đã giết chết Tư lệnh Sư đoàn Cấm vệ quân số 1 Takeshi Mori sau khi không thuyết phục được ông này gia nhập. Không thể tìm được cuộn băng, Hatanaka liền phái một số sĩ quan truy sát Thủ tướng Suzuki nhưng ông đã chạy trốn khỏi tư dinh trước đó ít phút nhờ mật báo. Khi hay tin các đơn vị thuộc Quân đoàn phía đông do tướng Shizuichi Tanaka chỉ huy đổ về hoàng cung để cứu giá, phần lớn nhóm đảo chính tự động tan rã.
Dẫu vậy, Hatanaka vẫn không từ bỏ nỗ lực và chạy đến trụ sở Đài phát thanh quốc gia NHK với hy vọng thuyết phục những người ở đây ngưng phát lời tuyên bố đầu hàng. Bất chấp khẩu súng lục vung vẫy trên tay, Hatanaka bị ngăn cản vào phòng thu. Sau khi rời đi và bị các binh sĩ bao vây, viên thiếu tá đã chĩa súng vào đầu tự sát. Một tiếng sau, lời tuyên bố đầu hàng ghi âm từ trước của Nhật Hoàng Hirohito được phát đi trên toàn quốc và Nhật Bản chính thức đầu hàng, khép lại cuộc chiến đẫm máu ở Thái Bình Dương.
Chiến dịch Downfall
Downfall là mật danh cho một chiến dịch do quân Đồng minh hoạch định nhằm đánh chiếm Nhật Bản vào năm 1945 và 1946 nhưng chưa bao giờ được hiện thực hoá sau khi Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Nếu xảy ra, chắc chắn đây sẽ là một chương đẫm máu nhất trong lịch sử Thế chiến thứ hai, với vài triệu cái chết được dự kiến. Kế hoạch bao gồm hai chiến dịch có mật danh Olympic và Coronet. Chiến dịch Olympic dự tính phát động vào tháng 11.1945 để đánh chiếm đảo Kyushu ở cực nam nước Nhật, còn chiến dịch Coronet sẽ diễn ra từ tháng 3.1946 với việc đổ bộ lên đảo Honshu trước khi tiến chiếm Tokyo. Trong đó, chỉ riêng việc tiến chiếm Kyushu, quân Đồng minh đã ước tính sẽ có 456.000 người thiệt mạng. Tổng cộng có 42 tàu sân bay, 400 tàu khu trục và tàu chiến được chuẩn bị để áp sát bờ biển Nhật Bản trong chiến dịch dứt điểm này.
|
Công Chính