11/01/2025

Tăng nội lực để đối phó hàng Trung Quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đối phó hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào VN trong thời gian tới khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ, không phải chỉ tăng mạnh tỷ giá hay giảm giá VND tương ứng với mức giảm của nhân dân tệ như suy nghĩ của nhiều người.

 

Tăng nội lực để đối phó hàng Trung Quốc

 

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đối phó hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào VN trong thời gian tới khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ, không phải chỉ tăng mạnh tỷ giá hay giảm giá VND tương ứng với mức giảm của nhân dân tệ như suy nghĩ của nhiều người.


 

Giá USD/VND tăng vẫn chưa đủ mạnh để đẩy hàng xuất khẩu

Giá USD/VND tăng vẫn chưa đủ mạnh để đẩy hàng xuất khẩu – Ảnh: Ngọc Thạch

Tận dụng nguyên liệu rẻ từ Trung Quốc
Tại Diễn đàn doanh nghiệp VN – Trung Quốc (TQ) vừa được Phòng Thương mại công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm 13.8, các doanh nghiệp (DN) TQ có hàng hoá xuất vào VN khá hồ hởi khi hay tin nhân dân tệ (CNY) phá giá. Các ông chủ hàng sợi, ô tô, trứng nói họ sẽ giảm giá hàng xuất vào VN, thậm chí để ngỏ khả năng sẽ mở rộng đầu tư sản xuất tại thị trường VN khi đồng CNY phá giá mạnh. Đây cũng chính là điều các DN trong nước quan ngại suốt mấy ngày qua.

 
 
Tăng nội lực để đối phó hàng Trung Quốc - ảnh 2

 

Để cạnh tranh được với hàng hoá TQ, các DN trong nước cần tăng cường chất lượng sản phẩm hàng hoá; tăng cường xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu; hàng rào kỹ thuật cũng cần được “dựng” lên như không cho phép nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng hoá gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ…

 

Tăng nội lực để đối phó hàng Trung Quốc - ảnh 3
 

 

Ông Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing

 

 
“Tôi lo lắm”, giám đốc công ty may túi xách Minh Tiến (Miti) Nguyễn Trí Kiên bày tỏ trước viễn cảnh hàng TQ giá rẻ sẽ càng tràn ngập thị trường. Những ngày qua sau khi TQ phá giá CNY, dù chưa đo lường được mức độ tác động, Miti cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng ông Kiên dự báo hàng TQ, đặc biệt là một số mặt hàng nhái từ nước này như túi xách nữ thời trang, sẽ ồ ạt vào VN. “Giảm giá thành sản xuất xuống nữa thì khó, nên về lâu dài tôi tập trung các công đoạn quản lý, cho ra các mẫu mã đa dạng, chế độ hậu mãi tốt, hy vọng sẽ tiếp tục được người dân ủng hộ”, ông Kiên nói và cho biết: “Đành chấp nhận sống chung với lũ. Hy vọng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho những DN làm ngành hàng phụ trợ để giảm lệ thuộc nguyên phụ liệu vào TQ”.
Theo giám đốc một công ty thép, nếu cạnh tranh lành mạnh thì hàng hoá của VN cũng có cơ hội, nhưng thực tế không hẳn vậy. Chẳng hạn, DN ngành thép đang phải “chiến đấu” với việc TQ lợi dụng các khe hở về ưu đãi thuế trong ngành thép, pha thêm nguyên tố Boron (BO) nhằm hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Trong khi, BO chỉ sử dụng cho những sản phẩm cao cấp, nhưng họ cho một tỷ lệ nhỏ vào thép xây dựng là hưởng được thuế suất 0%. Vì thế, theo vị này, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Chính sách phải làm sao để DN tăng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh VN hội nhập sâu hơn và nhiều mặt hàng nước ngoài vào thị trường nội địa theo lộ trình giảm thuế.
Theo Công ty chứng khoán TP.HCM, CNY giảm giá hỗ trợ các mặt hàng xuất khẩu của TQ như dệt may, hải sản, thép có giá cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế so với hàng hoá VN. Ước tính CNY mất giá 1% sẽ làm tăng thâm hụt thương mại giữa VN và Trung Quốc thêm 0,6 – 0,8%. TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Hà Nội, cho rằng thách thức lớn nhất về vĩ mô khi TQ phá giá mạnh CNY là nhập siêu sẽ gia tăng và giá hàng hoá TQ rẻ hơn so với trước kia, dẫn đến áp lực ngày một lớn trong cạnh tranh của hàng hoá DN VN ngay tại thị trường VN. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phá giá cũng không hoàn toàn bất lợi cho DN Việt. “Trong “nguy có cơ”, các DN VN có thể tận dụng cơ hội nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào sản xuất từ TQ với mức giá rẻ hơn. Như các loại nguyên liệu như dệt may, da giày, phôi sắt thép, linh phụ kiện điện tử… để sản xuất với giá thành cạnh tranh hơn”, ông Phong phân tích.

 
 

Giá vàng giảm mạnh, USD vẫn kịch trần

 
Ngày 14.8, giá vàng miếng SJC diễn biến phức tạp theo chiều giảm nhanh và ngược hướng so với giá vàng thế giới. Vào đầu ngày, Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đưa giá mua 34,1 triệu đồng/lượng, giá bán 34,8 triệu đồng/lượng. Sau đó giá liên tục giảm và về mức 33,7 triệu đồng (giá mua) và 34,2 triệu đồng/lượng (giá bán) vào cuối giờ chiều. Giá bán vàng tại các ngân hàng có mức thấp hơn Công ty SJC. Vào cuối ngày, tại MaritimeBank bán 34,15 triệu đồng/lượng, Eximbank 34,04 triệu đồng/lượng, Sacombank 34,05 triệu đồng/lượng… So với ngày 13.8, giá vàng giảm 600.000 – 700.000 đồng/lượng và chênh lệch giá mua – bán vàng vẫn duy trì ở mức cao 500.000 – 700.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng nhẹ 2 USD/ounce, lên 1.118 USD/ounce. Giá vàng SJC cao hơn giá thế giới 4,5 triệu đồng/lượng. Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh Công ty SJC, cho biết lực bán vàng trên thị trường xuất hiện khiến giá giảm lại.

 
Cùng ngày, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn đứng ở mức kịch trần 22.106 đồng/USD, trong khi giá mua có xu hướng giảm 20 đồng/USD so với đầu ngày. Giá mua USD tại Eximbank, ACB còn 22.030 – 22.050 đồng/USD…
T.Xuân

 
Tỷ giá không phải “cây đũa thần”
Sau khi TQ quyết định điều chỉnh cơ chế tỷ giá và CNY liên tục giảm giá trong 3 ngày thì qua 14.8 CNY được xác định đã tăng nhẹ 0,05%. Việc NHNN VN tăng biên độ tỷ giá +/- 1% lên +/- 2% nhận được sự ủng hộ trên thị trường về tính kịp thời. Thị trường cũng kỳ vọng giá USD/VND sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa trước sự biến động các đồng tiền trên thế giới. Tuy nhiên, tăng tỷ giá không phải là cây đũa thần để hóa giải những khó khăn từ việc phá giá CNY của TQ như mọi người đang kỳ vọng.
Theo phân tích của TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, trong những năm trở lại đây tỷ giá USD/VND vẫn theo hướng tăng để khuyến khích xuất khẩu nhưng thâm hụt thương mại, đặc biệt là từ TQ vẫn gia tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, thâm hụt thương mại giữa VN – TQ năm 2013 là 23,7 tỉ USD, năm 2014 là 28,8 tỉ USD; 7 tháng đầu năm 2015 là 20 tỉ USD và dự kiến còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Việc điều chỉnh tỷ giá thường tác động ngay đến chi phí nhập khẩu và có độ trễ nhất định đối với giá xuất khẩu. Hàm lượng nhập khẩu trong hàng xuất khẩu của VN là 70% thì khi tỷ giá tăng sẽ làm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí vay nợ ngoại tệ tăng, làm tăng giá thành sản xuất, đẩy mặt bằng chung của giá cả trong nước tăng theo và làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Khi mức tăng xuất khẩu và mức giảm nhập khẩu không đủ để bù đắp cho việc phải trả giá cao hơn cho hàng nhập khẩu sẽ dẫn đến thâm hụt lớn hơn trên cán cân thương mại, làm gia tăng áp lực lạm phát trong nền kinh tế. Để ứng phó kịp thời với diễn biến giảm giá của các đồng nội tệ các nước trong khu vực đang diễn ra dưới sự tác động của CNY bị phá giá, NHNN không chỉ sử dụng một công cụ của chính sách tiền tệ là tỷ giá mà cần nhanh chóng phối hợp với các công cụ khác trong chính sách tiền tệ như lãi suất và dự trữ bắt buộc. Cụ thể, có thể giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng xuất khẩu; hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ các NH thương mại giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, cùng với chính sách tiền tệ, các chính sách khác hỗ trợ DN cần triển khai như thuế, tìm kiếm thị trường, thủ tục hải quan…
Ông Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing, cho biết: “Để cạnh tranh được với hàng hoá TQ, các DN trong nước cần tăng cường chất lượng sản phẩm hàng hoá; tăng cường xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu; hàng rào kỹ thuật cũng cần được “dựng” lên như không cho phép nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng hoá gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ…”.
 

Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt
Ngày 14.8, tại cuộc họp với các ban, bộ ngành, cơ quan liên quan việc CNY của TQ giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế VN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của NHNN VN và các bộ, ngành. Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến từng lĩnh vực, nhất là thị trường ngoại tệ, thị trường chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành để có đối sách ứng phó phù hợp, phát huy cao nhất những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền VN; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra cho năm 2015. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.
TTXVN

Thanh Xuân – Hồng Sương