Lễ khai giảng của… người lớn
Đề nghị tổ chức một ngày khai giảng chung, có ý nghĩa của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ khơi dậy nhiều câu chuyện, nhiều nỗi niềm và mong ước của thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh…
Lễ khai giảng của… người lớn
Đề nghị tổ chức một ngày khai giảng chung, có ý nghĩa của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ khơi dậy nhiều câu chuyện, nhiều nỗi niềm và mong ước của thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh…
Trên sân khấu người lớn cứ tiến hành các nghi lễ, ở dưới sân học sinh làm việc riêng, ngán ngẩm trông chờ cho buổi lễ khai giảng mau kết thúc – Ảnh: Như Hùng |
Tôi may mắn được dự lễ khai giảng ở Đức. Tôi thấy trẻ em không phải tập luyện để trình diễn khai giảng. Lễ khai giảng diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ. Trong phần được xem là nghi lễ chính thức, thầy hiệu trưởng chỉ đứng lên phát biểu một câu rất ngắn: “Hôm nay là lễ khai giảng của chúng ta”, không có báo cáo thành tích, không có hứa hẹn… Sau đó hoàn toàn là hoạt động vui tươi của học sinh. |
PGS TRẦN XUÂN NHĨ (phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) |
“Nói một cách rất thật lòng, trường nào cũng mong lễ khai giảng sẽ có lãnh đạo thành phố, lãnh đạo sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT… tới dự. Đây không chỉ là niềm vinh dự của nhà trường mà còn thể hiện năm học trước nhà trường đã có những thành tích vượt trội nên mới được lãnh đạo quan tâm. Nhưng có lãnh đạo dự thì cả trường đều khổ” - hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1, TP.HCM tâm sự.
Hiệu trưởng này kể: “Thư mời ghi lễ khai giảng sẽ bắt đầu lúc 7g thì từ 6g45 tất cả học sinh, giáo viên đã chỉnh tề, sẵn sàng cho buổi lễ. Thế nhưng 7g30 (thậm chí có năm gần 8g) các lãnh đạo mới tới, học sinh phải đứng chờ. Khổ nhất là những học sinh trong đội nghi lễ, phải đứng suốt trong thời gian này. Đã mệt vì chờ lại cộng thêm thời tiết nắng nóng nên học sinh rất oải”.
“Vận động hành lang” để có lãnh đạo tới dự
Tương tự, một hiệu trưởng trường công lập ở Hà Nội thừa nhận: “Trong lòng tôi không muốn, nhưng tâm lý trường nào cũng mong có lãnh đạo các cấp về dự. Muốn vậy, đôi khi phải dùng đến các mối quan hệ, “vận động hành lang” để có thể mời được lãnh đạo. Và khi có lãnh đạo về dự thì việc tổ chức phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, phải ấn tượng, phải tranh thủ báo cáo thành tích với lãnh đạo”.
“Xét về khía cạnh nào đó, việc có mặt của lãnh đạo các cấp như một cách xác nhận chất lượng giáo dục của nhà trường, tạo niềm tin đối với phụ huynh. Do vậy, một số trường tìm mọi cách để mời lãnh đạo” – hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết.
Thế nên mới có lễ khai giảng mà Nguyệt Hà, học sinh Trường THCS thuộc Q.Đống Đa (Hà Nội), kể: “Hồi cháu vào lớp 6, trước lễ khai giảng một tuần, chúng cháu phải đi “tập khai giảng”. Vì là học sinh mới nên chúng cháu sẽ phải đi qua lễ đài trong tiết mục “đón học sinh lớp 6”.
Cháu nhớ năm ấy trời mưa tầm tã, chúng cháu vẫn phải xếp hàng ở ngoài cổng trường để tập dượt. Các thầy cô phải giả làm khách mời quan trọng bước xuống, đưa biển tên cho lớp trưởng mỗi lớp để cho chúng cháu làm quen. Mọi việc từ hô khẩu hiệu đến hát bài truyền thống của trường, đọc phát biểu, hứa hẹn của học sinh đều được làm như thật vào các buổi “tổng duyệt lần 1”, “tổng duyệt lần 2”… Vì thế khi lễ khai giảng diễn ra thật, chúng cháu chỉ thấy mệt mỏi và mong sớm kết thúc”.
Trong khi đó, một học sinh lớp 12 trường THPT tại TP.HCM, cũng tâm sự: “Trường mình năm nào cũng có lãnh đạo tới dự, có bác rất thân thiện tới bắt tay học sinh, kể ra tụi mình cũng rất hãnh diện. Tuy nhiên, khi phát biểu nhiều bác cứ cầm giấy đọc bài viết đã được soạn sẵn theo cách của văn viết chứ không phải văn nói, nghe dễ chán và mơ hồ, sáo rỗng. Vì thế nên tụi mình thường không nghe mà ngồi nói chuyện riêng, có năm mình cố nghe nhưng không thấm được câu nào. Phải chi các bác phát biểu như anh chị cựu học sinh thì hay biết mấy: rất ngắn gọn nhưng tạo cảm xúc đặc biệt, tạo hứng thú học tập cho học sinh tụi mình. Như năm trước, chỉ một câu nói của anh cựu học sinh mà như tiếp thêm sức mạnh học tập cho mình: “Những gì các anh chị làm được thì các em cũng sẽ làm được, quan trọng là mình có muốn hay không?”.
Tôi khó chịu nhất là việc các vị lãnh đạo đến dự khai giảng không đúng giờ, chỉ vì 1 – 2 người mà hơn 2.000 học sinh, giáo viên phải chờ đợi trong tiết trời oi bức, nắng nóng chói chang. Có năm giận quá, tôi đã cho tiến hành lễ khai giảng đúng giờ, không chờ đợi gì nữa. Có năm, vì không muốn kéo dài buổi lễ nên tôi đã đến hỏi vị lãnh đạo rằng: “Bây giờ trễ quá, trời lại nắng, anh có muốn phát biểu không?”, thế là họ không phát biểu nữa |
Nguyên hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM |
Vơi bớt sự thiêng liêng, xúc động…
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhận định: “Việc tổ chức những lễ khai giảng cho người lớn bây giờ rất phổ biến, đến nỗi các trường đều xem đó là “kịch bản mẫu”, nhất là khi có khách mời quan trọng. Cách làm đó đã dần dần khiến ngày khai giảng vơi bớt sự thiêng liêng, xúc động đối với nhiều thầy cô giáo, học sinh. Chuyện người ta dùng quan hệ này, quen biết kia để mời được các khách mời quan trọng đến dự khai giảng tôi cũng có nghe. Nhưng là hiệu trưởng một trường, tôi nghĩ lễ khai giảng là của chúng tôi, của thầy và trò. Vì thế tôi không vận động hành lang ai cả”.
“Cũng có năm trường tôi nhận được thông báo có lãnh đạo cấp trên đến dự, do họ quan tâm tới mô hình giáo dục của trường tôi. Nhưng nhiều năm nay không có lãnh đạo dự, chúng tôi vẫn tổ chức lễ khai giảng bình thường, trang trọng và vui. Chuyện một số trường vì có lãnh đạo các cấp dự mà phải dịch chuyển thời gian tổ chức để phù hợp với giờ của lãnh đạo, phải công phu tập dượt để trình diễn với khách mời giờ cũng phổ biến, cái này nên thay đổi. Nhưng để có thể thay đổi cần có một sự thay đổi trước về nhận thức, và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành GD-ĐT” – thầy Lâm nói.
Chị Hà Thanh (ở Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) nói: “Tôi có thời gian công tác tại nước ngoài, con tôi cũng học ở nước ngoài những năm đầu tiểu học. Ấn tượng về ngày khai giảng của con tôi thật sâu sắc. Khi tôi và nhiều phụ huynh khác đưa con đến trường, toàn bộ thầy cô giáo của trường đã đứng hai bên cổng trường từ rất sớm, đứng đầu là thầy hiệu trưởng. Mỗi cháu bé bước vào cổng trường đều nhận được tiếng vỗ tay, những lời động viên trìu mến. Cô giáo chủ nhiệm đích thân đón từng học sinh vào lớp. Khi chuyển trường cho con về Việt Nam, năm đầu tiên tôi thật sự sốc khi không phải thầy cô đứng đón các con trong lễ khai trường mà ngược lại: học sinh phải đến rất sớm để xếp hàng chờ đón đại biểu. Nhân vật chính của lễ khai giảng không phải học sinh cũng không phải thầy cô giáo mà là khách mời!”.
TP.HCM: đồng loạt khai giảng vào ngày 5-9 Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn gửi các đơn vị trực thuộc nhắc nhở những đơn vị đồng loạt tổ chức khai giảng năm học 2015 – 2016 vào sáng 5-9. Theo đó, buổi lễ khai giảng năm học mới 2015 – 2016 phải được tổ chức trang trọng có cả phần “lễ” và phần “hội”: tổ chức phần “lễ” súc tích, ngắn gọn; tổ chức phần “hội” với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian tươi vui, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới. Bên cạnh đó, cần lồng ghép vào lễ khai giảng là lễ đón học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10), vận động phụ huynh học sinh cùng tham gia. Sở cũng yêu cầu các trường phải tổ chức cho toàn thể học sinh hát quốc ca tại lễ khai giảng. (HOÀNG HƯƠNG) |