11/01/2025

Hồi hộp nộp, rút hồ sơ

Do không lường trước tình hình nên năm nay những thí sinh có điểm thi không cao nhưng lỡ nộp hồ sơ vào các trường năm trước có mức điểm “dễ chịu” đang ở ngưỡng “nguy hiểm” nhất.

 

Hồi hộp nộp, rút hồ sơ

 

 

Do không lường trước tình hình nên năm nay những thí sinh có điểm thi không cao nhưng lỡ nộp hồ sơ vào các trường năm trước có mức điểm “dễ chịu” đang ở ngưỡng “nguy hiểm” nhất.



Vào những ngày gần kết thúc xét tuyển đợt 1, việc nộp rút hồ sơ ở các trường ĐH càng căng thẳng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vào những ngày gần kết thúc xét tuyển đợt 1, việc nộp rút hồ sơ ở các trường ĐH càng căng thẳng 
– Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cao không tới, thấp không thông
Thí sinh (TS) có mức điểm trên dưới 20 hiện đang rất bối rối khi rơi vào tình trạng “cao không tới, thấp không thông”.
B.T.Y (quê ở Quảng Xương, Thanh Hoá) mong ước theo học ngành kế toán Trường ĐH Thương mại. Kỳ thi THPT quốc gia, Y. đạt 19 điểm cho 3 môn toán – lý – hoá, nếu tính điểm xét tuyển Y. sẽ được 20 (được thêm 1 điểm ưu tiên khu vực). Căn cứ vào điểm chuẩn ngành kế toán của trường này năm ngoái, Y. tự tin nộp hồ sơ.
Tuy nhiên, sáng 14.8, Y. phải lọ mọ dậy từ lúc 4 giờ ra Hà Nội rút hồ sơ. Y. cho biết em tham khảo danh sách TS đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Thương mại thì thấy trong số những TS có nguyện vọng (NV) 1 vào ngành kế toán của trường, em đứng ở vị trí 1.483, trong khi chỉ tiêu vào ngành này dành cho khối A là 225. Y. chia sẻ: “Em đang suy tính nên nộp vào trường nào. Mọi năm, trong khối trường kinh tế – tài chính, ĐH Thương mại có điểm chuẩn “dễ chịu” nhất. Năm nay chắc chắn vẫn thế nên đã trượt thương mại thì em không còn hy vọng gì ở những trường còn lại. Có thể em sẽ phải nộp hồ sơ một trường kỹ thuật nào đó có ngành kế toán, chẳng hạn ĐH Công nghiệp Hà Nội hoặc ĐH Giao thông vận tải”.
Trong số những TS đến rút hồ sơ ở Trường ĐH Thương mại ngày 14.8 mà chúng tôi gặp, hầu hết đều có mức điểm từ 19 – 21. Chị Ly, phụ huynh TS Phan Khánh L. (ở Sơn Tây, Hà Nội) cho biết con chị tuy được 21 điểm khối D nhưng chị vẫn quyết định rút vì cảm giác thiếu an toàn. “Tôi rút hôm nay vì muốn có đủ thời gian xoay xở. Tôi nghĩ tuần sau sẽ rất đông TS rút hồ sơ, dẫu muốn rút chắc gì đã kịp. Thà mất 30.000 đồng lệ phí và mất công đi lại một chút để được cảm giác yên tâm là cháu sẽ đỗ vào một trường nào đó trong đợt 1”, chị Ly nói.
Nhiều TS và phụ huynh khác cũng cho biết họ không thể ngờ lượng TS trên dưới 20 điểm đổ về Trường ĐH Thương mại đông đến thế! Một phụ huynh phân tích: “Với những cháu có ước mong học ngành kinh tế nhưng kết quả chỉ trên dưới 20 điểm/3 môn thì hầu hết nghĩ ngay đến trường này. Những cháu được điểm cao hơn một chút thì nghĩ tới Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính…, cao hơn nữa là ĐH Ngoại thương. Chẳng thế mà ngành kế toán của Trường ĐH Thương mại khối A TS điểm cao nhất (tính cả điểm ưu tiên cũng chỉ 25,5). Nhưng từ nấc 19 điểm lên 25,5 là 1.679 em, trong khi chỉ tiêu là 225. Điều này có nghĩa là thời điểm này có hơn 1.000 em cần phải tìm phương án khác”.
Xoay xở sang hướng khác
Chị Hường, một phụ huynh ở Hà Nội, cho biết con chị thi khối D được 19 điểm. Ban đầu cháu định nộp hồ sơ vào Trường ĐH Thương mại nhưng chần chừ, đến thời điểm này thấy các bạn có nấc điểm tương đương ồ ạt rút hồ sơ thì sợ quá nên đang tính xoay sang hướng khác. Chị Hường than thở: “Cháu thích học ngành kinh tế nên đang hy vọng vào cơ hội ở Viện ĐH Mở. Nhưng giờ nếu như cả nghìn bạn trên 19 điểm rút hồ sơ đều chạy sang Viện ĐH Mở thì sao? Nếu cháu muốn học các ngành kỹ thuật thì còn có nhiều cửa khác. Nhưng cháu cứ khăng khăng học kinh tế nên có lẽ phải tính đến Trường ĐH Công đoàn hoặc một trường dân lập nào đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện khá nhiều phụ huynh có con trên 20 điểm (khối A và D1) vẫn chần chừ chưa dám nộp hồ sơ vì sợ mất công rút ra rút vào, thậm chí nếu không kịp rút thì sẽ không thể nộp hồ sơ trước ngày 20.8 khi mà 3 ngày các trường mới cập nhật danh sách một lần.
Chị Tiết (ở tổ 15, P.Phúc Đồng, Q.Long Biên, TP.Hà Nội) là một ví dụ. Con chị được 21 điểm khối A, hiện vẫn “găm” giấy báo kết quả ở nhà, chờ thứ hai tới tính tiếp. Ngay cả những phụ huynh con có kết quả 24 – 25 điểm cũng lo khi mà con họ quá quyết liệt trong việc chọn ngành. Chị Oanh, phụ huynh của TS L.H.D (cựu học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái) cho biết D. được 25 điểm, chỉ thích trường dược, nhưng sau khi nghe nói 26,5 điểm cũng đừng mơ vào trường này nên sợ. “Hiện cháu đang chuyển sang nghiên cứu các khối trường kinh tế mà Học viện Ngân hàng là ưu tiên số 1. Thông tin trên website của trường chỉ xếp vị trí TS theo điểm thi mà chưa tính điểm ưu tiên nên cháu vẫn lo sẽ trượt, thành ra cứ chần chừ. Mãi tới chiều tối hôm qua, trường mới bổ sung danh sách cập nhật vị trí theo tổng điểm đã bao gồm điểm ưu tiên thì mọi vấn đề mới sáng lên chút ít”, chị Oanh nói.

Quý Hiên