Bắt mạch kinh tế Trung Quốc
Đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn còn giảm khoảng 4% sau ba lần phá giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.
Bắt mạch kinh tế Trung Quốc: Nhà giàu do dự, nhà nghèo thờ ơ
Đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn còn giảm khoảng 4% sau ba lần phá giá của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC). Điều đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.
Người nghèo Trung Quốc dường như “ngoài cuộc” với những thay đổi tiền tệ – Ảnh: AFP |
Thời báo Kinh Doanh Trung Quốc nhận định động thái điều chỉnh giá đồng nội tệ diễn ra vào lúc Bắc Kinh khuyến khích người dân tăng tiêu dùng nội địa và giới sản xuất nâng cấp công nghệ từ nguồn nhập khẩu.
Tờ báo lý giải: PBOC thực thi chính sách “phá giá đồng nội tệ” sẽ thúc đẩy xuất khẩu, làm cho hàng hoá của Trung Quốc ở nước ngoài rẻ hơn. Tuy nhiên, động thái này sẽ khiến hàng hoá nhập khẩu đắt đỏ hơn.
Dân có tiền băn khoăn
Ông Lưu Lợi Cương, nhà kinh tế trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Đại Trung Hoa của Ngân hàng ANZ (Úc), nhận định động thái phá giá CNY sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực nhập khẩu của Trung Quốc.
“Người Trung Quốc sẽ chi ít hơn cho các loại hàng hoá sang trọng và những hàng có chất lượng, trong đó có cả những mặt hàng như thịt bò Úc hay sữa New Zealand” – ông Lưu giải thích.
Trên thực tế người tiêu dùng Trung Quốc đang có dấu hiệu “lạc quan thận trọng” khi đồng nội tệ giảm giá. Nhiều người đang nín thở theo dõi diễn tiến của đồng nội tệ để quyết định chuyển hướng đầu tư sang ngoại tệ khác hay không.
Ông Chung Đình Khôi, cư dân Thượng Hải, cho biết đang phân vân có nên rút CNY để mua USD hay không vì sợ đồng nội tệ tiếp tục rớt giá. Thực tế, ở Thượng Hải một số người đã bán CNY để mua USD.
Trái lại, không ít người hưu trí, người có thu nhập trung bình khá vẫn “tự tin” để tiền trong tài khoản tiết kiệm bằng CNY. “Tôi vẫn không rút tiền và chờ đợi. Tôi tin đồng CNY sẽ tăng giá trở lại” – ông Ngô Minh, viên chức về hưu ở Bắc Kinh, tự tin cho biết.
Đồng nội tệ giảm giá cũng đang ngăn bước chân của hàng triệu du khách Trung Quốc muốn ra nước ngoài mua sắm. Tổng cục Du lịch Trung Quốc cho biết hằng năm có 100 triệu công dân ra nước ngoài du lịch kết hợp mua sắm. Người Trung Quốc hiện nay chi mạnh vào các mặt hàng như nước hoa, thời trang cao cấp và các nhu yếu phẩm chất lượng cao.
Bà Hoàng Học Thường ở Quảng Châu cho biết do quan ngại CNY giảm giá tiếp nên đã hủy chuyến du lịch – mua sắm đến Hàn Quốc vào cuối tháng này. Thay vào đó, bà chỉ đi Thái Lan ngắm cảnh để tiết kiệm.
Từ Quảng Tây, chủ cửa hàng thời trang Hoàng Thuỵ Phân cũng quả quyết rằng cô sẽ không mua hàng sang trọng trong chuyến du lịch Hong Kong mà chờ cho đồng nội tệ tăng giá trở lại.
Còn anh Quản Tần Hoa, cư dân Thâm Quyến, cho biết sẽ cắt bớt chi tiêu mua sắm hàng hóa ở trong nước cũng như ở Hong Kong do CNY mất giá. Quản cho biết anh thường đi mua sắm rất nhiều hàng hoá từ vàng, dầu gội đến các sản phẩm chăm sóc da và dược phẩm.
“Nếu CNY tiếp tục giảm giá, có lẽ tôi sẽ giảm chi tiêu và bớt ra nước ngoài” – Quản cho biết.
Con nhà nghèo thờ ơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-8, một số du học sinh Việt Nam đang theo học các trường đại học, cao đẳng tại Thượng Hải cho biết cuộc sống của họ ở Trung Quốc cũng có ảnh hưởng từ việc CNY giảm giá nhưng không nhiều.
Như cô T.H. đang học ở Học viện Thể thao Thượng Hải cho biết chi tiêu của du học sinh Việt Nam tại địa phương này “dễ thở” hơn so với thời gian trước vì chi phí cuộc sống ở Thượng Hải thường đắt đỏ hơn các tỉnh thành khác ở Trung Quốc.
Du học sinh Q.H., đang theo học Trường ngôn ngữ Đông Hoa, cho rằng đồng CNY giảm giá với biên độ như những ngày qua chỉ ảnh hưởng lớn tới hệ thống ngân hàng và giới đầu tư ngoại tệ, những người kinh doanh lớn.
Trả lời Tuổi Trẻ, một phụ nữ nội trợ họ Kiều ở Quảng Châu cho biết chính sách giảm giá nội tệ của chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa thấy có ảnh hưởng cụ thể đến cuộc sống hằng ngày của giới bình dân.
Một phần là do người có thu nhập thấp không hiểu nhiều về chính sách này và giá một số hàng hóa nội địa vẫn còn cao so với thu nhập của giới lao động bình dân; phần khác là CNY rẻ thì chỉ có giới “buôn” tiền, kinh doanh hàng hoá nhập khẩu và các nhà xuất khẩu quan tâm vì ít nhiều có ảnh hưởng đến “túi tiền” của họ.
Nguy cơ phản tác dụng
Trung Quốc đang cố tái cân bằng nền kinh tế và giảm thặng dư thương mại. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã chủ động giảm thuế nhập nhẩu một số hàng hoá, đồng thời đưa ra những cam kết nới lỏng một phần trong thương mại điện tử xuyên quốc gia để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình khá trở lên.
Ông Tập Phong – nhà phân tích kinh tế độc lập ở Thượng Hải – đánh giá chính sách phá giá CNY của chính phủ là được khi cho rằng nhu cầu hàng hoá nhập khẩu sẽ không bị tác động mạnh.
Chuyên gia này nhận định dù diễn biến cổ phiếu của Hãng Apple hoặc những nhãn hàng sang trọng khác có giảm mấy ngày qua nhưng không quá nghiêm trọng.
“Tôi cho rằng tỉ giá CNY giảm 3-4% sẽ không ảnh hưởng lớn đến như thế. Tầng lớp tiêu dùng trung lưu Trung Quốc vẫn thích chi tiền mua hàng nước ngoài hơn” – ông Tập nhấn mạnh.
Nhưng chuyên gia này cũng cảnh báo rằng nếu “chính sách phá giá đồng nội tệ” này không khôi phục được lòng tin của người tiêu dùng thì nó sẽ phản tác dụng và kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.
Chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chi tiêu của người dân Trung Quốc. Thêm vào đó, nếu tỉ lệ tăng trưởng trong khối sản xuất của Trung Quốc tiếp tục trì trệ thì giới nhà giàu Trung Quốc có khả năng sẽ chuyển tài sản và vốn đầu tư của họ ra nước ngoài.
“PBOC rõ ràng đang tìm cách ngăn chặn tình trạng này xảy ra, cụ thể là họ khẳng định tỉ giá hối đoái sẽ bình ổn” – ông Tập giải thích.
Giới quan sát cũng cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã tính toán có chủ ý thời điểm tung ra chính sách “phá giá đồng nội tệ” vì họ hi vọng biện pháp này có thể giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với người tiêu dùng nội địa Trung Quốc, do “chính sách tăng giá đồng CNY” mà họ thực hiện gần một năm qua gây ra.
Cụ thể, đồng CNY đã tăng giá quá nhanh (khoảng 30%) so với một số ngoại tệ khác trong một năm qua khi Chính phủ Trung Quốc muốn chuyển cơ cấu kinh tế sang hình thức tiêu dùng nội địa, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tạp chí Tài Kinh dẫn lời chuyên gia kinh tế của Công ty chứng khoán Mizuho, ông Thẩm Kiến Quang lý giải khi đồng CNY mạnh sẽ khiến hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn, từ đó sẽ kích cầu nội địa. Nhập khẩu bình quân hằng năm của Trung Quốc lên đến 1.400 tỉ USD, tương đương 40% GDP của nước này.
Trong tình hình xuất khẩu giảm 8,3% như hiện nay, việc tăng tiêu dùng của hộ gia đình sẽ dẫn đến tăng nhanh giá hàng hoá sản xuất trong nước. Khi đó, tỉ giá hối đoái tổng hợp thực tế của đồng CNY tăng giúp ích cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ xuất khẩu và đầu tư sang tiêu thụ nội địa.
Song, nhu cầu nội địa của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Bằng chứng là nhập khẩu sụt giảm 17,6% trong tháng 5 và hơn 8% trong tháng 7 vừa qua. Việc Trung Quốc giảm giá CNY sau thời gian tăng nóng đồng tiền này là muốn xoa dịu những căng thẳng khi nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc không theo kịp với chính sách kích cầu của chính phủ.
Cam kết ổn định CNY
Hôm qua, PBOC cam kết sẽ đảm bảo sự ổn định của đồng CNY. Cùng ngày, PBOC đã nâng giá đồng CNY lên 0,05% so với đồng USD, đứng ở mức 6,3975 CNY/USD, cao hơn mức 6,4010 của ngày trước đó. “Hiện tại không có cơ sở nào để tiếp tục giảm giá đồng CNY” – một quan chức PBOC tuyên bố. Theo Wall Street Journal, các thị trường chứng khoán ở Sydney (Úc), Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Wall Street (Mỹ) ổn định và tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá các loại tiền tệ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn còn giảm. Đồng AUD của Úc giảm 0,9%, won của Hàn Quốc 1%, đồng ringgit Malaysia hạ 0,8%. |