Anh nhường em học để đổi đời
Hai vợ chồng có chín người con, trong đó bốn người đã và đang học đại học, bốn người đang học phổ thông đều có thành tích khá giỏi. Duy nhất người con cả phải dừng lại vì chuyện nghĩa tình.
“TIẾP SỨC NHÀ NÔNG CHO CON ĐẾN TRƯỜNG” 2015
Anh nhường em học để đổi đời
Hai vợ chồng có chín người con, trong đó bốn người đã và đang học đại học, bốn người đang học phổ thông đều có thành tích khá giỏi. Duy nhất người con cả phải dừng lại vì chuyện nghĩa tình.
Ông Nguyễn Văn Chức hay lục lại giấy khen cũ của các con đã vào đại học để kể cho những người con nhỏ hơn về sự cố gắng của anh chị – Ảnh: Mai Vinh |
Câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Chức (52 tuổi) và bà Nguyễn Thị Ngát (50 tuổi) ở rừng núi quạnh hiu xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) hàm chứa sự tần tảo, hi sinh.
Anh nhường học cho em
Trong căn nhà vá chằng vá đụp giữa cánh rừng mưa đang kéo về kín trời, ông Chức vui mừng kể chuyện những đứa con đã vào đại học. Rồi ông chợt chùng xuống khi nhắc về người con cả Nguyễn Minh Phước (nay 29 tuổi) đã quyết định nghỉ học để cùng cha mẹ nuôi các em đến trường (lúc này gia đình ông Chức có bảy người con).
Ông kể năm đó Phước học lớp 10, là lớp phó học tập. Đang giữa buổi học, ông thấy Phước mang dụng cụ làm cỏ ra phụ ông. Ông thắc mắc, Phước lặng thinh. Trời sắp tối, Phước nói cha cho con nghỉ học phụ nuôi các em, tới hạn đóng học phí rồi mà không đứa nào có tiền nộp. Phước bảo hôm nay con quyết rồi nên con bỏ học về.
Là người nóng nảy và luôn quan tâm tới chuyện học của con, ông Chức tuốt cây cà phê đánh Phước khóc ấm ức. Năm ngày sau, cũng giữa buổi học Phước về nhà. Cầm tiền đưa cho ông Chức và bảo tiền này phụ cha mẹ đóng học phí cho em.
“Con nghỉ học năm ngày rồi, nếu cha đánh, con cũng chịu. Tiền này con đi làm mướn mà có. Con nghỉ thì em con mới đi học trọn vẹn như ý cha mẹ” – Phước nói quyết liệt và đưa lưng sẵn sàng hứng trận đòn từ cha. Ông Chức bỏ đi vào rẫy không nói gì. Bà Ngát nhìn con khóc, cám cảnh cho nỗi gia đình đông con.
Ông Chức xác định rõ chỉ có học mới thoát được nghèo nên chuyện Phước nghỉ học khiến ông day dứt mãi đến bây giờ.
Trong nhà, chỉ tấm giấy khen của Phước được ông lồng kính treo trang trọng. Ấy là cách ông Chức tự nhắc nhớ mình về sự hi sinh của người con cả hiếu thảo và cũng là cách ông tự động viên mình không ngừng cố gắng để không có thêm người con nào gián đoạn đường học. Những người em của Phước nhìn sự hi sinh của anh và tự hiểu mình nên làm gì cho đúng.
Cưu mang nhau giữa Sài Gòn
Nhà nằm giữa rừng, đi bộ mất hơn một giờ mới đến trường. Mùa mưa, gần như không thể đến được trường. Ông Chức quyết định đưa con ra trung tâm huyện trọ để các con toàn tâm lo ăn học. Ông sắp xếp đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ, quây quần tự lo ăn học, còn ông chỉ đứng từ xa quan sát và lo cơm gạo.
Cách nay 15 năm, việc một người không có một mảnh đất vườn mà dám cho con đi trọ học xa nhà là chuyện lạ. Để rồi từ đó, ông Chức đã nghèo còn nghèo thêm. Những cái bàn, cái ghế trong căn nhà đơn độc giữa rừng cứ lần lượt bị bán đi khiến căn nhà trống thêm rỗng. Ông cùng vợ và người con cả chia nhau đi khắp huyện làm mướn cho những chủ vườn cà phê để có tiền mỗi tuần mua gạo và đóng tiền học cho các con.
Lần lượt bốn người con vào đại học, tự lo cho mình bằng học bổng và còn đi làm thêm để phụ cha mẹ lo chuyện học cho những em nhỏ hơn.
Ông Chức kể: “Ở Sài Gòn, đứa anh thiếu gạo thì đã có đứa em mang gạo tới, đau ốm thì gom góp nhau chút ít tiền đi khám bệnh. Cứ thế chúng cưu mang nhau những ngày xa nhà trọ học và trưởng thành”. Nguyễn Thị Trang (23 tuổi, con gái ông Chức) kể cha hay dặn cả nhà: “Một mình cha mẹ có mọc thêm vài đôi tay nữa cũng không thể đủ sức lo cho các con học tới nơi tới chốn. Nhưng chỉ cần các con chịu thương chịu khó một chút là nhà mình ai cũng được học hành tử tế”.
Quyết tâm để 8 người con học đại học Khó khăn vẫn còn bủa vây ngôi nhà nghèo khó ấy khi ông Chức mắc bệnh gan mãn tính, còn vợ ông do sinh nhiều nên sức lao động đã suy giảm. Dù vậy, ông vẫn lạc quan vì những người con của ông đã quen san sẻ, nương tựa nhau qua khó khăn và rồi đây tám người con đều sẽ được học đại học. Các con sẽ thay cha mẹ thực hiện giấc mơ đổi đời. |
Thêm 9,5 tỉ đồng tiếp sức nhà nông cho con đến trường “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 398 của báo Tuổi Trẻ. Nhà tổ chức năm nay là báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Lâm Đồng và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tài trợ. Mục đích của chương trình nhằm giúp các hộ nông dân có nguyện vọng chăn nuôi vươn lên thoát nghèo để có điều kiện nuôi con em ăn học. Từ năm 2010-2014, với tổng số vốn tài trợ 30,5 tỉ đồng, chương trình đã đến với 1.200 hộ nông dân tại 14 tỉnh: Long An, Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Tiền Giang, Nghệ An. Trong năm 2015, với tổng kinh phí 9,5 tỉ đồng, chương trình tiếp tục triển khai đến 360 hộ nông dân tại sáu tỉnh: Bình Thuận, Trà Vinh, Hải Dương, Hà Nam, Lâm Đồng, Quảng Nam. Theo đó, mỗi hộ nông dân sẽ được vay 15 triệu đồng không lãi suất trong hai năm và nhận hỗ trợ thức ăn chăn nuôi của GreenFeed trị giá 3 triệu đồng; 360 học sinh – sinh viên là con các hộ nông dân tham gia chương trình được nhận phần thưởng trị giá 1 triệu đồng và phần thưởng đạt thành tích học tập tốt sau mỗi năm học. Bên cạnh đó Công ty GreenFeed còn hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí trong suốt hai năm. Tại Lâm Đồng vào tối 15-8, 60 nông dân có hoàn cảnh khó khăn, không có công việc ổn định ở hai huyện Bảo Lâm, Lâm Hà sẽ được chương trình trao vốn. |