12/01/2025

Học đại học để thay đổi thôn làng

Hảng Thị Váng là cô học trò người Mông đầu tiên của thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị bước vào ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Váng đạt 21,5 điểm (khối C).

 

Học đại học để thay đổi thôn làng

 

Hảng Thị Váng là cô học trò người Mông đầu tiên của thôn Cư Dhắt, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị bước vào ĐH. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua Váng đạt 21,5 điểm (khối C). 



Hảng Thị Váng (ngồi) làm hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Quy Nhơn chiều 10-8 - Ảnh: T.THÀNH
Hảng Thị Váng (ngồi) làm hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Quy Nhơn chiều 10-8 – Ảnh: T.THÀNH

Cô học trò nghị lực cho biết sẽ đăng ký vào ngành công tác xã hội Trường ĐH Quy Nhơn.

“Phụ nữ Mông nơi mình ở thường sinh rất nhiều con nhưng chăm sóc lại không tốt, lấy chồng rồi thì coi mình đã già, không cần làm đẹp nữa… Mình muốn học ngành công tác xã hội để làm tuyên truyền ở hội phụ nữ, trung tâm y tế cộng đồng nhằm vận động người dân, nhất là phụ nữ, phải thay đổi nhận thức, bỏ lối sống lạc hậu” – Váng giải thích về lựa chọn của mình.

Mình phải đi học ĐH. Mình muốn người Mông trong thôn mình và các thôn khác phải chú ý đến sức khoẻ, vệ sinh bản thân và môi trường. Mình mong họ bỏ hẳn quan niệm không có con trai thì sinh đến bao giờ có mới thôi và đứa trẻ cần được chăm sóc tốt để tránh bị ốm đau, có thể trạng và sức khoẻ tốt. Mình phải đi học để có thể nói với mọi người về điều đó…
HẢNG THỊ VÁNG

* Nghe kể việc đến trường của bạn khá vất vả?

– Năm mình 2 tuổi, gia đình chuyển từ Lào Cai vào khu vực rừng sâu của xã Cư Đrăm sinh sống. Cuộc sống quá vất vả nên anh chị em mình đều không đi học. Mãi đến khi có trường cấp I mở gần nhà mình mới được đi học cùng em gái. Từ khi lên cấp II, gần nhà không có trường nên – như nhiều trẻ em người Mông ở khu vực này – tụi mình ra những dãy lều tạm do bố mẹ lấy cây rừng, tre nứa ra gần Trường THCS Cư Đrăm và THPT Trần Hưng Đạo (trung tâm xã Cư Đrăm, cách nhà Váng gần 30km) mượn đất dựng tạm cho con em theo con chữ. Suốt bảy năm trời tụi mình đều phải tự túc chuyện cơm nước, học hành tại đây. Thứ bảy hoặc chủ nhật lại đón xe buýt về nhà lấy thêm gạo, mắm, bó củi để tiếp tục trọ học vào tuần sau…

* Nhiều cô gái người Mông thường lấy chồng sớm. Bạn đã 20 tuổi nhưng quyết đi học, không chịu lấy chồng, lý do vì đâu?

– Ở chỗ mình nhiều cô gái 14 – 15 tuổi là gia đình bắt lấy chồng, sinh con và an phận. Trong thôn, mình là người duy nhất đã 20 tuổi mà chưa chịu lấy chồng, đã học hết lớp 12 và đăng ký học ĐH. Đôi lúc cũng thích lấy chồng như các bạn vì bằng tuổi mình nhiều bạn đã có con học mẫu giáo (cười).

Tuy nhiên, lý do chính khiến mình chưa muốn lấy chồng vì sợ chưa đảm đương được việc làm vợ. Mình bé thế này, chắc không đủ sức theo chồng lên nương rẫy bẻ bắp, nhổ mì, vác củi đâu… Không những thế, mình nghĩ 20 tuổi vẫn còn quá trẻ để phải bó buộc vào cuộc sống gia đình, mình muốn đi học.

* Sao bạn lại chọn ngành công tác xã hội?

– Ban đầu mình cũng có dự định học ngành sư phạm lịch sử (Váng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử năm lớp 9 và 12) nhưng sợ khó tìm việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, lý do chính chọn ngành công tác xã hội là nhằm trang bị kiến thức để sau này đi tuyên truyền bà con dân tộc mình thay đổi nhận thức, quan niệm lạc hậu về việc sinh con quá đông, thay đổi quan điểm về việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường sống sao cho tốt…

Người Mông có một quan niệm là phải sinh thật đông con, phải có con trai, chưa có thì sinh đến khi nào có mới thôi. Ngay như chị gái mình mới 28 tuổi đã có 5 đứa con, đứa nào cũng nheo nhóc. Hơn nữa, người Mông sinh con nhưng nuôi không tốt, chủ yếu “trời sinh, trời dưỡng”. Nhà nước đưa văcxin về tận xã tiêm miễn phí cho trẻ em nhưng rất ít phụ nữ đưa con đến. Ngoài ra, phụ nữ mới sinh 3 – 4 tháng vẫn phải địu con lên rẫy lao động, mẹ vừa mất sức khoẻ mà trẻ bị cháy nắng, còi cọc…

Thêm nữa, phụ nữ Mông có chồng rồi sẽ không quan tâm đến hình thức bên ngoài, tự nhận mình già. Trong thôn có nhiều bạn nữ mới 17 – 18 tuổi (đã có 1 – 2 con), còn ít tuổi hơn mình mà lúc nào cũng nói “mình có chồng rồi, già rồi, chăm chút làm gì nữa”. Mình thấy như vậy rất lạc hậu. Các bạn còn trẻ nhưng không chú ý đến sức khoẻ bản thân, sức khoẻ sinh sản. Hơn nữa, đâu phải đàn ông người Mông không thích ngắm vợ mình đẹp (cười).

Cô lớp trưởng năng động

Thầy Trần Huy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 của Hảng Thị Váng, cho biết Váng là học sinh năng động, chịu khó học tập. Là lớp trưởng nên ngoài chuyện học, Váng còn rất trách nhiệm trong các công việc chung của lớp, của trường. Vì nhà xa trường, có những thứ bảy, chủ nhật Váng không về nhà mà ở lại lều tạm tham gia các hoạt động chung.

Cũng theo thầy Huy, phần lớn học sinh người Mông và các dân tộc thiểu số khác việc theo kiến thức chung có gặp khó khăn, riêng Váng nhờ siêng năng nên học khá giỏi, đặc biệt các môn xã hội. “Kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, Váng là một trong ba học sinh người Mông đăng ký thi xét tốt nghiệp lẫn ĐH và có số điểm khá cao” – thầy Huy chia sẻ.

 

TRUNG TÂN – TIẾN THÀNH