29/11/2024

Để những đôi chân biết đi

Không hẹn mà trên kệ sách thời gian qua cùng lúc xuất hiện nhiều đầu sách về nuôi dạy con khá hữu ích cho các bậc làm cha làm mẹ.

 

Để những đôi chân biết đi

 

Không hẹn mà trên kệ sách thời gian qua cùng lúc xuất hiện nhiều đầu sách về nuôi dạy con khá hữu ích cho các bậc làm cha làm mẹ.



Các quyển sách về chủ đề nuôi dạy con được xuất bản gần đây - Ảnh: B.ANH
Các quyển sách về chủ đề nuôi dạy con được xuất bản gần đây – Ảnh: B.ANH

Trong diễn đàn “Tuổi 18 đã lớn chưa?” trên báo Tuổi Trẻ, nhiều ý kiến cho rằng trẻ em ở các nước phát triển tự lập hơn trẻ em Việt Nam và các bậc cha mẹ Việt hãy học những ông bố bà mẹ đó. Vậy ông bố bà mẹ ở các nước như Pháp, Mỹ và Nhật đã nuôi dưỡng kỹ năng tự lập cho con mình như thế nào? Đây là một chủ đề được bàn nhiều trong các đầu sách về nuôi dạy con gần đây.

Bố mẹ ơi,con làm được mà!

Kẩm Nhung, tác giả cuốn sách Con là khách quý – Ghi chép về cách người Mỹ nuôi dạy con (Nhã Nam và NXB Thế Giới), thấy rằng trẻ em ở Mỹ được dạy tự lập từ khi còn rất bé, bởi đó là một trong những nhu cầu rất cơ bản của trẻ như ăn, chơi và ngủ. Cô gợi ý cha mẹ cần tinh ý nắm bắt những khoảnh khắc khi trẻ bắt đầu muốn tự đi giày hay mặc áo, lúc đó hãy để cho trẻ được tự làm càng nhiều càng tốt và hãy liên tục tìm kiếm các cơ hội đó cho con.

Không chỉ tự lập về mặt thể chất (tự làm các hoạt động hằng ngày, phụ giúp việc nhà…), trẻ em các nước phát triển còn độc lập về mặt tinh thần. Trong cuốn Dạy con kiểu Pháp – Trẻ em Pháp không ném thức ăn (Xuân Chi và Thanh Huyền dịch, Thái Hà và NXB Lao Động Xã Hội), tác giả Pamela Druckerman đã quan sát thấy trẻ em Pháp không phụ thuộc vào những lời ca ngợi của cha mẹ hoặc người lớn khác. Chúng tham gia các chuyến dã ngoại kéo dài một tuần ở trường mà không có cha mẹ đi kèm khi chỉ mới 6 tuổi, và nhất là tự tìm cách xử lý khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè hoặc với anh chị em.

Với người Pháp và Nhật, cha mẹ thường không can thiệp ngay vào những cuộc tranh cãi ở sân chơi hoặc các cuộc tranh luận giữa anh chị em trong nhà. Họ cho rằng cãi nhau, khóc lóc, giận dỗi rồi làm hoà là một quá trình tự nhiên và bình thường, qua đó trẻ sẽ học được những kỹ năng xã hội quan trọng và dần tự lập hơn về mặt tâm lý.

Buổi sáng dậy sớm là việc của ai?

Nếu cha mẹ Việt thường xuyên đánh thức con dậy vào mỗi buổi sáng để con không bị đi muộn học, thì các bậc phụ huynh Nhật lại nghĩ đó là trách nhiệm của chính bản thân trẻ. Sugahara Yuko, tác giả cuốn Cha mẹ Nhật dạy con tự lập(Nguyễn Thị Thu dịch, Quảng Văn và NXB Văn Học), lập luận: “Không phải trẻ không tự thức dậy được, mà việc cha mẹ đánh thức trẻ dậy hằng ngày đã khiến trẻ ỷ lại vào cha mẹ”.

Chia sẻ với quan điểm nuôi dạy con này, Kẩm Nhung đã dẫn lời Foster và Jim rằng: “Chỉ khi nào vấn đề của trẻ ảnh hưởng đến người khác thì bố mẹ mới phải can thiệp, điều này sẽ giúp trẻ có trách nhiệm với chính bản thân và với người khác”.

Trẻ em Pháp, theo Pamela Druckerman, được khuyến khích tự rút ra những bài học qua các vấn đề hằng ngày, ví dụ như cách để trẻ không động vào lò nướng là cho trẻ động vào một lần và nhận ra cái lò đó rất nóng. Cha mẹ hãy để trẻ tự làm và tự chịu trách nhiệm, rồi trẻ sẽ học được kinh nghiệm từ bài học nhân quả vì bất cứ việc gì cũng có nguyên nhân và kết quả.

Chất xúc tác mang tên lời khen

Lời khen giúp khẳng định giá trị và khả năng của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ Pháp cho rằng việc tán dương trẻ quá nhiều sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực lên trẻ. Khen ngợi quá đà sẽ bóp méo những động lực của trẻ, chúng sẽ bắt đầu làm việc đơn thuần là để nghe các lời khen ngợi mà mất đi nhu cầu làm việc để thoả mãn niềm vui thích thật sự. Khen ngợi chỉ là tác nhân bên ngoài để tạo động lực cho trẻ, nhưng động lực thực chất nhất và lâu dài nhất cho trẻ làm việc gì đó phải xuất phát từ bên trong trẻ, vì vậy cha mẹ cần khơi gợi những động lực bên trong này.

Khi khen con, người Mỹ sẽ tìm một số chi tiết để khen thay vì khen chung chung, như con biết dùng nhiều màu sắc quá nhỉ thay vì bức tranh này con vẽ đẹp quá. Khi được trẻ làm giúp việc gì, cha mẹ Nhật không nói con giỏi quá, con quả là người lớn, mà họ diễn tả cảm nhận của mình về việc trẻ đã làm như cảm ơn con, con đã giúp mẹ thật nhiều, mẹ rất vui…

Tập cho trẻ biết chờ đợi

Không chỉ bàn về chủ đề dạy con tự lập, hai cuốn sách Con là khách quý và Dạy con kiểu Pháp đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích khác trong việc nuôi dạy con như mang thai, cho con ăn và ngủ, dạy con kỷ luật, bà mẹ hoàn hảo không tồn tại…

Con là khách quý có một chương về cách người Mỹ dạy con học, từ học chữ, học toán, nghệ thuật đến ngoại ngữ và nhất là học cách thương lượng với người khác.

Điểm nổi bật trong cách người Pháp dạy con, theo tác giả Pamela, là họ chú trọng tập cho trẻ biết chờ đợi. Cha mẹ Pháp thường đợi một chút trước khi đáp lại các phản ứng của trẻ như con khóc, con ngã, hay con đòi hỏi điều gì… Nhờ đó, trẻ em Pháp được tạo nhiều cơ hội để rèn tính kiên nhẫn và học cách tự kiểm soát và kiềm chế những mong muốn của bản thân.

 

 

BẢO ANH