Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng xoáy bạo lực
Từ khi chính quyền Ankara tuyên bố tấn công cùng lúc cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), bạo lực có vẻ nhanh chóng bùng nổ tại đất nước này.
Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào vòng xoáy bạo lực
Từ khi chính quyền Ankara tuyên bố tấn công cùng lúc cả lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK), bạo lực có vẻ nhanh chóng bùng nổ tại đất nước này.
Nhà dân bị vỡ cửa kính sau vụ đánh bom xe nhắm vào trụ sở cảnh sát gần Istanbul ngày 10-8 – Ảnh: Reuters |
Ngày thứ hai 10-8 đã được truyền thông gọi là “ngày thứ hai đen tối” tại Thổ Nhĩ Kỳ khi cùng lúc xảy ra ba cuộc tấn công khủng bố trong ngày, hai tại thủ phủ kinh tế Istanbul và một ở tỉnh Sirnak, phía đông nam đất nước làm sáu cảnh sát thiệt mạng.
Đó là chưa kể một vụ tấn công mà theo Hãng thông tấn Dogan của Thổ Nhĩ Kỳ là do lực lượng PKK bắn súng phóng lựu vào một trực thăng quân đội làm thiệt mạng một binh sĩ ở Sirnak.
Lãnh sự quán Mỹ bị tấn công
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nhóm cực đoan bị cấm hoạt động mang tên Mặt trận Giải phóng nhân dân cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ (DHKP-C) đã tuyên bố thực hiện vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở quận Istinye, ngoại ô TP Istanbul ngày 10-8.
Trên trang web, DHKP-C thừa nhận một nữ binh sĩ của nhóm này đã tiến hành vụ tấn công nói trên. Trước đó, nhật báo Yeni Safak xác nhận tay súng nữ Hatice Asik đã xả súng vào các cảnh sát trước toà Lãnh sự quán Mỹ, sau đó chạy vào một căn nhà gần đó và đã bị cảnh sát bắt giữ.
Đối tượng này từng bị bắt giữ vì cung cấp vũ khí cho các phần tử khủng bố tấn công đồn cảnh sát ở Istanbul hồi năm 2013.
DHKP-C cũng từng thừa nhận gây ra vụ đánh bom liều chết nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ankara cách đây hai năm, khiến một nhân viên an ninh thiệt mạng. Nhóm cực đoan này tuyên bố sẽ không dừng các hoạt động khủng bố để “đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc và bè lũ để không còn các căn cứ Mỹ trên đất Thổ”.
Các vụ tấn công xảy ra trong ngày rõ ràng có chủ đích như một lời cảnh báo ngay sau tuyên bố Mỹ đang triển khai sáu máy bay chiến đấu F-16 tới căn cứ không quân Incirlik ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria để hỗ trợ chiến dịch chống IS, cũng như tuyên bố tham chiến của chính quyền Ankara nhắm vào IS lẫn PKK.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào vòng xoáy bạo lực khiến ít nhất 30 người thiệt mạng từ tháng 7” – giáo sư Jean Marcou, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ của Trường Science Po Grenoble (Pháp), nhận định.
Trong khi đó trang Foxnews ngày 11-8 dẫn nguồn quân sự Mỹ cho biết Mỹ đang rất lo ngại việc Ankara tập trung tấn công lực lượng PKK sẽ khiến Mỹ bị lôi kéo vào mặt trận mới, trong khi phía Mỹ thật sự cần tiêu diệt IS hơn.
Ngoài ra, Mỹ cũng rất không hài lòng với kiểu cách làm việc của Thổ: một quan chức cho biết sĩ quan Thổ sang thông báo chỉ 10 phút trước khi xuất kích khiến bom rơi gần nơi có lực lượng Mỹ!
Sai lầm của tổng thống?
Tình hình bạo lực nổi lên nhanh chóng khiến các chỉ trích đang nhắm vào chính sách sai lầm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Theo AFP, có vẻ chính quyền của ông Erdogan đã quá chú tâm giải quyết PKK hơn IS vì từ khi tuyên bố thực hiện cuộc chiến chống khủng bố hôm 24-7, Ankara đã thực hiện hàng chục cuộc không kích nhắm vào lực lượng PKK và chỉ có ba cuộc vào IS.
Hôm 9-8, Hãng thông tấn Anatolie của chính quyền khẳng định đã tiêu diệt 390 chiến binh của PKK và làm bị thương 400 chiến binh trong hai tuần không kích nhằm vào các căn cứ phiến quân ở phía bắc Iraq.
Reuters ngày 11-8 cho biết không quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập tức trả đũa các vụ đánh bom ngay trong đêm 10, rạng sáng 11-8, tiêu diệt 17 tay súng của PKK.
Chính kiểu tấn công “thiên vị” trên đã khiến PKK tuyên bố phá vỡ quyết định đình chiến đơn phương có từ năm 2013 với chính quyền. Thậm chí một lãnh đạo cao cấp của PKK là Cemil Bayik đã nói với Đài BBC rằng Ankara “đang bảo vệ IS và làm suy yếu PKK trước kẻ thù IS” dù thời gian qua PKK đã đưa các tay súng của mình tham chiến chống IS.
Đây là tình hình được cho là sẽ khiến Tổng thống Erdogan phải trả giá dù thời gian qua ông đã giúp biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một hình mẫu chuyển tiếp cho những đất nước Hồi giáo chuyên quyền.
Thậm chí có lúc ông Erdogan từng được ngợi ca như lãnh đạo đầu tiên của Thổ đã tiến hành được các đàm phán hoà bình với người Kurd để chấm dứt cuộc xung đột làm thiệt mạng gần 40.000 người trong 30 năm.
Đảng Công lý và phát triển (AKP) cũng là đảng chính trị cầm quyền đầu tiên thừa nhận tính hợp pháp của vấn đề người Kurd và trao cho cộng đồng thiểu số lớn này (chiếm 15-20% dân số) các quyền về văn hoá.
Có vẻ chính quyền Ankara xem mối nguy IS nhỏ hơn so với từ người Kurd, trong khi đa số dân chúng và kể cả trong nội bộ AKP lại nghĩ ngược lại.
Nguyên do nằm ở cuộc khủng hoảng Syria. Ankara lo sợ trước sự hình thành khu vực tự trị của người Kurd ở Syria, dọc biên giới với mình. Cùng với sự củng cố của người Kurd ở Iraq, chính quyền Ankara lo ngại làm dấy lên mong ước tự trị của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính những toan tính chính trị đã khiến bàn cờ thêm rối beng.
Ảnh hưởng nặng đến kinh tế Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,9%, trong khi hồi năm 2010 và 2011 nước này từng đạt đến 9%, hàng cao nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc. Giờ đây bà Ilya Lazarev, chuyên gia kinh tế ở Natixis, nhận định: “Bất ổn nội địa và ở biên giới đang khiến dự báo tăng trưởng 4% do chính phủ đặt ra khó hoàn thành. Mức tăng trưởng hẳn chỉ vào khoảng 3%”. Ảnh hưởng trước mắt chắc chắn sẽ là du lịch và thậm chí nhiều báo Thổ Nhĩ Kỳ đã lo sợ đến điều này. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ thu hút đến 21 triệu du khách mỗi năm, nằm trong số 10 quốc gia thu hút du khách hàng đầu thế giới. |