11/01/2025

Viễn cảnh loại bỏ vũ khí hạt nhân

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller cung cấp những thông tin mới nhất về tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân nhằm tránh lặp lại thảm hoạ Hiroshima, Nagasaki.

 

Viễn cảnh loại bỏ vũ khí hạt nhân

 

 

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller cung cấp những thông tin mới nhất về tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân nhằm tránh lặp lại thảm hoạ Hiroshima, Nagasaki.



Bom nguyên tử “Fat Man” được chuẩn bị cho chiến dịch hủy diệt Nagasaki năm 1945 - Ảnh: National Archives

Bom nguyên tử “Fat Man” được chuẩn bị cho chiến dịch huỷ diệt Nagasaki năm 1945
 - Ảnh: National Archives

Nhật Bản vừa tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 tưởng nhớ các nạn nhân trong 2 vụ ném bom nguyên tử vào cuối Thế chiến 2. “Little Boy”, vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới được sử dụng trong một cuộc chiến, giết chết ít nhất 140.000 người tại Hiroshima vào ngày 6.8.1945.

Ba ngày sau, đến lượt quả bom “Fat Man” tàn phá Nagasaki với hơn 70.000 người thiệt mạng. Trong 70 năm qua, bất chấp các nỗ lực giải giới vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, các dòng vũ khí hủy diệt này vẫn đang tồn tại ở số lượng đáng kể.
Ngày càng nguy hiểm
Kể từ năm 1945, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và CHDCND Triều Tiên đã thực hiện tổng cộng khoảng 2.000 vụ thử vũ khí hạt nhân. Theo Liên đoàn Khoa học gia Mỹ (FAS), ước tính hiện có khoảng 16.300 đầu đạt hạt nhân trong các kho vũ khí trên toàn thế giới, với gần 1/4 trong số này thuộc dạng “sẵn sàng triển khai bất cứ lúc nào”. Và hiện không có nước nào trong “câu lạc bộ hạt nhân” sẵn sàng từ bỏ vũ khí huỷ diệt; thậm chí còn chi hàng tỉ USD cho các dự án nâng cấp.
Dẫn đầu danh sách hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân là Mỹ và Nga. Hồi năm ngoái, Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế của Mỹ, Rose Gottemoeller cho hay kho vũ khí có hiệu lực sử dụng của Mỹ đã giảm 85% so với thời đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, từ 31.255 đầu đạn xuống còn 4.804 vào năm 2013. Tuy giảm số lượng nhưng Mỹ cũng tăng cường hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân theo hướng nâng cấp năng lực huỷ diệt của các vũ khí sẵn có. Hãng tin Al-Jazeera dẫn số liệu mới nhất từ Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược Mỹ, kế hoạch nâng cấp của Washington có thể tiêu tốn 963 tỉ USD trong giai đoạn 2014 – 2043.
Về phần mình, Nga cũng theo đuổi kế hoạch hiện đại hoá các đầu đạn chiến lược. Theo FAS, Moscow hiện sở hữu 4.500 đầu đạn hạt nhân và 1.780 đã được lắp trên các tên lửa, máy bay ném bom chiến lược.
Tương lai trong tay giới trẻ
Trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 10.8, Thứ trưởng Gottemoeller nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong nỗ lực đạt được mục tiêu cuối cùng là giải giới hoàn toàn vũ khí hạt nhân. “Dù ở Nga, New Zealand, Việt Nam hay Romania, thanh niên đều rất quan tâm đến đề tài vũ khí huỷ diệt nhưng đồng thời họ không tìm thấy đủ thông tin. Rõ ràng vấn đề này không có trong chương trình học của họ”, theo bà Gottemoeller.
Thứ trưởng Gottemoeller (phải) và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy dự lễ tưởng niệm ở Hiroshima ngày 6.8 - Ảnh: AFPThứ trưởng Gottemoeller (phải) và Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy dự lễ tưởng niệm  ở Hiroshima ngày 6.8 – Ảnh: AFP
Nữ thứ trưởng cho biết trong 5 năm qua, Mỹ liên tục tổ chức những sự kiện trong mùa hè nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ đối với đề tài vũ khí hạt nhân. Cách đây 2 tuần, Hội nghị Thế hệ Prague lần 6 đã diễn ra tại Mỹ với nội dung khuyến khích thế hệ trẻ góp phần vào sứ mệnh đầy khó khăn là hạn chế vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Bà cho rằng chính giáo dục cho giới trẻ là yếu tố chủ chốt góp phần hạn chế và dẫn đến loại bỏ vũ khí nguyên tử.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về khả năng loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, Thứ trưởng Gottemoeller dẫn lại lời phát biểu của Tổng thống Barack Obama nói: “Viễn cảnh loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân có thể sẽ chưa có được trong thời đại của chúng ta”.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải cắt giảm và loại bỏ các đầu đạn cũng như phương tiện vận chuyển; ngăn chặn sự phổ biến các vật liệu nhiệt hạch như plutonium và uranium được làm giàu cao, đóng cửa các cơ sở sản xuất hạt nhân…
Đối với câu hỏi liên quan đến tiến độ triển khai Hiệp ước NEW START về cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, Thứ trưởng Gottemoeller cho hay quá trình giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của 2 nước đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Bất chấp căng thẳng song phương hiện nay, hai bên vẫn giữ đúng các cam kết, chẳng hạn tiến hành thanh sát các cơ sở hạt nhân của nhau và trao đổi các tài liệu liên quan. Ngoài ra, bà nhấn mạnh rằng vấn đề không chỉ phụ thuộc vào Mỹ và Nga mà còn nằm trong tay tất cả những nước đang sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
Theo chuyên san Bulletin of the Atomic Scientists (Mỹ), tính đến giữa năm 2014, ngoài Mỹ và Nga thì Pháp đang sở hữu 300 đầu đạn hạt nhân. Tiếp theo là Trung Quốc (250), Anh (225), Israel (80), Pakistan (100 – 120), Ấn Độ (90 – 110) và CHDCND Triều Tiên (dưới 10).
Ngoài ra, các chuyên gia FAS ước tính hiện có 16.300 vũ khí hạt nhân đang nằm tại khoảng 98 địa điểm thuộc 14 quốc gia. Trong số này, khoảng hơn 6.000 đã bị loại khỏi biên chế và chờ triệt phá. Gần 4.000 vũ khí sẵn sàng để sử dụng và khoảng 1.800 có thể được triển khai trong thời gian ngắn.
Mỹ đang cất giấu vũ khí nguyên tử tại 18 địa điểm, bao gồm 12 điểm tại 11 tiểu bang và 6 cơ sở hải ngoại đặt ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Nga được cho là đang lưu trữ vũ khí hạt nhân tại 40 điểm trên toàn quốc.

Thụy Miên