11/01/2025

Nông dân ‘cõng’ hơn 1.000 loại phí

Phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng các khoản phí, lệ phí tránh tình trạng đặt ra các khoản thu tuỳ tiện. Đây là quan điểm của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về dự án luật Phí và lệ phí tại phiên họp thứ 40 của Uỷ ban Thường vụ QH hôm qua (10.8).

 

Nông dân ‘cõng’ hơn 1.000 loại phí

 

 

Phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng các khoản phí, lệ phí tránh tình trạng đặt ra các khoản thu tuỳ tiện. Đây là quan điểm của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về dự án luật Phí và lệ phí tại phiên họp thứ 40 của Uỷ ban Thường vụ QH hôm qua (10.8).


Cần sớm bỏ nhiều loại phí vô lý trong sản xuất nông nghiệp

Cần sớm bỏ nhiều loại phí vô lý trong sản xuất nông nghiệp – Ảnh: Ngọc Thắng

“Chưa có danh mục cụ thể tôi sẽ không bấm nút thuận”
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, việc xây dựng luật phải trên tinh thần đổi mới và hội nhập, đảm bảo các khoản thu phải minh bạch vì hiện vẫn tồn tại những khoản thu tuỳ tiện. Dẫn chứng việc thu phí qua trạm trên đường mặc dù đã “cải cách lên xuống” nhưng vẫn còn nhiều phiền hà trong khi luật này sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh. “Nói tên phí, loại phí thôi đã mệt rồi chưa nói đến chuyện thực tế áp dụng để thu được một đồng tiền phí”, Chủ tịch QH nói.

 
 

Sớm có phương án về thu phí đối với xe máy

 
Liên quan đến phí đường bộ áp dụng đối với xe máy từng gây tranh luận tại kỳ họp QH vừa qua, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết hiện tại ý kiến của các địa phương về loại phí này rất khác nhau. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đây là vấn đề tác động xã hội rất lớn. Trong khi một số địa phương có nguồn thu lớn, mức sống cao như TP.HCM chưa thu phí thì nhiều tỉnh nghèo đã áp dụng khoản thu trên. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị Bộ Tài chính cần sớm có phương án xử lý vấn đề này để tránh gây bức xúc cho xã hội cũng như khó khăn cho cán bộ địa phương trước yêu cầu giải trình của người dân.

 
Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ tháng 1.2015, bộ này đã có văn bản gửi các bộ ngành địa phương đề nghị rà soát các loại phí, lệ phí. Qua nghiên cứu, rà soát ban đầu cho thấy lĩnh vực nông nghiệp hiện nay số lượng các loại phí và lệ phí là “rất lớn và rất phức tạp”. Cụ thể, riêng lĩnh vực thú y còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí; lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 16 khoản lệ phí và 95 khoản phí, lĩnh vực quản lý chất lượng nuôi trồng thuỷ sản có 7 loại lệ phí và hơn 180 khoản phí… Tính sơ bộ, riêng lĩnh vực nông nghiệp qua rà soát ban đầu có 90 lệ phí và 937 khoản phí.
Chủ tịch QH bày tỏ chưa hài lòng vì dự án luật chưa đưa ra được một danh mục cụ thể các loại phí và lệ phí. Ông khẳng định: “Nếu chưa có danh mục cụ thể tôi cũng sẽ không bấm nút thuận được”. Thể hiện chính kiến của mình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cần xác định lại cho đúng tính chất “phí”, “lệ phí” và phải loại ra những khoản thu mà thực chất là giá dịch vụ. Theo Chủ tịch QH, ngoài học phí, viện phí đã được coi là giá dịch vụ vẫn còn rất nhiều khoản không thể coi là phí, lệ phí được ví dụ như phí đường cao tốc thực chất là giá dịch vụ phải trả để sử dụng đường. “Tóm lại, cái gì thực sự là phí, lệ phí thì phải đưa vào danh mục, quy định vào luật. QH quản lý danh mục này, tùy tiện đẻ thêm một loại phí, lệ phí nào đó là không được. Cái gì thực chất là giá cần đưa ra khỏi luật này, áp dụng theo luật Giá”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Không được quy định các loại phí ngoài luật
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) Phùng Quốc Hiển, có một số ý kiến đề nghị cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài danh mục của luật Phí và lệ phí phù hợp với đặc điểm, tình hình KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, UBTCNS cho rằng, việc quy định danh mục phí, lệ phí trong luật nhằm đảm bảo thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng phụ thu, tự ban hành các loại phí, tạo gánh nặng và gây bức xúc cho người dân trong giai đoạn vừa qua. Do đó, cơ quan này đề nghị không bổ sung thẩm quyền này cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết trong trường hợp cần thiết, các địa phương báo cáo Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung danh mục.
Liên quan đến phí lòng đường, hè phố, báo cáo của UBTCNS cho biết có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhóm thứ nhất đề nghị không thu phí lòng đường, hè phố và nhóm ý kiến ngược lại đồng tình việc thu phí nhưng đề nghị cần rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ, tránh quy định không rõ ràng, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Theo UBTCNS, việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác đã được luật Giao thông đường bộ quy định. Theo đó, UBND cấp tỉnh được giao thẩm quyền quyết định việc sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp và phải đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố; tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Dựa trên căn cứ này UBTCNS đề nghị giữ lại khoản phí trên và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật.
Quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí !
Kinh tế thị trường là phải minh bạch, thu gì, chi gì, tính chất thu thế nào phải minh bạch. Ta thì có hàng nghìn loại như thế, mà lại tuỳ tiện nữa… Nông nghiệp như thế tiến lên làm sao được. Quả trứng đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí. Trời đất ơi làm ăn như thế!
…Ngay chuyện phí qua các trạm thu phí cải cách lên xuống vẫn phiền hà. Mà đó là phí thu nộp ngay đấy. Còn lại những loại khác thì liên quan đến chuyện mức phí, rồi ai nộp, ai thu, nộp ở đâu, khi nào nộp biên lai làm cho đối tượng nộp rất vất vả, khốn khổ. Ngay chuyện nhớ từng tên phí đã mệt rồi. Nay mai còn thủ tục cho các loại phí ấy chưa biết thế nào?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Cẩm Nguyên