Doanh nghiệp Việt hưởng lợi hàng tỉ USD
Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) kết thúc đàm phán. Nhiều nhóm ngành hàng như dệt may, thuỷ sản, đồ gỗ… do thuế suất về 0% sẽ rộng cửa vào thị trường EU.
Doanh nghiệp Việt hưởng lợi hàng tỉ USD
Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA) kết thúc đàm phán. Nhiều nhóm ngành hàng như dệt may, thuỷ sản, đồ gỗ… do thuế suất về 0% sẽ rộng cửa vào thị trường EU.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu tại Công ty CP Garmex Sài Gòn – Ảnh: Trần Vũ Nghi |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông LƯƠNG HOÀNG THÁI, vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, khẳng định nhiều nhóm ngành hàng như dệt may, thuỷ sản, đồ gỗ… do thuế suất về 0% sẽ rộng cửa vào thị trường EU.
Ông Thái nói những sản phẩm mạnh của VN, phía EU đều chấp nhận đưa thuế về 0%, lộ trình tối đa là bảy năm. Đây là kết quả từ trước đến nay nhiều nước không đạt được. Toàn bộ sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ – thuỷ tinh… của VN vào EU cơ bản sẽ được xoá bỏ thuế quan ngay lập tức khi hiệp định có hiệu lực.
Đặc biệt, với các mặt hàng VN quan tâm, EU sẽ cắt giảm từ mức thuế của chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), chứ không phải mức thuế tối huệ quốc (MFN) hiện hành áp dụng cho tất cả các nước.
Một số nhóm hàng của VN có kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn như dệt may, da giày… phía bạn dành cho ta lộ trình giảm thuế tối đa bảy năm (nhiều dòng thuế được cắt giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực). Tuy nhiên, quy định xuất xứ cũng chặt chẽ.
Chẳng hạn hàng dệt may, EU dành cho VN quy tắc xuất xứ hai công đoạn, tức vải và may phải làm ở VN. Điều này dễ đáp ứng hơn so với quy tắc “phải làm từ sợi trở đi” (tức là phải làm ba công đoạn từ sợi, vải đến may mới được hưởng ưu đãi) mà Hoa Kỳ yêu cầu trong tất cả cuộc đàm phán FTA.
Hiện nay ngành dệt, nhuộm ở VN chưa phát triển, vì vậy chúng ta vẫn phải nhập khá nhiều nguyên phụ liệu, đặc biệt từ các nước khác trong khu vực. Muốn phát triển ngành dệt phải có quy mô thị trường lớn. Khi có EVFTA cộng với FTA với Nhật (Hiệp định JVEPA hiện nay) rồi sau này là TPP, nhiều doanh nghiệp đánh giá VN sẽ có khả năng nhận được đầu tư lớn vào lĩnh vực dệt – khâu VN vẫn đang yếu.
Hay với cam kết mở cửa thị trường, thuận lợi hoá đầu tư, VN có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại, đầu tư của EU trong khu vực.
* Còn những mặt hàng quan trọng của VN như gạo, cà phê… sẽ được lợi gì hơn so với hiện nay, thưa ông?
– Gạo là mặt hàng có nhiều nước hạn chế, thậm chí không mở cửa thị trường trong đàm phán FTA. Với EVFTA, EU đã chấp nhận dành cho VN hạn ngạch tương đương khoảng 80.000 tấn/năm với thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (gấp hơn ba lần mức hiện nay VN đang xuất sang EU là khoảng 25.000 tấn/năm). Riêng gạo tấm không có hạn ngạch, thuế sẽ là 0%.
Với cam kết này, riêng với gạo (trừ gạo tấm) mức giảm thuế của EU giúp doanh nghiệp VN tiết kiệm được gần 17 triệu euro (khoảng 20 triệu USD) tiền thuế một năm. Hay mặt hàng nữa là khoai mì, EU dành cho VN hạn ngạch 25.000 tấn/năm, trong khi hiện nay họ nhập chỉ khoảng 33.000 tấn/năm trên toàn thế giới.
Với hàng thuỷ hải sản, cơ bản phía EU sẽ tạo thuận lợi tối đa cho VN. Nhiều mặt hàng như cá nhiệt đới sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, mặt hàng nào lâu thì cũng chỉ tối đa ba năm sau khi có EVFTA thuế sẽ về 0% (gồm cá tra, cá ba sa, tôm…).
Chỉ có cá ngừ đóng hộp bị áp hạn ngạch vì đây là mặt hàng đặc biệt nhạy cảm với họ, tuy nhiên hạn ngạch mà EU dành cho ta cũng cao hơn mức ta đang xuất khẩu vào EU hiện nay.
* Vì sao VN lại dành cho hàng dệt may EU thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, trong khi sau bảy năm họ mới đưa hàng dệt may, da giày VN thuế về 0%, thưa ông?
– Nền kinh tế VN và EU có tính bổ sung cho nhau, chỉ có số rất ít mặt hàng còn cạnh tranh trực tiếp. Chẳng hạn một số nước Nam Âu vẫn làm dệt may, giày dép. Hay lúa gạo hiện Ý và Tây Ban Nha vẫn trồng. Vì vậy hai bên phải nỗ lực giải quyết chỗ này.
Đối với ta, dệt may là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nên ta chủ trương thúc đẩy mức tự do hóa cao, kể cả đưa về thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực nếu EU cũng đáp ứng được yêu cầu về mở cửa thị trường của ta.
Hiện thuế với dệt may vào EU cao nhất là 17% và họ đã dành cho VN mức thuế ưu đãi hơn Trung Quốc, chỉ khoảng 9%. Kim ngạch hàng dệt may VN vào EU tương đối lớn, vì vậy cuối cùng hai bên đồng ý nguyên tắc “có đi có lại”, tức là lộ trình của hai bên tương đương nhau, tối đa bảy năm mới đưa thuế về 0%.
Còn dệt may EU vào VN muốn được hưởng ưu đãi cũng phải đảm bảo xuất xứ hai công đoạn, tức là vải và may phải ở EU. Trong khi đó, tại EU gần như không còn nhà máy may mặc nữa. Chỉ có một số mặt hàng đặc biệt ở phân khúc cao cấp và họ còn có thể đảm bảo được xuất xứ. Những mặt hàng đó giá rất đắt, kim ngạch không đáng kể. Nhiều doanh nghiệp dệt may VN đều đánh giá về tổng thể thì cam kết về dệt may là có lợi cho hoạt động của mình.
Số liệu xuất – nhập khẩu giữa VN và EU từ năm 2010 đến 2014 - Đồ hoạ: Tấn Đạt |
* Thịt bò, sữa, thịt heo… nhập từ EU cũng chỉ 3 – 7 năm sau khi hiệp định có hiệu lực sẽ cắt hết thuế. Như vậy, liệu ngành chăn nuôi trong nước sẽ khó khăn?
– Trong hiệp định thương mại tự do với Úc – New Zealand, ta đã mở cửa thịt bò, phía EU đề nghị được tương đương như mức ta mở cho Úc. Vì vậy, lộ trình xoá thuế thịt bò trong ba năm theo chúng tôi là phù hợp.
Riêng thịt heo đúng là EU rất mạnh. Tuỳ dòng thuế, nhưng cơ bản thịt heo từ EU ta đưa lộ trình giảm thuế 7 – 9 năm. Trong khi đó, trong bảy năm EU đã phải cơ bản đưa thuế về 0% với tất cả mặt hàng có cam kết giảm thuế cho VN.
Thịt gà là mặt hàng nhạy cảm, ta giữ lộ trình dài là 10 năm sau mới giảm thuế về 0%, tức thuộc nhóm mặt hàng xoá thuế cuối cùng.
* Có chuyên gia băn khoăn: VN ưu đãi giảm thuế cho ôtô, xe máy, dược phẩm… từ EU để đổi lấy ưu đãi con tôm, con cá có giá trị không lớn. Phải chăng VN đã mở cho EU nhiều hơn?
– Hãy nhìn vào giá trị các mặt hàng chúng ta đang xuất sang EU sẽ thấy quan điểm trên có đúng hay không. Hiện VN đang xuất sang EU khoảng 27 tỉ USD, trong đó hầu hết là hàng nông, lâm, thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may… là những mặt hàng có thế mạnh và chính yếu của VN. Vì vậy chúng tôi cũng tập trung yêu cầu EU giảm thuế, tạo thuận lợi cho các mặt hàng này.
Hiện nay, mới có trên 40% kim ngạch hàng xuất khẩu của VN sang EU được hưởng thuế suất 0%, khi có EVFTA thì sau tối đa bảy năm tỉ lệ này lên tới gần 100%, tức là có thêm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU sẽ được miễn thuế.
Hiện nay thuế nhập khẩu thông thường vào EU trung bình 6,5%, nếu chỉ cần căn cứ vào tổng xuất khẩu của ta sang EU năm 2014 gần 27 tỉ USD thì số thuế tiết kiệm được cho doanh nghiệp có thể lên tới trên 1 tỉ USD, đó là chưa kể xuất khẩu của ta sẽ tăng lên nhờ EVFTA. Đi kèm việc giảm thuế trước so với các đối thủ cạnh tranh sẽ là giá bán, sức cạnh tranh, khả năng mở rộng thị trường, phát triển sản xuất trong nước…
Nói chung để so sánh lợi ích các bên thường chúng ta so tổng cam kết, chứ khó có thể so từng dòng thuế.
Dự kiến cuối năm 2015 sẽ ký hiệp định Theo đại sứ Franz Jessen – trưởng phái đoàn EU tại VN, hiện EVFTA cơ bản kết thúc đàm phán, hai bên sẽ phải tiếp tục bàn bạc một số vấn đề kỹ thuật. Dự kiến cuối năm 2015 hai bên có thể ký kết chính thức hiệp định. Sau khi được ký kết, hiệp định cần phải qua quốc hội hai bên phê chuẩn trước khi có hiệu lực. |
Chờ sức mua hồi phục Theo ông Lê Quang Hùng – chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, khả năng tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU thời gian tới hoàn toàn phụ thuộc vào mức cầu thị trường EU có cải thiện hơn so với hiện tại hay không. Hiện thị trường EU đang chiếm 30 – 35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (dự kiến 70 triệu USD) trong năm 2015 của Garmex, giảm gần 20% so với năm trước, do mức cầu tại EU giảm mạnh cũng như tình trạng mất giá của đồng euro trong thanh toán. Trong khi chờ thị trường EU hồi phục cũng như để bắt đầu tận dụng những ưu thế từ EVFTA mang lại, ông Hùng cho biết đang bắt đầu tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ các nước có ký FTA với EU nhằm được hưởng ưu thế về nguồn gốc xuất xứ, cũng như tích cực tăng cường tìm kiếm, phát triển khách hàng mới. “Phải có sự chuẩn bị để đến khi lộ trình giảm thuế hàng dệt may xuất khẩu sang EU về mức thấp hơn so với mức thuế suất bình quân 9 – 10% như hiện nay mới phát huy được những ưu đãi thuế từ EVFTA mang lại” – ông Hùng nói. |