28/11/2024

Anh gia tăng trục xuất dân nhập cư lậu

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond vừa lên tiếng cảnh báo làn sóng người di cư từ châu Phi đang đe doạ các tiêu chuẩn sống và hạ tầng xã hội của Liên minh châu Âu (EU).

 

Anh gia tăng trục xuất dân nhập cư lậu

 

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond vừa lên tiếng cảnh báo làn sóng người di cư từ châu Phi đang đe doạ các tiêu chuẩn sống và hạ tầng xã hội của Liên minh châu Âu (EU).



Người nhập cư từ châu Phi biểu tình trên xa lộ ở Calais (Pháp) hôm 7-8 đòi “mở cửa biên giới” cho họ dễ dàng sang Anh - Ảnh: Reuters
Người nhập cư từ châu Phi biểu tình trên xa lộ ở Calais (Pháp) hôm 7-8 đòi “mở cửa biên giới” cho họ dễ dàng sang Anh – Ảnh: Reuters

Giới quan sát cho rằng bình luận của ông Hammond cho thấy Chính phủ Anh đang bực dọc như thế nào về làn sóng người di cư tìm cách đến Anh thông qua đường hầm Eurotunnel qua eo biển Manche từ Pháp.

Trả lời phỏng vấn kênh BBC, ông Hammond nói thẳng: “Chúng tôi có thể giải quyết rốt ráo vấn đề này bằng cách trả những người không đủ điều kiện xin tị nạn về nước xuất phát. Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.

Cách đây một tuần, Thủ tướng Anh David Cameron cũng không giấu giếm mong muốn trục xuất nhiều hơn nữa người nhập cư lậu không đủ điều kiện định cư tại Anh.

Châu Âu không thể tự bảo vệ mình và bảo tồn các tiêu chuẩn sống, cũng như hạ tầng xã hội nếu tiếp nhận hàng triệu người di cư từ châu Phi

Ngoại trưởng Anh PHILIP HAMMOND

Anh muốn luật 
nghiêm hơn

Bộ trưởng Hammond nói thêm luôn có hàng triệu người châu Phi muốn đến châu Âu với “động cơ kinh tế” do chênh lệch về mức sống ở hai châu lục, và nếu các luật của EU cứ như hiện nay thì nhiều người di cư “khá tự tin” họ có thể ở lại.

BBC dẫn lời ông Hammond nói cần phải sửa đổi các luật của EU để những người di cư từ châu Phi đến châu Âu có thể quay về đất nước của họ.

Chính phủ Anh hiện đang chịu áp lực phải thể hiện được họ đang hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, với việc hàng trăm người di cư hằng đêm đang tìm cách xé rào để vào đường hầm Eurotunnel.

Cuộc khủng hoảng này đã làm ảnh hưởng đến giao thông vận chuyển hành khách và hàng hóa giữa hai nước Anh và Pháp cũng như với châu Âu. Ông Hammond cho rằng cuộc khủng hoảng người di cư còn lâu mới có thể giải quyết được.

Tuy nhiên, phe đối lập ở Anh cáo buộc ông Hammond phát ngôn gây hoang mang. Giám đốc chương trình người tị nạn của Tổ chức Ân xá thế giới ở Anh Steve Symonds miêu tả phát ngôn của Ngoại trưởng Hammond là “phản ứng hẹp hòi” và “đáng xấu hổ”.

Ông nói: “Thay vì nói về việc làm cách nào châu Âu có thể tự bảo vệ mình trước cuộc khủng hoảng người di cư, ông Hammond nên hợp tác với các đối tác EU để đảm bảo người ta không bị chết đuối ở Địa Trung Hải hoặc bị nhồi nhét sau xe tải”.

Hi Lạp tiếp tục 
là điểm nóng

Trong khi đó, theo Reuters, cửa ngõ Hi Lạp cũng khốn khổ với tình cảnh người nhập cư tìm cách chui vào hằng đêm trong khi quốc gia này đang gặp khủng hoảng.

Thủ tướng Alexis Tsipras từng lên tiếng Athens không thể đối phó với số lượng lớn người di cư chạy loạn từ những quốc gia bất ổn ở châu Phi và Trung Đông, trong khi Đức kêu gọi kiểm soát người nhập cư chặt chẽ hơn.

Chỉ riêng trong tháng trước, theo báo Mirror, gần 50.000 người di cư đã tìm đến EU thông qua ngõ Hi Lạp. Tổng số người di cư đến Hi Lạp trong toàn bộ năm ngoái chỉ ở mức 41.700 người.

Thủ tướng Tsipras than phiền cơ sở hạ tầng nước này không thể gánh nổi hàng ngàn người đến từ những nước đang có chiến tranh như Syria hay Afghanistan và Athens cần sự giúp đỡ từ EU.

“Bây giờ là lúc để xem EU có phải là một EU đoàn kết hay không, hay là một EU mà trong đó ai cũng lo bảo vệ biên giới của mình” – ông Tsipras phát biểu sau một cuộc họp với các bộ trưởng cuối tuần trước.

Tính từ đầu năm đến nay, số người di cư đến Hi Lạp là khoảng 120.000 người. Số người di cư đến Ý vào khoảng 90.000 trong khi năm ngoái họ đã phải tiếp nhận tới 170.000 người.

Theo báo Guardian, nhiều người di cư mới đến đã tìm cách di chuyển nhanh chóng lên phía bắc châu Âu, trong đó có Anh.

Nước Đức đang có số người xin tị nạn nhiều hơn bất cứ nước EU nào. Dự kiến trong năm nay Đức sẽ phải nhận hơn 400.000 đơn xin tị nạn, hơn gấp đôi con số năm 2014.

17 người Việt Nam nhập cư lậu vào Anh?

Cảnh sát Anh vừa bắt một tài xế xe tải sau khi phát hiện 17 người nhập cư bất hợp pháp, nghi là đến từ Việt Nam, trốn đằng sau một chiếc xe tải.

Báo Independent cho biết cảnh sát Anh đã chặn chiếc xe tải này trên đường cao tốc M1, sau khi có tin báo từ một người chạy môtô trên đường cho biết xe này có những “hành động nghi vấn”.

Qua khám xét chiếc xe, cảnh sát phát hiện 17 người bị nghi nhập cư vào Anh trái phép. Lái xe là một người Ba Lan, 40 tuổi, bị bắt với cáo buộc giúp 17 người kể trên vào Anh. Những người nhập cư trái phép cũng được đưa đến nơi tạm giam.

Tuy nhiên, báo Daily Mail cho biết có hai người trong nhóm trên ở tuổi vị thành niên và đã được đưa vào trung tâm phúc lợi xã hội thay vì bị trục xuất ngay lập tức.

Riêng lái xe có thể đối mặt với mức phạt 2.000 bảng Anh cho mỗi người nhập cư kể trên.

THU ANH