28/11/2024

Vượt khó vào đại học: Cửa đã mở, nhưng…

“Nếu phải học xa nhà, người mình lo nhất chính là anh trai. Vì tiền thuốc cho anh sẽ phải bớt đi để có tiền cho mình ăn học. Và ba mẹ sẽ thêm gánh nặng trên vai” – Huỳnh Thị Ngọc Huyền (thôn 1, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) ưu tư.

 

Vượt khó vào đại học: Cửa đã mở, nhưng…

 

 “Nếu phải học xa nhà, người mình lo nhất chính là anh trai. Vì tiền thuốc cho anh sẽ phải bớt đi để có tiền cho mình ăn học. Và ba mẹ sẽ thêm gánh nặng trên vai” – Huỳnh Thị Ngọc Huyền (thôn 1, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) ưu tư.



Huyền là chỗ dựa linh động cho anh trong mỗi giờ cơm - Ảnh: T.THÀNH
Huyền là chỗ dựa linh động cho anh trong mỗi giờ cơm – Ảnh: T.THÀNH

Điểm thi THPT quốc gia đạt 25,75 điểm khối C, nhưng niềm vui của cô học trò vẫn không trọn vẹn như bạn bè trang lứa.

Đội nắng dầm mưa

Sau kỳ thi THPT quốc gia, khi các thí sinh trên cả nước thấp thỏm đếm ngược thời gian chờ kết quả thi, Huyền và em gái vẫn miệt mài đội nắng dầm mưa đi làm cỏ, giặm lúa trên đồng ruộng.

Cả gia đình chỉ có 2 sào đất trồng lúa. Để có tiền trang trải cho con vào ĐH, ba mẹ Huyền đã thuê thêm gần 1ha đất (cách nhà gần 40km) để trồng lúa.

Nhà của Huyền cuối thôn được ghép từ những mảnh gỗ, chỉ đủ che nắng nhưng không thể che mưa. Bên trái vách nhà, anh trai của Huyền bị bệnh cột sống dính khớp phải nằm một chỗ.

Vách bên kia, mẹ Huyền cũng đang nằm thở dốc vì mới phẫu thuật sỏi thận được 10 ngày. Hết lấy nước cho anh uống, Huyền lại chạy đi đắp chăn cho mẹ. Phía sau nhà, ruộng đậu phộng còn chờ cô học trò xới đất…

Huyền cho biết cách đây hai năm, niềm vui không trọn vẹn khi anh trai Huỳnh Duy Hưng (25 tuổi) mới ra trường đã bị bệnh cột sống dính khớp khiến anh không đi lại được nữa. “Ba mẹ mình phải vay mượn khắp nơi để đưa anh đi chữa trị nhưng bệnh vẫn không khỏi” – cô học trò nghèo ngậm ngùi, đôi mắt đỏ hoe.

Im lặng vài phút, Huyền nói trong nấc nghẹn: “Nhiều đêm đau đớn, sợ mọi người mất ngủ, anh mình phải cắn răng chịu đựng. Thương anh, mình chỉ biết ngồi giữ chân anh lại để bớt bị co rút…”.

Rồi Huyền nhìn sang anh trai bằng ánh mắt trìu mến, cho biết:

“Năm vừa rồi, mình được giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử cũng là nhờ anh trai. Những lúc ngồi xoa bóp cho anh, hai anh em thường đố nhau những câu hỏi xoay quanh chủ đề lịch sử, rồi anh giảng giải cặn kẽ những sự kiện lịch sử cho mình hiểu. Những lúc ấy, đôi mắt anh sáng lên và khi đó với mình anh thật sự là một người thầy”.

Tuy nhiên, Huyền chia sẻ vẫn cảm thấy chạnh lòng bởi trong kỳ thi vừa qua, môn thi lịch sử chưa đạt điểm cao như kỳ vọng.

“Môn sử mình chỉ được 8,75 điểm, thấp hơn cả môn địa (9,75 điểm). Mình không có đồng hồ nên khi làm bài mình đã không phân bổ thời gian hợp lý” – Huyền tiếc nuối.

Chạy đua với thời gian

“Xem trên tivi thấy nhiều luật sư có trình độ học vấn cao để bảo vệ công lý cho mọi người, nên mình quyết định theo nghề luật. Bố mẹ cũng rất tôn trọng và ủng hộ quyết định của mình” – Huyền tâm sự về nghề nghiệp tương lai.

Hiện tại, Huyền đã nộp đơn xét tuyển vào khoa luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM.

Những ngày này, dường như đang chạy đua với thời gian, Huyền tranh thủ mọi lúc để ra đồng phụ giúp gia đình, khi làm cỏ, lúc cuốc đất, bón phân…

“Nếu trúng tuyển mình sẽ xa gia đình để nhập học. Lúc đó có muốn xoa bóp cho anh hay xới cỏ, cuốc đất cho mẹ cũng khó lắm. Giờ tranh thủ lúc nào mình cứ cố gắng làm” – Huyền nói.

Nhìn cô em gái Huỳnh Thị Ngọc Hà đang nấu bữa trưa cho cả nhà, Huyền cho biết Hà đang học lớp 11 nhưng cũng không đăng ký đi học thêm để ở nhà phụ giúp gia đình. Thương ba mẹ và anh, hai chị em Huyền càng thêm nghị lực để vươn lên.

“Nghèo khổ, nhưng gia đình lúc nào cũng đầy ắp tình yêu thương. Đó là điều luôn khiến mình vui nhất” – Huyền tâm sự.

Bên chiếc giường cọt kẹt, bà Nguyễn Thị Quyền, mẹ của Huyền, ráng gượng dậy vừa nhìn con gái vừa nghẹn ngào nói: “Ngày con  biết điểm thi, cả nhà vui lắm mà lo cũng nhiều. Rồi đây khi nó vào Sài Gòn nhập học, sẽ thiếu thốn mọi bề ở nơi đất khách. Nghĩ mà thương…”.

Nói rồi bà Quyền nhấc chân xuống giường, tập tành bước nhẹ. “Mong sao tui mau khoẻ để còn làm việc vì bằng mọi giá phải cho con có điều kiện đến trường” – bà Quyền nói, khuôn mặt nhăn nhó vì đau.

Cô giáo Phương Thị Tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 Trường THPT Ea Súp (Đắk Lắk), chia sẻ rất tự hào khi nhắc đến cô học trò cưng.

“Ở lớp Huyền là lớp phó học tập gương mẫu, ngoan ngoãn, được nhiều thầy cô và bạn bè quý mến. Biết hoàn cảnh của gia đình Huyền nên lớp và trường luôn tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ em”.

Nói về ước mơ của Huyền, cô Tuyến cho biết thầy cô trong trường luôn khuyến khích Huyền theo học ngành luật bởi học trò có tố chất kiên định và có lập trường.

“Sự chịu khó và điềm đạm của Huyền chính là những điều cần thiết cho một luật sư tương lai” – cô Tuyến nhận định.

 

TIẾN THÀNH – LĨNH HỒNG