11/01/2025

Thế trận phi đạo ở Trường Sa

Những đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa có thể đe doạ các nước láng giềng cũng như hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực.

 

Thế trận phi đạo ở Trường Sa

 

 

Những đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa có thể đe doạ các nước láng giềng cũng như hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực.



So sánh các đường băng ở Trường Sa	- Ảnh: amtiSo sánh các đường băng ở Trường Sa – Ảnh: AMTI

Cách đây vài ngày, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cảnh báo đường băng dài 3.000 m do Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN đang trong “giai đoạn cuối” của quá trình xây dựng, theo AFP.

So với các bên tranh chấp khác, Trung Quốc là bên mới nhất xây đường băng ở Trường Sa, nhưng đường băng của họ lớn hơn những đường băng còn lại và cũng gây quan ngại nhiều nhất.
Phục vụ mọi máy bay quân sự
Theo CSIS, đường băng ở đá Chữ Thập dài hơn 2 lần so với đường băng tương tự do các nước như Philippines và Malaysia xây trên các đảo gần đó. Nhà nghiên cứu Mira Rapp Hooper của CSIS cho rằng lý do Trung Quốc xây đường băng dài như trên là để có thể triển khai mọi loại máy bay quân sự ở đó.
Thế trận phi đạo ở Trường Sa - ảnh 2
Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập của Việt Nam, dài 3.000m – Ảnh: Reuters
“Đá Chữ Thập có đường băng đủ dài để máy bay ném bom chiến lược H-6G của Trung Quốc hạ cánh… Một máy bay ném bom như thế có thể tiến hành chiến dịch tác chiến trong phạm vi có bán kính hơn 5.600km từ bãi đá được bồi đắp. Đá Chữ Thập cũng có thể cho phép chiến đấu cơ thế hệ thứ tư J-11 của Trung Quốc hoạt động, vì nó được xây theo những yêu cầu về đường băng cho máy bay chiến đấu Su-27 do Nga sản xuất, vốn có khả năng tác chiến trong phạm vi có bán kính hơn 1.400 km”, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS cảnh báo trong một bài phân tích vừa được đăng tải trên website.
CSIS cho rằng triển khai máy bay ném bom chiến lược tới đá Chữ Thập sẽ cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận từ tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương. Không chỉ triển khai chiến đấu cơ, Trung Quốc có thể lắp đặt ra đa, điều máy bay do thám, máy bay cảnh báo sớm đến đá Chữ Thập, giúp quân đội nước này có thể quan sát toàn bộ Biển Đông 24/7.
Những khả năng đó sẽ cung cấp cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn so với các nước láng giềng và có thể gây mối đe doạ cho hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, theo chuyên san The Interpreter (Úc). Giới quan sát còn dự đoán việc xây đường băng lớn ở đá Chữ Thập là bước chuẩn bị của Trung Quốc cho việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao phủ một phần hoặc toàn bộ khu vực nằm trong yêu sách “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của nước này.
Để quản lý một vùng rộng lớn như thế, Trung Quốc cần phải có nhiều đường băng ở các vị trí khác nhau trên Biển Đông. Mới đây, CSIS cảnh báo Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xây đường băng dài tương tự ở đá Xu Bi, cũng thuộc Trường Sa, sau khi đã bồi đắp phi pháp ở đó gần 4 triệu m2 đất.
Những đường băng khác
Đứng sau đường băng phi pháp nói trên của Trung Quốc là đường băng do Malaysia xây ở đá Hoa Lau vào năm 1983, với chiều dài 1.368 m, theo AMTI. Trước khi được hiện đại hóa vào năm 2003, đường băng này dài 1.064 m. Gần đường băng có một tháp kiểm soát không lưu và nhà chứa máy bay.
Thế trận phi đạo ở Trường Sa - ảnh 3
Đá Hoa Lau của Việt Nam, Malaysia gọi là Layang Layang, trên đá này có đường băng dài 1.368 m – Ảnh: The Star
Về lý thuyết, đường băng ở đá Hoa Lau cho phép Malaysia triển khai máy bay tuần tra biển CN-235, chiến đấu cơ Su-30, với bán kính tác chiến gần 1.300km, máy bay vận tải C-130, có tầm hoạt động hơn 1.940 km. Thực tế, đường băng này phần lớn phục vụ máy bay đưa khách du lịch tới Hoa Lau.
Trước tình trạng mà giới quan sát cho rằng Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, chính quyền Kuala Lumpur đã không thể ngồi yên. Hồi cuối tháng 1, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein thông báo căn cứ hải quân nước này ở Kota Kinabalu, thủ phủ bang Sabah, cách đá Hoa Lau khoảng 300km, sẽ được cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến, theo báo mạng Want China Times.
Thế trận phi đạo ở Trường Sa - ảnh 4
Đảo Thị Tứ nhìn từ trên máy bay, ngày 20.7.2011 – Ảnh: AFP
Đường băng lớn thứ 3 tại khu vực là đường băng do Philippines xây ở Thị Tứ, với chiều dài 1.300 m. Đường băng xây năm 1975 này có bề mặt xuống cấp nghiêm trọng, theo AMTI. Hồi năm 2014, Philippines tuyên bố sẽ nâng cấp đường băng ở Thị Tứ nhưng đến tháng 6.2015 lại tạm ngưng công trình tu sửa trước khi Manila dự phiên tranh tụng đầu tiên của vụ kiện Bắc Kinh về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông tại Toà trọng tài thường trực ở Hà Lan từ ngày 7 – 13.7.
Đường băng ở Thị Tứ cho phép Manila triển khai máy bay vận tải quân sự C-130, máy bay giám sát BN-2A, có thể tuần tra khu vực rộng gần 7.000 km2, hoạt động suốt khoảng 8 giờ đồng hồ. Đường băng đó còn có thể làm bệ phóng cho máy bay tấn công hạng nhẹ OV-10 Bronco với tầm hoạt động gần 930 km.
Thế trận phi đạo ở Trường Sa - ảnh 5
Trên đảo Ba Bình có đường băng dài 1.195m cho máy bay vận tải C-130 cất và hạ cánh – Ảnh: Tiexue.net
Tại khu vực còn có đường băng do Đài Loan xây ở Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa, vào năm 2006. Đài Loan đang nâng cấp đường băng dài 1.195m này và dự kiến sẽ hoàn thành trước cuối năm nay. Hãng thông tấn CNA dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan Phòng vệ Đài Loan La Thiệu Hoà ngày 3.8 ngụy biện rằng sau khi hoàn thành, đường băng ở Ba Bình đủ lớn cho máy bay C-130 hoạt động để “thực hiện các chiến dịch nhân đạo”.
Trong khi đó, truyền thông Đài Loan loan tin sau khi đường băng được nâng cấp, đó sẽ là căn cứ mới cho máy bay chiến đấu F-16 (có bán kính tác chiến hơn 1.600 km) và máy bay tuần tra săn ngầm P-3C với bán kính hoạt động gần 2.500 km.
Thế trận phi đạo ở Trường Sa - ảnh 6
Máy bay DHC-6 của Lữ đoàn 954 hạ cánh xuống sân bay Trường Sa Lớn – Ảnh: Mai Thanh Hải
Sau khi phân tích các đường băng trên cùng hoạt động bồi đắp phi pháp và mưu đồ quân sự hoá của Trung Quốc ở Trường Sa, AMTI nhận định dù Bắc Kinh có biện hộ như thế nào, những hành động đó của họ vẫn bị các bên tranh chấp còn lại cũng như Mỹ và những quốc gia khác trong khu vực xem là nỗ lực tăng cường khả năng bắt nạt các nước láng giềng.
“Thậm chí vài nhà quan sát xem quá trình cải thiện những khả năng này là chiến thuật bắt nạt. Theo đó, nhiều bên chỉ trích các hành động của Trung Quốc gây bất ổn và yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ những chiến thuật ép buộc như thế”, AMTI viết.

Văn Khoa