11/01/2025

Mong manh ống nước sông Đà

Khởi công từ năm 2003, đường ống nước sạch sông Đà giai đoạn 1 tính đến nay đã vỡ tổng cộng 12 lần, khiến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Hà Nội bị đảo lộn. Trong khi đó giai đoạn 2 vẫn chưa được khởi công và trách nhiệm quản lý nhà nước vẫn còn mịt mù.

 

Mong manh ống nước sông Đà

 

 

Khởi công từ năm 2003, đường ống nước sạch sông Đà giai đoạn 1 tính đến nay đã vỡ tổng cộng 12 lần, khiến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Hà Nội bị đảo lộn. Trong khi đó giai đoạn 2 vẫn chưa được khởi công và trách nhiệm quản lý nhà nước vẫn còn mịt mù.


Lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 11 tại km 26+760 vào ngày 21.7.2015

Lần vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 11 tại km 26+760 vào ngày 21.7.2015 – Ảnh: Lê Quân

Đường ống dẫn nước sạch sông Đà do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Hiếu Môn – Hà Nội – Hà Đông, được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu triển khai từ 2005, có công suất 300.000 m3/ngày đêm, độ dài 45,8 km với tổng số vốn lên đến 1.500 tỉ đồng, hiện đang cấp nước sạch cho hơn 70.000 hộ dân Hà Nội. Tuy nhiên, đã 12 lần xảy ra sự cố và cơ quan bảo vệ pháp luật buộc phải vào cuộc.

 
 

Việc xử lý nền đất yếu khi thi công đường ống không triệt để, cũng khiến sự cố vỡ ống thêm trầm trọng và liên tục lặp lại. Ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hoà Lạc từng chia sẻ, khi hai dự án đường Láng – Hoà Lạc và đường ống nước sạch sông Đà cùng được thi công, không dưới 5 lần tại các cuộc họp ông đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Nhưng ý kiến của ông Trung không được lắng nghe, và nhà thầu vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu.

 

 
Trong khi đó, giai đoạn 2 của dự án với nhiệm vụ xây dựng thêm tuyến đường ống thứ 2, nâng công suất truyền tải nước từ sông Đà về Hà Nội lên 600.000 m3/ngày đêm dự kiến xây dựng từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được khởi công.
“Quên” xây hồ hạ áp, tự ý thay vật liệu
Một chuyên gia của Bộ Xây dựng cho biết đường ống nước sạch sông Đà tuyến 1 do cơ quan chức năng của bộ này thẩm định. Phương án thiết kế kỹ thuật duyệt làm bằng ống hợp kim nhập khẩu. Tuy nhiên, khi thi công, chủ đầu tư đã tự ý thay bằng ống sợi thuỷ tinh. Bên cạnh đó, trong phương án thiết kế cơ sở, chủ đầu tư đã trình việc xây lắp 2 hồ điều hoà để giảm áp lực nước nhưng trên thực tế, không rõ vô tình hay cố ý mà chủ đầu tư đã “quên” xây lắp cả 2 hồ hạ áp này.
Trong khi đó, chủ đầu tư, kiêm nhà thầu thi công, giám sát, lại khẳng định, lựa chọn ống composite cốt sợi thuỷ tinh (loại ống mới trước đó chưa được sản xuất tại VN thay vì ống bê tông nòng thép hay ống gang dẻo) vì đây là loại vật liệu “có nhiều ưu điểm”. Cụ thể, do trọng lượng riêng của ống cốt sợi thuỷ tinh nhẹ hơn dẫn đến chi phí vận chuyển và thi công lắp đặt ít hơn, đơn giản hơn cho việc xử lý nền đất yếu khi tuyến ống đi qua. Quá trình xây lắp hoặc vận hành ống cốt sợi thủy tinh việc sửa chữa cũng nhanh hơn, chủ động hơn các loại ống khác, giá thành cũng rẻ hơn…
Năm 2003, sản phẩm ống cốt sợi thuỷ tinh được một công ty của Áo giới thiệu, chủ đầu tư đã sang Áo và Tây Ban Nha trực tiếp xem xét dây chuyền, tham quan thực tế lắp đặt. Nhưng sau đó chủ đầu tư đã không nhập khẩu ống cốt sợi thủy tinh của Áo mà quyết định mua dây chuyền của Trung Quốc về tổ chức sản xuất mặt hàng này để “tự phục vụ” cho dự án giai đoạn 1.
Sau khi vào cuộc, cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện chất lượng đường ống không đồng đều, không chịu được áp suất theo tiêu chuẩn như đã đăng ký. Trong số các bị can bị khởi tố, bị can Vũ Thanh Hải (Quản đốc phân xưởng, Trưởng phòng sản xuất thuộc Công ty CP ống sợi thuỷ tinh Vinaconex) không tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện năng lực của nhà thầu tham gia dự án, tiêu chuẩn – quy chuẩn xây dựng được phê duyệt áp dụng; đã xác nhận để bị can Trần Cao Bằng ký nghiệm thu cung cấp ống cốt sợi thuỷ tinh cho dự án không đảm bảo chất lượng, yêu cầu thiết kế.
Vừa đá bóng, vừa thổi còi
Dự án được giao cho Vinaconex triển khai theo hình thức BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh) bằng nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại. Dù chủ đầu tư “tự đánh giá” đã tuân thủ các quy định về quy chế quản lý đầu tư xây dựng, quy chế đấu thầu, nhưng điều lạ là tất cả các gói thầu quan trọng của dự án như tổng thầu thiết kế, các nhà thầu chính đến công ty phân phối, vận hành và quản lý toàn bộ hệ thống ống tuyến… đều do công ty con đảm nhận. Ngay cả gói thầu quan trọng là đường ống cốt sợi thủy tinh lần đầu tiên sử dụng tại VN, chủ đầu tư cũng lập ra một công ty, nhập dây chuyền sản xuất sản phẩm cho dự án.
Mãi tới khi đường ống vỡ 6 – 7 lần và cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, những lỗ hổng trong quy trình khép kín thiết kế – thi công – giám sát này mới lộ rõ vấn đề. Theo đó, đơn vị tổng thầu thiết kế đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất, thiết kế, thi công, lắp đặt đường ống. Các nhà thầu thi công đều sai phạm khi không quản được chất lượng thi công. Trong khi tư vấn giám sát lại không sát sao giám sát thi công, nghiệm thu không chặt chẽ. Nhà thầu sản xuất đường ống không làm ra sản phẩm chất lượng tốt, thiếu tiêu chí đánh giá khiến chất lượng đường ống nhiều đoạn khác nhau, giảm khả năng chịu lực.
Cơ quan bảo vệ pháp luật bước đầu đã phát hiện các bị can Nguyễn Văn Khải (Phó giám đốc Ban giai đoạn) và Trương Trần Hiển (Trưởng phòng vật tư – thiết bị giai đoạn) được giao nhiệm vụ thay mặt chủ đầu tư tiến hành tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng thi công, chất lượng vật liệu sử dụng cho dự án nhưng đã không tổ chức kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, Đỗ Đình Trì (Trưởng đoàn giai đoạn, thuộc Đoàn tư vấn giám sát thi công tuyến ống); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân (đều là giám sát viên giai đoạn thuộc Đoàn tư vấn giám sát) có nhiệm vụ giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhưng cũng không thực hiện đúng nhiệm vụ.
Gang dẻo thay sợi thuỷ tinh
Theo PGS-TS Phạm Ngọc Đăng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Hà Nội, việc chủ đầu tư chỉ định thầu cho các công ty con thực hiện dự án giai đoạn 1, theo quy định pháp luật thời đó là không sai nhưng quy trình khép kín, thiếu giám sát chính là nguyên nhân lớn nhất, ảnh hưởng đến chất lượng. “Hiện đã có luật Xây dựng 2014, Bộ Xây dựng tiếp tục là cơ quan thẩm định thiết kế kỹ thuật, các bước sau đều phải được đưa ra đấu thầu công khai. Tuy vậy, các cơ quan quản lý nhà nước không thể lơ là, phải kiểm soát sát sao tất cả các khâu, phải theo phân cấp quản lý nhà nước kiểm soát, không để lặp lại những sai lầm của giai đoạn 1”, ông Đăng nói.
Đến thời điểm này Bộ Xây dựng đã có kết luận thẩm tra phương án thiết kế kỹ thuật của đường ống giai đoạn 2. Sau bước này, chủ đầu tư phải tiến hành tách các gói thầu của dự án từ các khâu thiết kế, mua nguyên vật liệu, thi công, tư vấn giám sát… Sau đó, lập dự toán cho từng gói thầu rồi thông báo đấu thầu rộng rãi trong nước hay quốc tế, tuỳ từng gói thầu. Sau khi đấu thầu rộng rãi, công khai thông tin sẽ tiếp nhận hồ sơ mời thầu, chấm thầu theo quy định của luật Đấu thầu.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco), cho biết: “Chúng tôi sẽ thông báo đấu thầu rộng rãi theo quy định. Gói thầu cung cấp đường ống gang dẻo sẽ được thông báo đấu thầu quốc tế. Dự kiến tháng 10 năm nay sẽ khởi công. Chúng tôi sẽ cố gắng làm thật nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, bày tỏ băn khoăn: “Đường ống đã vỡ đến lần thứ 12, điều này rất khó chấp nhận, cho thấy năng lực triển khai dự án giai đoạn 1 của chủ đầu tư có vấn đề. Tôi cũng ngạc nhiên khi Hà Nội từng đưa ra phương án thay đổi chủ đầu tư, sau đó lại tiếp tục để Vinaconex tiếp tục làm”.
 

Trách nhiệm quản lý nhà nước
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, việc đường ống nước sạch sông Đà 1 liên tục xảy ra sự cố do chất lượng kém, trách nhiệm chính đương nhiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, liên đới trách nhiệm này không thể bỏ qua các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Xây dựng và UBND TP.Hà Nội. Đặc biệt, việc để chủ đầu tư tự ý thay đổi chất liệu đường ống từ gang thành sợi thuỷ tinh – là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt các sự cố xảy ra liên tục thì cả UBND TP.Hà Nội và Bộ Xây dựng đều phải chịu trách nhiệm.

T.Sơn – M.Hà – L.Quân