10/01/2025

Trung Quốc cam kết đàm phán thực chất về COC

Trước sức ép của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã phải xuống nước và cam kết đàm phán thực chất về biện pháp giải quyết căng thẳng trên Biển Đông.

Trung Quốc cam kết đàm phán thực chất về COC

 

Trước sức ép của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã phải xuống nước và cam kết đàm phán thực chất về biện pháp giải quyết căng thẳng trên Biển Đông. 



Cuộc hội đàm song phương VN - Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ảnh: Lam YênCuộc hội đàm song phương Việt Nam - Trung Quốc bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ảnh: Lam Yên

Tại Hội nghị ASEAN – Trung Quốc ngày 5.8, trong phát biểu mở đầu của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không đề cập bất cứ điều gì về Biển Đông. Sau hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trước những câu hỏi của báo chí, ông Vương Nghị cũng chỉ trả lời cụt lủn rằng sẽ thảo luận hoà hảo nhằm giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.

Điều này không gây ngạc nhiên vì trước đó Trung Quốc đã khẳng định hội nghị lần này không phải là diễn đàn thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, trước sức ép dồn dập về giải pháp cho Biển Đông tại hội nghị của các nước ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế như: Mỹ, Úc, Nhật, EU…, Trung Quốc đã có dấu hiệu “nhượng bộ”. Theo Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Trung Quốc đã cam kết bắt đầu đàm phán thực chất về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại họp báo sau Hội nghị ASEAN và Trung Quốc, Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn cho biết trong quá trình thúc đẩy việc xây dựng COC, ASEAN và Trung Quốc thống nhất một số giải pháp tạm thời có hiệu quả, đó là xây dựng đường dây nóng và phối hợp công tác tìm kiếm, cứu nạn. “Hai bên đồng ý tiến tới thảo luận về cấu trúc của COC. Việc này sẽ giúp COC sớm hoàn thành”, ông Tanasak nói.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại hội nghị, ông Vương Nghị cũng khẳng định Bắc Kinh đã ngưng hoạt động bồi đắp đất phi pháp ở Trường Sa. Thế nhưng, trong một tuyên bố đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng Trung Quốc dừng bồi đắp chỉ vì nước này đã hoàn tất việc xây đảo và chuyển sang giai đoạn xây dựng các cơ sở trên đó. “Philippines cho rằng các hoạt động này gây mất ổn định”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói.

Trao đổi với Thanh Niên, phóng viên mảng chính trị Rahimy của tờ The Star (Malaysia) nhận xét: “Trung Quốc muốn tách từng nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông để dễ giải quyết. Việc khối ASEAN thống nhất cùng lên tiếng, với sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng quốc tế làm Trung Quốc khó o ép hơn”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói rằng tranh chấp tại Biển Đông đang tạo áp lực “căng thẳng” ở tuyến đường hàng hải thương mại sầm uất của thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng quan tâm đến việc Trung Quốc “quân sự hoá” Biển Đông và khuyến khích các bên tranh chấp tránh dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao. “Chúng tôi ủng hộ cấu trúc hiện tại của ASEAN và sẽ hợp tác để tăng cường vai trò của khối trên tầm khu vực và quốc tế. Cụ thể, chúng tôi tin rằng ASEAN có thể đóng một vai trò tích cực trong việc giảm căng thẳng ở Biển Đông”, ông nói.

Biển Đông là mối quan tâm lớn của ASEAN

Tối 4.8, trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam rất quan ngại về hoạt động mở rộng, tôn tạo, xây dựng đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Phó thủ tướng nhấn mạnh đây là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN, vì vậy xử lý tốt vấn đề Biển Đông sẽ góp phần tăng cường quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định mong muốn phát huy các cơ chế hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có đề xuất quản lý rủi ro trên biển.

 

Lam Yên 
(từ Kuala Lumpur)