10/01/2025

Chương trình giáo dục phổ thông mới

Có nhiều đổi mới quan trọng khi thay đổi chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

 

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn

 

Có nhiều đổi mới quan trọng khi thay đổi chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.



Theo chương trình phổ thông mới, ở cấp THPT chỉ còn 4 môn bắt buộc - Ảnh: Đào Ngọc ThạchTheo chương trình phổ thông mới, ở cấp THPT chỉ còn 4 môn bắt buộc – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bộ GD-ĐT vừa hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn bị công bố để lấy ý kiến của toàn xã hội.
Trong đó giáo dục phổ thông là 12 năm, gồm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học 5 năm và THCS 4 năm), định hướng nghề nghiệp (bậc THPT 3 năm). Chương trình có 8 lĩnh vực giáo dục: ngôn ngữ và văn học, toán học, đạo đức – công dân, thể chất, nghệ thuật, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ – tin học.
Một môn học, nhiều tên gọi
Theo dự thảo, hệ thống các môn học được thiết kế thống nhất giữa các lớp trước với lớp sau; tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới. Tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh để phản ánh tốt nhất nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục của môn trong từng cấp học, do đó tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học. Chẳng hạn, môn học cốt lõi của lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân có các tên: giáo dục lối sống (tiểu học), giáo dục công dân (THCS) và công dân với Tổ quốc (THPT).
Cốt lõi trong lĩnh vực khoa học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) chỉ có một môn học cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); tách thành 2 môn học: tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (các lớp 4, 5); tương ứng với 2 môn học khoa học xã hội và khoa học tự nhiên (THCS). Lên THPT, môn khoa học xã hội cùng với các môn lý, hóa, sinh sẽ dành cho học sinh (HS) định hướng khoa học tự nhiên; môn khoa học tự nhiên cùng với các môn sử, địa sẽ dành cho HS định hướng khoa học xã hội. Đồng thời HS còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và tự chọn. Tỷ lệ môn tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên. Ở giai đoạn cơ bản, các môn bắt buộc gồm: tiếng Việt/ngữ văn; toán, ngoại ngữ 1, thể dục, giáo dục lối sống/giáo dục công dân, cuộc sống quanh ta, tìm hiểu tự nhiên/khoa học tự nhiên, tìm hiểu xã hội/khoa học xã hội. Ngoài các môn bắt buộc, HS được tự chọn dưới các dạng khác nhau: tự chọn tùy ý gồm: ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc, nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9); tự chọn trong các môn học gồm: kỹ thuật/công nghệ, tin học, âm nhạc, thể thao, kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Bậc THPT có 4 môn bắt buộc: ngữ văn 1, toán 1, công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ 1. Ngoài các môn bắt buộc, HS được tự chọn như sau: Tự chọn tùy ý, gồm: nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ 2. Tự chọn trong nhóm môn học, gồm 4 môn (đối với lớp 10, 11) và 3 môn (đối với lớp 12) trong các môn: sử, địa, ngữ văn 2, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, toán 2, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Nếu chọn môn khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: vật lý, hoá học, sinh học; Nếu chọn môn khoa học xã hội thì không chọn các môn sử, địa. Các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội chỉ học ở lớp 10 và lớp 11. Tự chọn trong môn học gồm: âm nhạc, mỹ thuật, thể thao, hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Trong cả cấp học THPT, HS có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định.
Bắt buộc hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp tới là đưa hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào chương trình tổng thể. Nội dung gồm phần bắt buộc (bao gồm cả các hoạt động tập thể) và tự chọn, được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, hoặc đồng tâm kết hợp với tuyến tính.
Chương trình mới sẽ có các chuyên đề học tập dành cho HS các lớp THPT tự chọn nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của HS, trang bị cho HS một số năng lực phù hợp với đặc điểm cá nhân, định hướng nghề nghiệp. Phương pháp dạy học chuyên đề chủ yếu khuyến khích HS tự học, làm việc theo nhóm, thực hiện dự án học tập, thực hành thí nghiệm ở phòng học bộ môn, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, văn hoá..
Ở chương trình hiện hành, thiết kế thời lượng bậc tiểu học 1 buổi/ngày. Chương trình mới phải 2 buổi/ngày, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Cấp THCS và THPT mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết.
Những môn học tích hợp mới
Tiểu học: Cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 trong chương trình hiện hành), tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử và địa lý ở các lớp 4, 5 hiện nay).
THCS: Xây dựng 2 môn học tích hợp mới là khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn lý, hoá, sinh trong chương trình hiện hành) và khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ các môn sử, địa).
THPT: Xây dựng 3 môn học tích hợp mới là công dân với Tổ quốc (được hình thành chủ yếu từ các môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng – an ninh và một số nội dung lịch sử, địa lý trong chương trình hiện hành); khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10, 11 dành cho HS định hướng khoa học xã hội, không học các môn lý, hoá, sinh; khoa học xã hội là môn học tự chọn ở lớp 10, 11 dành cho HS định hướng khoa học tự nhiên, không học các môn sử, địa.

3 lần cải cách, 3 lần đổi mới giáo dục phổ thông
Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Nhà nước đã có 3 lần cải cách giáo dục và ít nhất 3 lần đổi mới giáo dục:
– Lần cải cách đầu tiên năm 1950 chuyển từ phân ban tú tài cũ sang hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm.
– Lần 2 vào năm 1956 chuyển từ hệ thống giáo dục 9 năm sang 10 năm.
– Lần thứ 3 được thực hiện năm 1979, hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cải tiến chữ viết.
+ Từ năm 1986 thực hiện đổi mới giáo dục, chuyển từ nền giáo dục miễn phí sang giáo dục thu học phí, hình thành mô hình trường tư thục có lợi nhuận.
+ Từ năm 2000 thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội với chủ trương một chương trình, một bộ sách giáo khoa.
+ Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH 13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuệ Nguyễn