10/01/2025

Trường tốp trên nhiều điểm cao

Chỉ sau bốn ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1, đã có nhiều thí sinh đạt điểm cao tự tin nộp hồ sơ.

 

Trường tốp trên nhiều điểm cao

 

Chỉ sau bốn ngày nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1, đã có nhiều thí sinh đạt điểm cao tự tin nộp hồ sơ. 



Phụ huynh và thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sáng 4-8 - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh và thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM sáng 4-8 – Ảnh: Như Hùng

Theo nhận định của nhiều trường, dự báo điểm chuẩn các ngành “nóng” vẫn đang là ẩn số.

Đến hôm qua 4-8, khá nhiều trường đã có sự điều chỉnh trong việc công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Điểm thấp nhất ngành y đa khoa: 21

Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng ngành, có đầy đủ thông tin chi tiết của thí sinh (điểm chi tiết từng môn, khu vực ưu tiên, đối tượng, điểm khuyến khích). Theo thông tin nhà trường công bố trên website, tính đến 17g ngày 3-8, ngành bác sĩ đa khoa có 82 thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây là ngành có nhiều thí sinh đạt điểm cao, từ mức 27 điểm trở lên có 29 thí sinh. Thí sinh cao điểm nhất là Lê Thị Huỳnh Như (SBD: SPK005173) đạt 29 điểm (toán 9,75; hóa 9,75; sinh 9,5). Thí sinh thấp điểm nhất ở ngành này là 23 điểm. Ở ngành bác sĩ răng hàm mặt chỉ có 14 thí sinh đăng ký xét tuyển. Thí sinh cao điểm nhất đạt 28,5 điểm, thí sinh thấp điểm nhất đạt 23,25 điểm. Ở ngành dược sĩ đại học có 44 thí sinh, cao nhất đạt 27,5 điểm và thấp nhất 21 điểm. Ngành bác sĩ y học cổ truyền có 39 thí sinh, cao nhất 24,75 điểm và thấp nhất 18 điểm. Ngành bác sĩ y học dự phòng có 13 thí sinh, cao nhất 22,5 điểm và thấp nhất 20,5 điểm. Ngành cử nhân điều dưỡng (đa khoa) 40 thí sinh, cao nhất 23,25 và thấp nhất 17 điểm. Mức điểm trường công bố chưa tính điểm ưu tiên. Các ngành hệ cử nhân còn lại chưa có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tính đến hết ngày 3-8 có 1.623 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Ở ngành y đa khoa có 699 thí sinh, thí sinh cao điểm nhất đạt 27,25 điểm và thí sinh thấp điểm nhất là 21 điểm (ngành này có 800 chỉ tiêu). Ngành răng hàm mặt có 14 thí sinh, thí sinh thấp điểm nhất 21,5 điểm (30 chỉ tiêu). Ngành y tế công cộng có 13 thí sinh, thí sinh thấp điểm nhất 17,25 điểm (30 chỉ tiêu). Ngành điều dưỡng có 245 thí sinh đăng ký, trong khi ngành này chỉ có 200 chỉ tiêu (20 chỉ tiêu chuyên ngành gây mê hồi sức). Nếu tính từ mức 17,75 điểm trở lên ngành này có 208 thí sinh. Ngành xét nghiệm y học với 50 chỉ tiêu, từ mức 20,25 điểm trở lên có 62 thí sinh. Ngành kỹ thuật hình ảnh y học có 17 thí sinh, thấp nhất 17 điểm (30 chỉ tiêu). Ngành khúc xạ nhãn khoa có 10 thí sinh, thấp nhất 17,25 điểm (30 chỉ tiêu). Ngành hộ sinh bậc CĐ với 100 chỉ tiêu, có 103 thí sinh đạt 13,75 điểm trở lên. Điểm tổng xét tuyển nhà trường công bố đã tính điểm ưu tiên.

Theo TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), tính đến hết ngày 3-8 thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường có số điểm cao nhất là Mai Thiện Quang đạt 28,25 điểm, đăng ký xét tuyển nhóm ngành cơ khí – cơ điện tử. Tính đến 14g30 chiều 4-8 đã có khoảng 2.200 hồ sơ đăng ký xét tuyển nộp trực tiếp tại trường, chưa tính số hồ sơ nộp qua bưu điện.

Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) công bố danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng ngành (thứ tự nguyện vọng đăng ký, điểm thi, điểm ưu tiên, tổ hợp môn). Tính đến hết ngày 3-8 ngành kinh tế học có 50 thí sinh đạt mức 20 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); kinh tế đối ngoại có 129 thí sinh đạt 21,25 điểm trở lên (120 chỉ tiêu); kinh tế đối ngoại chất lượng cao có 15 thí sinh đạt 21 điểm trở lên; kinh tế và quản lý công có 79 thí sinh đạt 20,25 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); tài chính – ngân hàng có 134 thí sinh đạt 20,25 điểm trở lên (130 chỉ tiêu); kế toán có 68 thí sinh đạt 21,75 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); hệ thống thông tin quản lý có 34 thí sinh đạt 20 điểm trở lên (60 chỉ tiêu); quản trị kinh doanh có 126 thí sinh đạt từ 20,75 điểm trở lên (120 chỉ tiêu); kinh doanh quốc tế có 107 thí sinh đạt 21,75 điểm trở lên (100 chỉ tiêu); kiểm toán có 106 thí sinh đạt 21 điểm trở lên (100 chỉ tiêu); marketing có 75 thí sinh đạt 21,5 điểm trở lên (70 chỉ tiêu); thương mại điện tử có 59 thí sinh đạt 20 điểm trở lên (60 chỉ tiêu); luật kinh doanh có 92 thí sinh đạt 21,75 điểm trở lên (90 chỉ tiêu); luật thương mại quốc tế có 101 thí sinh đạt 20,25 điểm trở lên (100 chỉ tiêu); luật dân sự có 87 thí sinh đạt 21,25 điểm trở lên (80 chỉ tiêu); luật tài chính – ngân hàng có 61 thí sinh đạt 21,25 điểm trở lên (60 chỉ tiêu).

Nhộn nhịp ở các trường tốp trên

Sau ba ngày, có trường nhận khoảng vài trăm hồ sơ nhưng nhiều trường đã nhận từ 1.000 đến trên 2.000 hồ sơ. Các trường tốp đầu khu vực phía Bắc đông thí sinh nộp hồ sơ sớm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 2.143 hồ sơ, tính đến cuối ngày 3-8. Trong đó có hàng chục thí sinh đạt mức điểm quy đổi là trên 9.0 (mức điểm chuẩn dự kiến của nhóm ngành cao nhất trường là 7.0 – 7.5). Có gần 400 hồ sơ đạt mức điểm trên 8.0. Số còn lại phần lớn ở ngưỡng từ 7.0 – 7.9.

Các trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hàng hải Việt Nam nhận trên dưới 1.000 hồ sơ. Thống kê của Trường ĐH Ngoại thương đến 17g ngày 3-8, khu vực phía Bắc ngành ngôn ngữ Anh có 121 hồ sơ, điểm cao nhất 37,5 điểm sau khi đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, thấp nhất là 29,5 điểm. Các ngành ngôn ngữ khác nhận khoảng vài chục hồ sơ/ngành. Ngành kinh tế có mức điểm cao nhất là 31 và thấp nhất là 22,25 với 298 hồ sơ. Ngành kinh tế quốc tế có mức điểm từ 31 đến 21 điểm với 245 hồ sơ. Ngành quản trị kinh doanh có 279 hồ sơ và mức điểm từ 31 đến 19,5. Kinh doanh quốc tế từ 31 đến 19,5 điểm, có 208 hồ sơ đã nộp. Tài chính ngân hàng có 216 hồ sơ và mức điểm từ 30,5 đến 21,5. Cuối cùng là ngành luật có 84 hồ sơ với mức điểm từ 30,25 đến 22 điểm.

Một số trường khối kỹ thuật khu vực phía Bắc như Trường ĐH Xây dựng Hà Nội tiếp nhận 500 – 700 hồ sơ/trường. Trường ĐH Xây dựng có khá nhiều thí sinh đạt mức điểm cao từ 24 điểm trở lên (khối A), trong đó thí sinh đạt mức điểm cao nhất khối A là 29,75. Khối V của trường này có nhiều thí sinh đạt mức điểm từ 36 – 39 điểm (môn năng khiếu nhân hệ số 2).

Khối trường y dược, Trường ĐH Y dược Hải Phòng mới chỉ nhận gần 200 hồ sơ nhưng khá nhiều thí sinh có kết quả cao. Thí sinh cao điểm nhất là 26,50. Trong khi ở Trường ĐH Y Hà Nội, với 18 thí sinh đầu tiên nộp hồ sơ vào trường này, nhiều thí sinh đạt mức điểm 26 – 28 điểm, đây là mức điểm khá cao hi vọng đỗ vào ngành cao điểm nhất của trường này. Sau ba ngày, Trường ĐH Y Hà Nội nhận trên 500 hồ sơ, thí sinh đạt mức điểm cao nhất là 30,75 (tính cả điểm ưu tiên).

Cần Thơ: nhiều thí sinh đăng ký ngành sư phạm

Ông Nguyễn Minh Trí – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ – cho biết đến thời điểm này luật vẫn là ngành dẫn đầu với số lượng đăng ký trên 1.270 thí sinh, trong đó có 370 thí sinh đạt 23 điểm trở lên, chỉ tiêu xét tuyển là 300; kế đó là ngành công nghệ thực phẩm có chỉ tiêu xét tuyển 180 nhưng có đến 707 thí sinh đăng ký, và trên 285 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên; ngành Việt Nam học có chỉ tiêu xét tuyển là 80 nhưng có tới 574 thí sinh đăng ký, trong đó có trên 355 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên. Ngành công nghệ thông tin chỉ có 200 chỉ tiêu xét tuyển nhưng có đến 497 thí sinh đăng ký, và trên 235 thí sinh đạt điểm 20 trở lên… Ngành sư phạm cũng có rất nhiều thí sinh đăng ký: như sư phạm địa 487 lượt đăng ký nhưng chỉ tiêu chỉ có 40, và có 86 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên. Sư phạm ngữ văn có số lượng đăng ký là 426 nhưng chỉ tiêu chỉ có 60, và có 106 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên. Chỉ tiêu sư phạm sử là 60 nhưng có đến 354 hồ sơ nộp vào, trong đó 78 thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên…

Thông tin từ Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết trường nhận trên 3.200 hồ sơ xét tuyển vào trường. Ngành y đa khoa có số lượng thí sinh đăng ký nhiều nhất là 745 thí sinh trong khi chỉ tiêu xét tuyển 640; kế đó là ngành dược học có 538 thí sinh đăng ký trong khi chỉ tiêu 180; ngành xét nghiệm y học có 528 thí sinh đăng ký nhưng chỉ có 80 chỉ tiêu…

Đà Lạt: đa số hồ sơ có điểm ngang điểm sàn

Tính đến chiều 4-8, Đại học Đà Lạt mới nhận được gần 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi trường có chỉ tiêu tiếp nhận 3.000 sinh viên hệ chính quy cao đẳng và đại học. Có thể khoảng ngày 10-8 trường sẽ đưa ra mức điểm dự kiến trúng tuyển. Tính đến ngày 4-8, hồ sơ có số điểm cao nhất mà Đại học Đà Lạt tiếp nhận là 27,25 điểm. Tại Đại học Đà Lạt, đa số thí sinh xét tuyển vào ngành công nghệ sinh học, công nghệ hạt nhân, các ngành sư phạm, đây là những ngành có nhiều hồ sơ mà điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn từ 2 – 12 điểm. Số hồ sơ xét tuyển còn lại chủ yếu có điểm ngang điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 – 2 điểm.

Đại học Yersin Đà Lạt tuyển sinh với 12 ngành ở hai hệ cao đẳng và đại học, chỉ tiêu tiếp nhận 700 sinh viên. Sau 4 ngày tổ chức tiếp nhận hồ sơ, đến nay trường mới nhận 200 hồ sơ. Trường lấy điểm sàn làm điểm xét tuyển, các hồ sơ gửi về trường đa số có điểm ngang điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 – 2 điểm.

MINH TÂM – MAI VINH

VĨNH HÀ – TRẦN HUỲNH