10/01/2025

ASEAN không nhượng bộ trước Trung Quốc

Ngày 4-8, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM-48) khai mạc tại Trung tâm thương mại thế giới Putra ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong sự lo ngại sâu sắc về những căng thẳng do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông.

 

ASEAN không nhượng bộ trước Trung Quốc

 

Ngày 4-8, Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM-48) khai mạc tại Trung tâm thương mại thế giới Putra ở Kuala Lumpur (Malaysia) trong sự lo ngại sâu sắc về những căng thẳng do Trung Quốc gây ra trên Biển Đông.



Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị các ngoại trưởng - Ảnh: Reuters
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự hội nghị các ngoại trưởng – Ảnh: Reuters

Vấn đề Biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức của AMM-48. Nhưng ngay khi hội nghị bắt đầu, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã tuyên bố ASEAN cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc AMM-48, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng nhấn mạnh rất nhiều vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn, là quá phức tạp, từng quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết. Những khẳng định của thủ tướng và ngoại trưởng Malaysia cho thấy nước chủ nhà Malaysia nói riêng và ASEAN nói chung không hề có ý định chấp nhận yêu sách của Trung Quốc là AMM-48 không được thảo luận 
vấn đề Biển Đông.

Tài liệu hội nghị cho thấy trong cuộc đối ngoại với các quan chức ASEAN chiều 4-8, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario chỉ trích Trung Quốc vẫn đang tiếp tục các hành vi đơn phương gây hấn trên Biển Đông. Ông lên án mạnh mẽ: “Hoạt động bồi đắp và xây dựng ồ ạt của Trung Quốc trên Biển Đông đã hủy hoại hoà bình, an ninh và ổn định khu vực”. Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết đến dự hội nghị hôm nay 
(5-8), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận bởi Mỹ “coi hành vi tăng kích thước và công dụng các cấu trúc trên biển hoặc quân sự hoá chúng là khiêu khích”.

Ngoại trưởng Del Rosario khẳng định ở AMM-48, phía Philippines sẽ ủng hộ lời kêu gọi “ba dừng” của Mỹ là Trung Quốc dừng bồi đắp, dừng xây đảo nhân tạo, dừng các hành vi gây hấn có thể khiến căng thẳng leo thang. Ngoại trưởng Philippines không quên nhắc nhở rằng lời kêu gọi “ba dừng” không đồng nghĩa với việc ASEAN hay cộng đồng quốc tế công nhận các đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Trung Quốc đã xây từ năm ngoái trên bảy đá thuộc quần đảo Trường Sa 
của Việt Nam.

Hôm qua, tại trung tâm truyền thông ở Putra, các nhà báo sôi nổi trao đổi với nhau về nội dung dự thảo tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN mới bị rò rỉ ra ngoài. Dự thảo cho biết các ngoại trưởng “bày tỏ lo ngại về hoạt động bồi đắp và xây đảo trên một số cấu trúc biển ở Biển Đông”.

Các bộ trưởng “kêu gọi tất cả các bên liên quan hợp tác mang tính xây dựng và không thực hiện các hành vi đơn phương có thể gây bất ổn cho hòa bình và ổn định khu vực”. Các bộ trưởng cho biết ASEAN sẽ bảo vệ “tự do hàng hải, thương mại hàng hải hợp pháp và tự do hàng không” trên Biển Đông. Các bộ trưởng cũng cam kết thúc đẩy thực hiện Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC) để mở đường cho Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn xung đột trên vùng biển Đông Nam Á.

Dù không trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc, nội dung của dự thảo tuyên bố chung là hết sức rõ ràng và thể hiện thái độ quan ngại sâu sắc của ASEAN đối với hành vi xây đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh đang thực hiện 
trên Biển Đông.

Hôm nay, ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ nhóm họp với ngoại trưởng 10 nước đối tác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc… Dự kiến tình hình Biển Đông sẽ rất nóng bỏng trong các cuộc thảo luận này.

Việt Nam kêu gọi sự chủ động của ASEAN

Tại AMM-48, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đề nghị ASEAN cần phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo, thúc đẩy các bên tuân thủ các nguyên tắc chung. Đó là kiềm chế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thảo luận thực chất để sớm đạt được COC.

HIẾU TRUNG (Từ Kuala Lumpur)