Những thôi thúc từ ASEAN
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman cho biết ASEAN đã thực thi xong hơn 90% mục tiêu hành động trong khuôn khổ kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Những thôi thúc từ ASEAN
Trước thềm Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (AMM 48), Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Anifah Aman cho biết ASEAN đã thực thi xong hơn 90% mục tiêu hành động trong khuôn khổ kế hoạch Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Khuôn khổ kế hoạch AEC gồm cả ba trụ cột kinh tế, chính trị – an ninh, và xã hội – văn hóa…
Nhiều thành viên ASEAN đang kêu gọi đoàn kết cao hơn trong khối để thống nhất giải quyết các vấn đề – Ảnh: Reuters |
Câu hỏi đặt ra là: Trong những mục tiêu hành động đó gồm 229 mục, không rõ có bao nhiêu người, tập đoàn, công ty ở Việt Nam nắm rõ?
Tất nhiên, cũng có những đơn vị kinh tế đã đặt chân trong nền kinh tế ASEAN. Thế nhưng còn bao nhiêu đơn vị chưa chuẩn bị bước ra, thậm chí chuẩn bị đón làn sóng kinh tế ASEAN đổ vào cuối năm nay, mà đặc điểm thứ nhất là thành hình “một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất” hầu có thể biến ASEAN trở thành “một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao, một khu vực phát triển kinh tế công bằng và một khu vực hội nhập trọn vẹn vào nền kinh tế thế giới”.
Có bao nhiêu đơn vị kinh tế hiện đáp ứng các mời gọi của AEC?
Hi vọng càng nhiều càng tốt. Do lẽ nếu không sẽ là hụt chuyến tàu. Xuất phát điểm trễ hơn đã là một bất lợi “tự nhiên”, mà nếu cuối năm nay cũng chấp nhận có bước xuất phát chậm hơn thiên hạ sẽ chính là tự gạt ra khỏi chuyến tàu thịnh vượng chung mà các nước ASEAN đang rủ nhau leo lên từ cuối năm nay.
Muốn được như thế, nhất định sẽ phải bớt những “đặc thù Việt Nam” mà tăng thêm những tiến bộ chung mang giá trị ASEAN, để có thể đứng vững trước làn sóng ASEAN (từ đầu tư, sản phẩm đến nhân lực…) đổ vào, và sau đó cùng ASEAN chen trong thị trường thế giới.
Để bớt những “đặc thù Việt Nam” sẽ phải bỏ đi những tập quán mang tính độc quyền, mà ví dụ rõ nhất là độc quyền sản xuất và phân phối điện hay dầu hỏa, sẽ không thể đợi Nhà nước tái cơ cấu mà phải tự cải tổ… vì chính sự sống còn của bản thân từng đơn vị kinh tế và của cả nền kinh tế.
Nhìn sang một nước có nền kinh tế tạm xem ngang với Việt Nam nhưng lại đang thụ hưởng một số mặt khác Việt Nam, đi trước Việt Nam là Philippines. Trong một bài viết đăng trên tờ The Philippine Star ngày 3-8, một nhà báo Philippines đã viết về nhiệm vụ “rượt đuổi” của đất nước mình như sau:
“Tôi đã trải qua cả đời để xem đất nước chúng ta lần hồi bị bỏ lại sau các nước láng giềng của chúng ta. Có một thời chúng ta từng là trung tâm học thuật của khu vực. Chúng ta là nước có hãng hàng không và sân bay hiện đại đầu tiên của khu vực (vào thời điểm đó). Chúng ta từng có những chỉ số phát triển con người tốt nhất…
Suốt nửa sau của thế kỷ trước, chúng ta đã thấy các láng giềng chúng ta qua mặt chúng ta, từng nước một. Từ số các thành viên sáng lập ASEAN, Singapore tí hon đã chạy nước rút đầu tiên dẫn đầu, tiếp theo sau là Malaysia, Thái Lan – nơi mà cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã khởi đầu, cũng đã bỏ chúng ta ở phía sau sau khi phục hồi và cho dù chúng ta có là nước bị lây lan ít nhất trong cuộc khủng hoảng đó.
Ngay cả Indonesia mà vào năm 1998 đã bị rúng động bởi các cuộc bạo động đẫm máu dẫn đến sự sụp đổ của Suharto rồi kế đó là giai đoạn siêu lạm phát, cũng đang dẫn trước chúng ta”.
Nhà báo này tự hỏi và trả lời: “Điều gì đã xảy ra cho đất nước chúng ta? Trong trường hợp chúng ta, quyền lực đã được sử dụng cho những mục tiêu cá nhân, làm tăng thế lực và tài sản của 0,001% dân số. Khi của cải không được san sẻ, đất nước sẽ cắm đầu xuống hoả ngục. Người Philippines bỏ xứ ra nước ngoài kiếm sống. Một số giáo viên của chúng ta thà ra nước ngoài chùi nhà vệ sinh còn hơn đeo đuổi nghề của mình trong nước. Quyền lực chính trị lẽ ra phải là động cơ sức mạnh cho đất nước…”.
SOM ASEAN+3 và SOM EAS thống nhất chương trình nghị sự Sáng 3-8 tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), các quan chức cấp cao ASEAN với ba nước đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thảo luận chương trình nghị sự trình lên Hội nghị bộ trưởng ASEAN+3 lần thứ 16 diễn ra ngày 6-8. Hội nghị sẽ đệ trình các bộ trưởng kết quả rà soát hoạt động thực hiện kế hoạch hành động ASEAN+3 từ năm 2007 – 2017, đồng thời đưa ra kế hoạch hành động cho những năm tiếp theo. Cùng ngày, Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN – Đông Á (SOM EAS) giữa 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ cũng diễn ra tại Trung tâm thương mại thế giới Putra. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận kế hoạch làm nổi bật cơ chế hợp tác hiện nay của Đông Á, đặc biệt khi có sự tham gia của Nga và Mỹ từ năm 2011, và trình lên hội nghị bộ trưởng ngoại giao bản kế hoạch hành động Đông Á, kêu gọi sự hỗ trợ của các nước Đông Á đối với ASEAN trong tiến trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, đồng thời cùng nhau giải quyết các thách thức hiện nay tại Đông Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Các quan chức cấp cao đã trao đổi và thống nhất chương trình nghị sự, công tác lễ tân và hậu cần cũng như nội dung những dự thảo văn kiện trình các bộ trưởng thông qua tại các hội nghị sắp tới. Các quan chức cũng đã sơ bộ trao đổi về những nội dung dự kiến được các bộ trưởng thảo luận trong những ngày tới, đề xuất một số kiến nghị về những nội dung quan trọng để các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác xem xét và quyết định. Theo đó, nổi lên một số nội dung trọng tâm như: các biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng chính trị, an ninh ASEAN trong bối cảnh thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015; cải tiến, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc khu vực, trong đó có các biện pháp triển khai hiệu quả các cam kết mà ASEAN đã thoả thuận với các đối tác; trao đổi ý kiến về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ); thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… Về văn kiện của các hội nghị, dự kiến các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ ra thông cáo chung AMM 48; chủ tịch Malaysia sẽ ra các tuyên bố chủ tịch về các hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các đối tác và tuyên bố chủ tịch ARF. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp trên. |