Tiền đồn giám sát Trung Quốc của Ấn Độ
Một quần đảo hẻo lánh đang trở thành cơ sở quan trọng để Ấn Độ theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông.
Tiền đồn giám sát Trung Quốc của Ấn Độ
Một quần đảo hẻo lánh đang trở thành cơ sở quan trọng để Ấn Độ theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương lẫn Biển Đông.
Hồi đầu tháng 7, sau khi thăm một số nước Đông Nam Á và tham gia tập trận chung ở Biển Đông, 4 chiến hạm Ấn Độ đã ghé vào cảng Port Blair ở quần đảo Andaman-Nicobar của nước này ở Ấn Độ Dương. Đây là lần hiếm hoi tàu chiến Ấn Độ đến phần lãnh thổ hẻo lánh chỉ được biết đến nhờ các bãi biển tuyệt đẹp chưa được khai phá. Nhiều chuyên gia nhận định chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy Andaman-Nicobar đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của New Delhi nhằm ứng phó với các diễn biến đang gây quan ngại ở Ấn Độ Dương và Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn Reuters, một số quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết họ đã soạn thảo kế hoạch quy mô để biến căn cứ quân sự nhỏ và cũ kỹ ở Andaman-Nicobar thành chốt giám sát chiến lược với đầy đủ khả năng hải, lục, không quân. Sau một thời gian dài bỏ bê, giới lãnh đạo quốc phòng Ấn Độ dần nhận ra quần đảo này là tài sản lớn nhất để theo dõi các hoạt động đang ngày càng gây quan ngại của hải quân Trung Quốc.
Theo Reuters, Andaman-Nicobar được đánh giá là có vị trí vô cùng chiến lược khi nằm gần Myanmar, Indonesia và quan trọng hơn nữa là ngay sát eo biển Malacca, lối thông giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông. Nếu đầu tư đúng mức về quốc phòng ở đây, Ấn Độ có thể giám sát lối ra vào Ấn Độ Dương của chiến hạm Trung Quốc cũng như dễ dàng triển khai lực lượng đến Biển Đông, khu vực mà New Delhi nhiều lần tuyên bố có lợi ích quốc gia.
“Lâu nay, chúng tôi giữ tâm lý cố thủ đối với quần đảo này. Đã đến lúc nơi đây được xem là một bệ phóng quan trọng cho Ấn Độ”, ông A.K.Singh, Phó thống đốc Andaman-Nicobar, nói với Reuters.
Xây đường băng, tăng tàu chiến
Theo các nguồn tin, Ấn Độ đang xây nhiều đường băng dài và rộng hơn tại Andaman-Nicobar để phục vụ công tác triển khai máy bay giám sát tầm xa. Trong đó có việc cải tạo một đường băng tại làng Campbell Bay, điểm cực nam quần đảo và cách cửa eo biển Malacca khoảng 240 km. Đường băng dài 1.060 m này được xây dựng từ năm 2012, và khi đó nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc đã cáo buộc Ấn Độ “có ý đồ gây hấn”.
Đến nay, New Delhi dự tính sẽ kéo dài đường băng lên 1.828 m vào cuối năm 2015. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng một khi việc nâng cấp được hoàn tất, hải quân Ấn Độ sẽ triển khai luân phiên máy bay giám sát săn ngầm P8i đến Campbell Bay. “Việc nâng cấp đường băng ở Campbell Bay mang tính quyết định cho mọi kế hoạch đối với Andaman-Nicobar. Bạn có thể quan sát mọi thứ từ đó”, nguồn tin nhận định.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng số tàu hải quân đóng trú ở Andaman-Nicobar lên 32 chiếc trước năm 2022. Trong giai đoạn đầu, hải quân sẽ triển khai tàu tuần tra, tàu tấn công nhanh và tàu đổ bộ. Sau đó, sẽ đến lượt khinh hạm chống tàu ngầm, khu trục hạm và tàu hộ vệ tàng hình trú đóng tại Andaman-Nicobar.
Về khả năng trên bộ, quân đội Ấn Độ dự kiến triển khai khoảng 3.000 binh sĩ tới Andaman-Nicobar trong vòng 3 năm tới. Một sĩ quan ở Port Blair khẳng định với Reuters rằng trình độ của các lực lượng ở khu vực cần phải được nâng cấp lên một cách nhanh chóng. “Chúng tôi đang bắt đầu đầu tư mạnh mẽ và sẽ trở nên mạnh hơn”, ông nói.
Quả thực, Ấn Độ cuối cùng cũng đã nhận ra Andaman-Nicobar là một “mỏ vàng chiến lược”, theo chuyên gia Jeff Smith, tác giả cuốn Cold Peace: China-India Rivalry in the 21st Century (tạm dịch: Hoà bình lạnh: Đối đầu Trung – Ấn trong thế kỷ 21). Ông Smith nhận định: “Tôi có ấn tượng rằng việc quan ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ sẽ ngày càng coi trọng Andaman-Nicobar”.
Trung Quốc cảnh báo khả năng chiến tranh
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (1.8.1927 – 1.8.2015), tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội nước này đăng bài xã luận cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh “ngay cửa nhà” đang gia tăng. “Môi trường xung quanh nước ta nói chung ổn định, nhưng nguy cơ lẫn thách thức vẫn cực kỳ nghiêm trọng và khả năng hỗn loạn, chiến tranh ngay cửa ngõ của chúng ta đang gia tăng”, tờ báo viết.
Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền trên bộ với Ấn Độ, trên biển Hoa Đông với Nhật Bản và trên Biển Đông với một số nước Đông Nam Á. Về an ninh biển, bài xã luận viết: “Môi trường an ninh biển ngày càng phức tạp và các thế lực ngầm ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang trỗi dậy”.
Tuy nhiên, thực chất, ai cũng biết môi trường an ninh Biển Đông đang có nhiều biến động xuất phát từ những hoạt động ngang ngược, bất chấp pháp lý và đạo lý của Trung Quốc. Trong đó có việc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa với ý đồ quân sự hóa khu vực. Mới đây, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry B.Harris Jr., cảnh báo tại các đảo nhân tạo nói trên, Trung Quốc đang xây đường băng đủ để triển khai máy bay ném bom chiến lược.
|
Văn Khoa