10/01/2025

‘Bêu’ nợ thuế, cũng phải ‘bêu’ nợ hoàn thuế!

Việc Bộ Tài chính nêu tên các doanh nghiệp nợ thuế là cần thiết, nhưng để bình đẳng, cũng phải công khai các cơ quan, địa phương, cán bộ chậm hoàn thuế, chậm thanh toán vốn xây dựng cơ bản…

‘Bêu’ nợ thuế, cũng phải ‘bêu’ nợ hoàn thuế!

 

 

Việc Bộ Tài chính nêu tên các doanh nghiệp nợ thuế là cần thiết, nhưng để bình đẳng, cũng phải công khai các cơ quan, địa phương, cán bộ chậm hoàn thuế, chậm thanh toán vốn xây dựng cơ bản…


Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế tại Cục Thuế Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng

Hơn 600 doanh nghiệp (DN) nợ thuế thời gian qua bị công khai danh tính, theo thống kê của Tổng cục Thuế riêng tại Hà Nội tính đến ngày 30.7.2015, đã có 136 đơn vị nhanh chóng nộp hơn 704 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Kết quả này cho thấy giải pháp công khai tên các DN nợ thuế đã mang lại hiệu quả, bởi số tiền “chảy” về ngân sách sau khi công bố lên tới nghìn tỉ đồng qua nhiều đợt. Nhưng rõ ràng phía sau đó còn những hạt sạn cần phải gạn lọc, cũng như cần có một cách làm, tư duy đổi mới sòng phẳng hơn nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.

 
 
‘Bêu’ nợ thuế, cũng phải ‘bêu’ nợ hoàn thuế! - ảnh 2

 

Số tiền nhà nước chậm hoàn thuế cho DN về bản chất có thể được xem là một khoản nợ với DN. Do đó khoản nợ này cần phải được tính lãi nếu nhà nước chi trả không đúng thời hạn theo luật định. Đồng thời, phải công khai khoản nợ đó, tên tuổi của cục thuế, cán bộ thuế để xảy ra nợ đọng một cách định kỳ

 

‘Bêu’ nợ thuế, cũng phải ‘bêu’ nợ hoàn thuế! - ảnh 3
 

 

TS Lê Đăng Doanh

 

 
Doanh nghiệp, người dân khổ vì chậm hoàn thuế
“DN chậm nộp thuế bị xử phạt, quá hạn bị cưỡng chế, phong toả tài khoản công khai. Cá nhân nợ trên 50 triệu đồng, quá 90 ngày cũng không được xuất cảnh. Vậy còn nhà nước chậm hoàn thuế, nợ đọng xây dựng cơ bản thì như thế nào?”, chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long đặt vấn đề.
Thực tế, thời gian qua đến ngay cả ngành thuế cũng phải thừa nhận việc chậm chi trả tiền hoàn thuế khiến rất nhiều DN gặp khó khăn, trong đó không ít hồ sơ thuộc về trách nhiệm của ngành thuế. Đơn cử, năm 2014 cả nước có tới hơn 22.000 hồ sơ hoàn thuế với tổng số tiền lên tới hơn 90.000 tỉ đồng. Trong đó, TP.HCM có 157 hồ sơ hoàn thuế giải quyết chậm so với thời gian quy định và TP.Hà Nội còn 37 hồ sơ. Ngoài ra, còn có các địa phương như: Cà Mau có 112 hồ sơ giải quyết chậm, Đồng Nai có 159 hồ sơ, Hải Dương có 103 hồ sơ, An Giang là 46 hồ sơ…
Tại Bình Định, việc ngành thuế chậm bố trí tiền cho Quỹ hoàn thuế khiến lãnh đạo Cục Thuế tỉnh này không ít lần phải khẩn thiết đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quỹ hoàn thuế 225 tỉ đồng còn thiếu năm 2014 để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Có không ít trường hợp DN gặp khó khăn do bị chậm hoàn thuế như tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ thép Khương Mai. DN này nhập khẩu số lượng lớn thép với mục đích xuất khẩu, đã đóng thuế giá trị gia tăng tại cơ quan hải quan để thông quan hàng hoá, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn số tiền thuế 2,65 tỉ đồng. Số tiền bị ngâm trong 3 năm ròng, khiến ông Đinh Công Khương, Giám đốc công ty, ngán ngẩm: “DN bị thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể”.
Không chỉ tiền hoàn thuế, việc chậm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản mỗi năm hàng chục nghìn tỉ đồng đang khiến nhiều DN như ngồi trên đống lửa. Đơn cử, như trường hợp của Tổng công ty cổ phần và xuất nhập khẩu VN (Vinaconex) bị nợ tiền xây dựng cơ bản hơn 500 tỉ đồng. DN này đã nhiều lần kiến nghị nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết xong. Số tiền còn nợ đề nghị phải tính lãi cho DN, nhưng đáp lại Cục Thuế TP.Hà Nội vẫn “im lặng”.
Chưa công bằng với doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, như vậy là chưa công bằng đối với DN. Vì chậm hoàn thuế DN không những bị mất cơ hội đầu tư, kinh doanh mà còn chịu thiệt hại trực tiếp. Bởi, nếu tính theo lãi suất tiền gửi ngân hàng, cứ 1 tỉ đồng với lãi bình quân 5%/năm, DN đã có 50 triệu; 10 tỉ có 500 triệu đồng. Tiền bị “ngâm” càng lâu thì lãi càng tăng lên theo cấp số nhân. “Lãi phạt nộp thuế chậm của DN trước đây là 0,05%/ngày, nay tăng lên 0,07%/ngày. Tính ra mỗi tháng tiền phạt lãi lên đến 2,1%, mỗi năm lên tới hơn 25%. Nhưng với các trường hợp cơ quan thuế chậm làm thủ tục, cán bộ gây khó cho DN trong hoàn thuế, thì cũng không có hình phạt nào tương đương cả”, TS Ngô Trí Long chia sẻ.
GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng đã gọi là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, chúng ta cần có chế tài đối với các trường hợp nhà nước nợ tiền hoàn thuế, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ thuế, cơ quan thuế gây khó cho DN, chứ không nên để DN phải đơn phương gánh chịu thiệt hại. GS Thái cũng đề nghị nhà nước yêu cầu DN phải nộp thuế đúng quy định, ngược lại DN cũng có quyền yêu cầu được nhà nước hoàn thuế đúng hạn. Chỉ khi đó DN mới có lòng tin vào sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh hơn. “Cũng cần phải công khai cả tên đơn vị, cơ quan nhà nước chậm tiền hoàn thuế. Biện pháp xử lý, giải quyết như thế nào. Như vậy mới đảm bảo được môi trường đầu tư bình đẳng”, GS Thái nói.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị: “Số tiền nhà nước chậm hoàn thuế cho DN về bản chất có thể được xem là một khoản nợ với DN. Do đó khoản nợ này cần phải được tính lãi nếu nhà nước chi trả không đúng thời hạn theo luật định. Đồng thời, phải công khai khoản nợ đó, tên tuổi của cục thuế, cán bộ thuế để xảy ra nợ đọng một cách định kỳ. Việc này có thể bắt đầu đúng vào quý 4/2015 theo đúng thời điểm mà ngành thuế nói sẽ tiếp tục công khai danh tính DN nợ thuế”.
 

Một doanh nghiệp chây ì nộp thuế
Chiều 2.8, một lãnh đạo Cục Thuế Quảng Trị xác nhận ngày 28.7 đơn vị đã có công văn gửi Tổng cục Thuế xin hướng dẫn xử lý đối với Công ty TNHH SX-TM Hưng Phát (trụ sở chính tại TP.Đồng Hới, Quảng Bình, gọi tắt là Công ty Hưng Phát). Theo Cục Thuế Quảng Trị, từ tháng 2.2013, kho cảng xăng dầu Cửa Việt Quảng Trị (đặt tại TT.Cửa Việt, H.Gio Linh) thuộc Công ty Hưng Phát, doanh thu bán xăng dầu phát sinh nhưng không kê khai và nộp thuế tại Cục. Mặc dù đã nhiều lần phát công văn đề nghị đăng ký, kê khai và nộp thuế nhưng Công ty Hưng Phát không chấp hành nên ngày 8.10.2014, Cục Thuế Quảng Trị ban hành quyết định xử phạt, trong đó “Truy thu thế GTGT (theo tỷ lệ 2% trên doanh thu bán ra) là hơn 7,8 tỉ đồng, phạt hành chính 25 triệu đồng”, nhưng đến nay Công ty Hưng Phát vẫn không thi hành.
Thanh Lộc

Anh Vũ